Dấu chấm hết cho tính năng cài song song Windows trên Mac M1 và M2
Nếu muốn cài Windows lên máy tính Mac dùng chip M-series, người dùng chỉ có thể chạy máy ảo thay vì cài song song bằng Boot Camp.
Microsoft vừa thông báo Parallels Desktop 18 là phần mềm bên thứ 3 duy nhất được ủy quyền để cài phiên bản Arm của Windows 11 lên máy tính Mac dùng chip M-series. Điều đó đồng nghĩa người dùng và doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ trực tiếp từ Microsoft nếu hệ thống ảo hóa Windows 11 trên máy Mac gặp sự cố.
Với người muốn cài Windows lên máy Mac, Boot Camp là giải pháp hiệu quả bởi hiệu năng và độ ổn định được bảo đảm so với máy ảo. Tuy nhiên, động thái của Microsoft đã dập tắt hy vọng về khả năng "hồi sinh" Boot Camp.
Tài liệu của Microsoft nêu cụ thể Parallels là giải pháp được chấp nhận. Công ty không bán lẻ Windows on Arm, nhưng người dùng có thể tải và cài đặt trực tiếp trên Parallels Desktop. Tính năng này không được hỗ trợ trên những phần mềm máy ảo khác như VMware Fusion hay QEMU.
"Parallels Desktop 18 là giải pháp được ủy quyền để chạy các phiên bản Arm của Windows 11 Pro và Windows 11 Enterprise trong môi trường ảo trên máy tính Apple M1 và M2", trang hỗ trợ của Microsoft cho biết.
Cùng ngày, Alludo, công ty đứng sau giải pháp ảo hóa Parallels cũng thông báo về việc sử dụng phần mềm ảo hóa Parallels Desktop để chạy Windows 11 trên Apple Silicon.
So với Windows 11 bình thường, hạn chế của phiên bản Arm là thiếu một số driver phần cứng, vài phần mềm và game yêu cầu DirectX 12 hoặc OpenGL3.3 không được hỗ trợ.
Windows 11 Arm cũng không hỗ trợ một số tính năng như chạy app Android, môi trường GNU/Linux hay Windows Sandbox - môi trường máy tính tinh gọn để chạy các ứng dụng an toàn.
Bên cạnh Parallels Desktop 18, tùy chọn khác để chạy Windows 11 trên máy Mac với chip M-series là dịch vụ Windows 365 trên nền tảng đám mây.
Những động thái trên cho thấy Boot Camp, công cụ chính thức của Apple để cài Windows lên máy tính Mac sẽ không bao giờ xuất hiện trên thiết bị dùng chip M-series.
Boot Camp được tích hợp trên máy tính Mac từ phiên bản Mac OS X Leopard năm 2006. Đó cũng là năm Apple chuyển từ CPU PowerPC của Motorola sang Intel. Do Windows tương thích với CPU Intel, Táo khuyết mang đến giải pháp cài song song Windows trên phần cứng Mac.
Chip M-series dùng kiến trúc Arm, không phải x86 như CPU Intel. Do đó, phiên bản Windows mà chúng ta biết đến (dùng cho CPU kiến trúc x86) sẽ không thể chạy trên máy Mac với chip M.
Apple không tích hợp Boot Camp trên máy Mac với chip M-series từ năm 2020. Dù xác nhận máy Mac chip M có thể chạy phiên bản Windows Arm, Apple chưa từng công bố giải pháp hỗ trợ. Theo Macworld, nguyên nhân có thể đến từ chính sách cấp phép Windows on Arm của Microsoft.
Boot Camp vẫn xuất hiện trên macOS Ventura, nhưng chỉ dành cho những thiết bị dùng CPU Intel. Trong thời gian tới, Táo khuyết nhiều khả năng ngừng cập nhật Boot Camp khi quá trình chuyển giao giữa Intel sang M-series hoàn tất, vì tỷ lệ máy Mac chạy Intel không còn nhiều như trước.