Dấu chấm hết dành cho đế quốc Bồ Đào Nha
Kể từ thất bại thảm hại trong Trận Chiến Ba Vua, đế quốc Bồ Đào Nha không bao giờ còn trở lại được vị thế hoàng kim như họ đã từng sở hữu trước đó nữa.
Dĩ nhiên sau cột mốc ấy vẫn còn là một chặng đường khá dài. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế đánh giá: Kể từ thất bại thảm hại trong Trận Chiến Ba Vua (với cái tên đầy đủ là trận Alcazar El-Kebir, hay Alcácer Quibir), đế quốc Bồ Đào Nha không bao giờ còn trở lại được vị thế hoàng kim như họ đã từng sở hữu trước đó nữa.
Cuộc xung đột bị "quốc tế hóa"
Tất cả bắt đầu với một cuộc tranh chấp quyền lực trong cung đình của những người Moors, ở phần lãnh thổ Bắc Phi mà hiện nay được gọi với cái tên Morocco.
Vua Bồ Đào Nha khi đó, Sebastian I, cảm thấy không thể bỏ qua cơ hội vàng hiện ra trước mắt ông, khi nhà vua bị truất phế của Morocco là Abdullah Mohammed II tới Lisbon để thỉnh cầu sự giúp đỡ. Ông ta bị hạ bệ khỏi ngai vàng, và bị trục xuất khỏi Morocco, bởi người chú của mình - người lúc ấy trở thành vua Abd Al-Malik I.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng khi ấy, bất chấp lãnh thổ nhỏ bé bị bao vây ba mặt bởi Tây Ban Nha trên bán đảo Iberia, Bồ Đào Nha đã thực sự trở thành một đế quốc hàng hải hàng đầu thế giới. Đế chế của họ trải dài từ Brazil đến những thương cảng ở Ấn Độ, và dĩ nhiên bao trùm cả không ít khu vực trọng địa trên duyên hải Bắc Phi. Tuy nhiên, do những yếu tố bất khả kháng về quốc lực như diện tích hay dân số, sức mạnh quân sự mà Bồ Đào Nha muốn áp đặt vẫn chưa bao giờ đạt tầm vóc của những đại cường lân bang như Tây Ban Nha, Anh hay Pháp.
Bồ Đào Nha, một cách chính xác, không có nhiều cơ hội đóng vai trò quan trọng trong các cuộc "tranh bá đồ vương" ở châu Âu lục địa. Bởi vậy, lẽ tất yếu là nếu muốn bành trướng, họ chỉ có thể hướng ra hải ngoại. Bắc Phi, dải đất màu mỡ ngay bên kia Địa Trung Hải, là một mục tiêu đáng để thèm khát, đặc biệt là khi những người Moors luôn tỏ ra khá chia rẽ.
Hơn thế, vào năm 1574, Sebastian I đã đích thân đến thị sát một số căn cứ quân sự Bồ Đào Nha ở Bắc Phi. Từ những doanh trại đó, ông chỉ huy vài cuộc tập kích thành công vào những lãnh thổ Hồi giáo, với sự vượt trội hoàn toàn về trang bị của quân đội, đặc biệt là trọng kỵ. Chính vì vậy, tham vọng của ông ở Morocco càng trở nên rõ rệt. Và lời đề nghị của Abdallah Mohammed II càng trở nên hấp dẫn.
Vung tay tiêu tốn một ngân khoản lớn trong tài sản hoàng gia, Sebastian I dẫn đoàn viễn chinh lên đường, vòng qua eo Gilbraltar, đổ bộ lên Morocco. Đó là năm 1578.
Song, dĩ nhiên, Abd Al-Malik I không dễ dàng đầu hàng. Ông ta không chấp nhận buông bỏ quyền lực. Mà thực ra, ông ta cũng chẳng cần phải buông bỏ quyền lực. Đỡ chân cho ngai vàng của ông ta là một thứ quyền lực to lớn và vững chãi hơn nhiều so với thứ "ngoại viện" của đứa cháu bị truất phế. Quân đội viễn chinh Bồ Đào Nha không làm Abd Al-Malik I sợ hãi, bởi sát cánh cùng quân Morocco là một đại đế quốc đang chuẩn bị bước vào thời cực thịnh: Đế chế Ottoman.
Sebastian I tự xem cuộc viễn chinh của mình là một cuộc Thập tự chinh nho nhỏ. Chính vì thế, Ottoman cũng phản ứng theo cách phản ứng quen thuộc mà họ áp dụng với các quân đoàn Thập tự chinh ở Đất Thánh: Đánh trả. Họ mang lá cờ nửa vành trăng của mình che chở cho Abd Al-Malik I.
Họ không che giấu sự hăm dọa rằng họ sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ người Moors phụ thuộc mình. Họ đáng sợ đến độ khi Sebastian I ngỏ lời xin chú mình là vua Philip II của Tây Ban Nha giúp đỡ, Philip II cũng từ chối. Ông ta không muốn đưa Tây Ban Nha vào thế đối đầu với Ottoman.
Cuộc nội chiến của Marocco, đến lúc đó, đã trở thành một cuộc chiến tranh bị "quốc tế hóa", như rất nhiều cuộc xung đột đang diễn ra trong thời hiện đại. Người Moors không còn thực sự nắm giữ được quyền tự quyết số mệnh của mình, khi Bồ Đào Nha nhất quyết tranh hùng với đế chế Ottoman Hồi giáo.
Có điều, Sebastian I quá đơn độc. Nhưng ông ta cũng khá đủ ngạo mạn, để tiếp tục tiến quân một cách ngạo mạn trong đơn độc. Trong khi đó, quân đội hùng mạnh của Ottoman, hoàn toàn chiếm ưu thế về nhiều mặt, đã sẵn sàng tiếp đón những cánh quân Bồ Đào Nha. Với sự tiếp sức của họ, Abd Al-Malik đã không chỉ còn là nhà vua của một đám binh sĩ dễ trở nên thất thế và có thể bị đánh bại bởi kỵ binh nặng Bồ Đào Nha như trước nữa.
Ông ta, dù mang bệnh nặng, vẫn lên ngựa tập hợp các lực lượng trung thành với mình, dẫn họ đến chiến trường được lựa chọn.
Chiến trường ấy mang tên Alcazar El-Kebir.
Trận chiến Ba Vua và những hệ quả
24-6-1578, Sebastian I đọc một bài diễn văn hiệu triệu trước toàn quân tại nhà thờ Santa Maria tại Lagos, rồi ngay lập tức lên thuyền vượt biển.
Họ đổ bộ lên Arzila, nơi Abdullah Mohammed II đã đợi sẵn cùng 6.000 lính Moors dưới trướng, để gia nhập và cùng hành tiến vào sâu trong lãnh thổ nội địa Morocco. Đến sông Loukkos, họ dừng lại hạ trại. Bờ bên kia, liên quân Malik I - Ottoman cũng chong mặt đóng quân.
Ngày 4-8-1578, cuộc quyết chiến bùng nổ.
Ngay từ đầu, do không nắm vững tình hình binh lực của đối thủ, quân Bồ Đào Nha đã lâm vào thế hoàn toàn bất lợi. Ở hai cánh, quân Ottoman bố trí những toán kỵ binh mạnh nhất. Nơi trung tâm, họ giao phó cho những chiến sĩ người Moors căm thù dân Thiên Chúa giáo nhất - những người đã từng bị cướp sạch tài sản và đuổi khỏi bán đảo Iberia, sau các cuộc thanh trừng tôn giáo thảm khốc. Cách dàn quân này bảo đảm cho liên quân Ottoman - Malik hai điều: Trung tâm của họ trụ vững đến tận cùng, và vì thế, khi trung quân của Sebastian I - Abdallah bị đẩy lui, thế trận biến hình thành một vành trăng khuyết mà ở hai cánh, kỵ binh Ottoman có thể công phá dữ dội vào hai sườn của địch thủ.
Sau những loạt pháo và súng hỏa mai mở màn, thế thắng bại xem như đã rõ. Trọng kỵ Bồ Đào Nha không thể phát huy được ưu thế như trong những trận giao tranh nhỏ lẻ trước đây nữa. Ngược lại, họ bị đè bẹp bởi những toán kỵ binh Hồi giáo đông đảo hơn và giàu sức chiến đấu hơn. Sebastian I lâm vào thế bị bao vây khi hai cánh khép chặt lại, thậm chí chẳng còn đường thoát.
Sau bốn giờ giao tranh, liên quân Bồ Đào Nha - Abdallah thất bại hoàn toàn. 8.000 tử sĩ, trong đó bao gồm hầu như toàn bộ giới quý tộc - hiệp sĩ Bồ Đào Nha tham gia cuộc viễn chinh. 15.000 người khác trở thành tù binh. Chỉ còn khoảng 100 người sống sót chạy thoát đến bờ biển, để trở về gieo rắc những tin tức bi thảm tại thành Lisbon.
Vị vua bị truất phế - Abu Abdallah - cố gắng chạy trốn nhưng chết đuối dưới sông. Chú của ông ta, vị vua gượng bệnh ra trận Abd Al-Malik I, chết do suy kiệt vì cố sức trụ lại trên lưng ngựa quá lâu.
Và vị vua thứ ba - Sebastian I - không bao giờ được tìm thấy thi thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng ông đã bị chém thành muôn mảnh bởi đám loạn quân. Nhưng dĩ nhiên, như rất nhiều sự không trở về của các bậc quân vương, dân gian vẫn thêu dệt cái chết của ông thành một huyền thoại. Cũng như Kiến Văn Đế nhà Minh, có những câu chuyện truyền kỳ về Sebastian I mà theo đó, "hoàng thượng" đã thoát thân một cách thần kỳ, và sẽ trở về để cứu rỗi đất nước.
Có lẽ câu chuyện dân gian này phát sinh sau trận chiến khá lâu, từ thực trạng buồn thảm của Bồ Đào Nha. Đất nước ấy buộc phải chấp nhận bị gồm thâu vào Liên minh Iberia, do Tây Ban Nha (được cai trị bởi dòng họ Habsburg) lãnh đạo suốt 60 năm. Sebastian I ra đi ở tuổi 24, chưa kịp có con nối dõi, nên việc Bồ Đào Nha (hầu như không còn giới quý tộc) bị thôn tính và xâu xé là một lẽ tất yếu.
Trận chiến Ba Vua ấy, vì vậy, có thể coi là dấu chấm hết cho cả một kỷ nguyên huy hoàng mà thành Lisbon từng tận hưởng. Nó cũng trở thành một trong rất nhiều bài học đắt giá, về sự khinh suất trong việc can dự vào các vấn đề ngoài lãnh thổ, khi chưa cân nhắc kỹ lưỡng được các vấn đề về cân bằng chiến lược, trước một địch thủ hùng mạnh và nhiều tham vọng như Đế quốc Ottoman.
* Bán gần hết tài sản hoàng gia, Sebastian I tổ chức được một hạm đội lớn cùng một đội quân đa quốc tịch gồm nhiều thành phần lính đánh thuê: 2.000 quân tình nguyện (những tín đồ Thiên Chúa giáo cuồng tín) Castilla (Tây Ban Nha); 3.000 lính đánh thuê Flanders; 600 lính Ý…Tổng quân số viễn chinh vào khoảng 18.000 người, với khoảng 500 tàu.
* Tuy nhiên, đối diện với họ là một lực lượng vượt trội với hơn 50.000 quân Morocco - Ottoman. Nhiều nguồn sử liệu còn cho rằng quân số của liên quân này có thể lên tới 100.000 người, nhưng có vẻ như con số này không khả thi nếu xét tới các khâu cung ứng hậu cần.