Đau bụng tái diễn không ngờ sỏi lấp đầy ống mật chủ, gan
Khi thấy các triệu chứng đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng hạ sườn phải, buồn nôn, nôn ói, sốt, vàng da, đặc biệt là các cơn đau bụng tái diễn... đừng chủ quan.
Sỏi gây tắc mật, chít hẹp gan, ung thư...
Ngày 1/7, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho biết, đã phẫu thuật thành công lấy sỏi và cắt bỏ thùy trái gan chứa sỏi, kịp thời ngăn chặn nguy cơ viêm đường mật cấp, ung thư đường mật cho một bệnh nhân bị sỏi mật biến chứng.
Với triệu chứng đau bụng tái diễn nhiều lần, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày nên chị H.T.K.H., (47 tuổi, ngụ Sóc Trăng) đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long để thăm khám, phát hiện bị sỏi lấp đầy ống mật chủ và gan trái, khiến cho chị bị xơ teo gan trái.

Gan trái xơ teo vì sỏi - Ảnh BVCC
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng Quát đã phẫu thuật lấy sỏi và cắt bỏ thùy trái gan chứa sỏi, kịp thời ngăn chặn nguy cơ viêm đường mật cấp, ung thư đường mật.
Tại đây, qua thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu như chụp CT-scan bụng, kết quả cho thấy bệnh nhân có nhiều sỏi đường mật trong gan trái và sỏi túi mật, cùng với đó là gan trái bị xơ teo nhỏ.
Dựa trên các kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định sỏi đã hình thành lâu trong ống mật chủ dẫn đến tắc mật, đồng thời ống gan trái bị chít hẹp khiến cho toàn bộ thùy gan trái của bệnh nhân đã bị xơ teo và tạo các túi sỏi.
Trước tình trạng này, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng Quát đã đưa ra chỉ định phẫu thuật lấy sỏi và cắt thùy gan trái xơ teo chứa sỏi.
Giải thích lý do phải tiến hành cắt gan trong trường hợp này, ThS.BS.CKI. Lê Quốc Toàn, bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tổng Quát cho biết: “Với trường hợp bệnh nhân H., nếu không điều trị cắt phần gan chứa sỏi thì nguy cơ tái phát sỏi đường mật sau điều trị là rất cao, người bệnh dễ bị viêm đường mật cấp tái đi tái lại, đồng thời phần gan xơ teo này có nguy cơ ung thư đường mật trong gan rất cao. Vì vậy, cắt gan là giải pháp tối ưu nhất cho trường hợp này”.
Ca mổ được diễn ra trong gần 6 giờ đồng hồ, dưới sự dẫn dắt của TS.BS Lê Nguyên Khôi – chuyên gia Đơn vị gan – mật khoa Ngoại Tổng Quát hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Ca phẫu thuật lấy sỏi, cắt thùy gan cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Bác sĩ cho biết: “Thám sát ổ bụng ê kíp phẫu thuật thấy ống mật chủ giãn với đường kính gần 11mm, gan trái teo một phần, đường mật gan trái giãn với đường kính 15mm có chứa nhiều sỏi. Trong quá trình mổ, ê-kíp phẫu thuật đã mở ống mật chủ để lấy ra nhiều viên sỏi nhỏ tụ lại thành cụm với kích thước 14x8mm, đồng thời cắt gan thùy trái và đặt dẫn lưu vào ống mật chủ”.
Sau ca mổ, sức khỏe chị H. đã hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận bất kỳ biến chứng nào. Với sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, bệnh nhân đã được xuất viện chỉ sau 7 ngày điều trị.
Những biến chứng đe dọa tính mạng
TS.BS. Lê Nguyên Khôi cho biết, sỏi đường mật là một bệnh lý khá phổ biến, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh phẩm lấy ra nhiều viên sỏi nhỏ tụ lại thành cụm với kích thước 14x8mm, đồng thời cắt gan thùy trái - Ảnh BVCC
Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng hạ sườn phải, buồn nôn, nôn ói, sốt, và vàng da. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những dấu hiệu này, đặc biệt là các cơn đau bụng tái diễn, đừng chủ quan.
Đa phần những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc sỏi đường mật cao hơn người trẻ. Đặc biệt người có tiền sử có sỏi mật hay các bệnh túi mật sẽ có nguy cơ có sỏi ống mật chủ.
Ngoài ra bệnh có liên quan nhiều đến các yếu tố nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng đường ruột. Sỏi đường mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật, viêm tụy, xơ gan… Ngoài ra, sỏi đường mật trong gan là yếu tố nguy cơ gây ung thư đường mật trong gan.
PGS.TS Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng khoa ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, sỏi đường mật chủ thường có 2 nguồn khác nhau: Sỏi hình thành tại chỗ và sỏi di chuyển từ sỏi túi mật hay từ sỏi trong gan do yếu tố nhiễm khuẩn và ký sinh trùng đường mật.
Sỏi nằm trong đường mật chính, đoạn từ chỗ ống túi mật gặp ống gan chung tới chỗ ống mật đổ vào tá tràng (hay từ dưới hợp lưu 2 ống gan chung tới bóng Valter không kể túi mật).
Các viên sỏi di động trong ống mật, không gây tắc mật có thể tồn tại lâu dài và không có những rối loạn và chỉ có thể phát hiện tình cờ qua thăm khám. Khi sỏi tắc hoặc kích thước sỏi to gây ứ đọng dịch mật, nhiễm khuẩn dịch mật và viêm đường mật với các mức độ, đặc biệt có thể gây viêm mủ đường mật và sốc nhiễm khuẩn rất nặng.
Sỏi ống mật chủ nhỏ còn di động được thường không có các biểu hiện lâm sàng, chỉ có thể phát hiện tình cờ khi thăm khám có hệ thống hoặc đôi khi có biểu hiện bằng cơn đau nhẹ thoảng qua vùng dưới sườn phải.
Khi sỏi ống mật chủ gây tắc mật điển hình và nhiễm khuẩn đường mật, thể trạng chung biến đổi rất nhanh: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, da niêm mạc vàng, tăng dần và gầy sút nhanh chóng…Khi viêm đường mật nặng gây các hội chứng nguy hiểm cho tính mạng: hội chứng gan thận: Suy gan: xơ gan cổ chướng, ứ mật, xuất huyết dưới da; Suy thận: li bì, đái ít, vô niệu….
PGS.TS Trương Thanh Tùng, khuyến cáo, sỏi túi mật nếu được phát hiện sớm điều trị tương đối đơn giản là phẫu thuật lấy sỏi hoặc dẫn lưu đường mật. Sỏi tồn tại lâu và diễn biến dần sẽ dẫn đến xơ gan cổ trướng, ứ mật. Vì vậy, có các biểu hiện như đau quặn bụng, đau dữ dội, vàng da, vàng mắt… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Người dân nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt nếu phát hiện có sỏi đường mật thì nên tái khám mỗi 6 tháng và nên thực hiện can thiệp sớm và chủ động.
Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán, phát hiện sớm sỏi ống mật chủ như siêu âm, chụp CT scan bụng, nội soi mật tụy ngược dòng ERCP, chụp cộng hưởng từ mật tụy ( MRCP)…
Việc phát hiện sớm thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp cho quá trình điều trị được hiệu quả hơn, an toàn hơn.