Dấu chân Giác ngộ
Cuộc hành trình theo dấu chân Đức Phật trải qua rất nhiều chặng đường từ Việt Nam đến Ấn Độ, NePal và ngược lại. Nhưng đích đến của chuyến đi không phải một vùng đất mà là cách nhìn về con đường Đức Phật đã đi qua. Đó là con đường tỏa chiếu trí tuệ và tỏa hương từ bi, giúp con người vượt qua vô vàn thách thức và thành tựu các phúc lợi an lạc cho nhân loại.
1. Lịch sử nhân loại ghi nhận rằng, Thái tử Siddhattha Gotama đản sinh vào năm 624 trước Công nguyên (ở một vương quốc cổ xưa thuộc Ấn Độ nay thuộc lãnh thổ của Nepal) đã giác ngộ thành Phật tại Bồ Đề Đạo tràng (Ấn Độ) từ hơn 2600 năm trước. Cuộc đời của ngài chính là con đường của sự tỉnh thức, dẫn dắt thế giới tìm thấy giá trị an lạc cuộc sống cho đến ngày hôm nay.
Với những giá trị minh triết mang tính thực tiễn của Đức Phật cũng như các giá trị và đóng góp của Đạo Phật, ngày 15/12/1999, Liên Hiệp quốc đã quyết định tưởng niệm ngài thông qua Đại lễ Vesak để chia sẻ với thế giới, bất luận tôn giáo, màu da, sắc tộc về hành trình cuộc đời của Đức Phật từ lúc sinh ra, thành đạo cho đến khi nhập cõi niết bàn.
Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019 vừa được tổ chức thành công ở Việt Nam nhưng may mắn của chúng tôi là được tưởng niệm Đức Phật và trải nghiệm cuộc đời của ngài theo một cách chân thực nhất, đó là đi theo dấu chân mà ngài đã lưu dấu tại Ấn Độ - nơi mà thế giới ngày nay đã tôn vinh thành Tứ Thánh địa: Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - Ðức Phật sinh ra; Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng)– Ðức Phật thành đạo; Sarnath (vườn Lộc Uyển)– Ðức Phật giảng bài pháp đầu tiên và Kushinagar (Câu Thi Na) – Ðức Phật đi vào cõi niết bàn.
Đối với một Phật tử hay một người ngưỡng mộ đạo Phật, được đến Tứ Thánh địa là nhân duyên vô cùng đặc biệt. Với chúng tôi, nhân duyên này lại khởi từ nhiều nhân duyên khác.
Đó là khi Hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ - Indigo chính thức mở đường bay thẳng từ Kolkata tới Hà Nội (từ 3/10) và TP.HCM (từ 18/10). Ông William Boulter, Giám đốc thương mại của IndiGo cho rằng, các chuyến bay đến Việt Nam không chỉ giúp tăng lượng khách du lịch ở cả hai quốc gia mà còn kết nối cộng đồng Phật giáo tại Việt Nam với các thành phố tôn giáo quan trọng ở Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc thông qua Kolkata.
Nắm bắt cơ hội này, Công ty HG Holdings (Gotadi) đã quyết định mở các tuyến tour mới với chủ đề “Theo dấu chân Đức Phật” khai trương chuyến bay đầu tiên của hãng Indigo. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings và là đại diện hàng không của Indigo cho biết, Indigo là một đường bay giá rẻ, là phương tiện phù hợp với thu nhập của tầng lớp trung lưu ở hai nước Việt Nam- Ấn Độ. Đường bay không chỉ tạo điều kiện để đưa du khách Việt tới Ấn Độ mà còn tăng lượng khách từ chiều ngược lại, đưa Việt Nam thành thị trường tiềm năng của Ấn Độ.
“Hành trình đầu tiên đến những miền đất xa xôi” như lời chào đón của cơ trưởng Ashim Mittra, Phó Chủ tịch bộ phận vận hành chuyến bay Indigo gửi tới, khiến chúng tôi hiểu rằng, một khi đã đi, cuộc hành trình sẽ không bao giờ kết thúc. Nó sẽ tái hiện liên tục trong những góc yên tĩnh nhất của tâm trí, như lúc này.
Chúng tôi đã có những người đồng hành rất đặc biệt. Những người đã giúp chúng tôi hiểu hơn về giá trị của Đạo Phật bằng trải nghiệm của chính cuộc đời họ. Những người bằng sự yêu mến đất nước Ấn Độ đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về sự huyền bí, thâm sâu ở một miền đất xa xôi.
Đó là các vị Tăng ni, Phật tử đáng kính, đó là những người ngưỡng mộ đạo Phật, đã từng sống ở Ấn Độ và yêu mến đất nước này và đó còn là người dẫn đường thú vị – ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, tuy ông không phải là một người theo đạo Phật nhưng là người hướng Phật, bởi Đạo Phật đã đem lại giá trị cho bất cứ ai trên thế gian này đó là tư tưởng của hòa bình, của lòng từ bi hỉ xả, giúp con người vượt qua những thách thức (thoát khổ). Vì vậy, đây là một hành trình rất ý nghĩa dành cho các Phật tử, những người hướng Phật, ngưỡng mộ đạo Phật, nên trải nghiệm ít nhất một lần trong đời.
2. Lâm Tỳ Ni - nơi Ðức Phật sinh ra, nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa (nay là Kapilavastu) khoảng 25 km về hướng Ðông, cách biên giới Ấn Ðộ - Nepal 36 km và cách thủ đô Nepal, Kathmandu 320 km.
Đã có một thời gian rất dài, Lâm Tỳ Ni bị lãng quên. Ðến tận 1/12/1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Ðức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher mới khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka), mới biết đây là Thánh địa, nơi Hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Siddhattha Gotama. Gần đây nhất, vào năm 1996, các nhà khảo cổ tìm thấy dưới đền thờ Hoàng hậu Maya một phiến đá có in dấu một bàn chân nhỏ mà vua A Dục đã dùng để đánh dấu vị trí nơi sinh của Ðức Phật. Phiến đá hiện nay được giữ nguyên trạng trong tình trạng khai quật. Sau khi được các nhà khảo cổ xác nhận các chứng tích lịch sử, năm 1997, UNESCO đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là Di sản Văn hóa của nhân loại.
Chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni khi hoàng hôn đã buông mình xuống mặt hồ xao xác cỏ lau. Ngay khi những ánh nắng cuối cùng dần biến mất, bầu trời chuyển từ vàng sang đỏ lựng rồi tím ngắt chính là thời khắc từng tiếng chuông nguyện cầu rung lên như đưa ta quay trở về câu chuyện hơn hai ngàn năm trước.
Đức Phật được sinh ra, ngài đã bước 7 bước, dưới mỗi bước chân lại nở ra một đóa hoa sen và ngài nói: “Trên trời, dưới đất chỉ có mình ta”, sau này, các học giả đã dịch ý câu nói này: "Ta và vũ trụ là một, sự thật là không tồn tại một cái tôi cá nhân nhỏ bé ích kỷ nào đứng riêng rẽ tách biệt với thế giới".
Cuộc đời và những giá trị mà Đức Phật để lại đã thấm đẫm trong các huyền thoại cũng như sự thật khảo cổ ở nơi này.
Trong biên niên sử của Phật giáo đã ghi nhận, trước khi có Phật giáo, Ấn Độ chưa từng biết đến sự bình đẳng.
Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài còn đi xa hơn nữa khi khẳng định, không một ai có thể bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện, đó là sự an lạc vĩnh cửu. Đó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.
Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý của Đức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Độ tiến lên và những giai cấp thấp khác định quyền bình đẳng của họ, nhưng cũng chính vì vậy các tôn giáo khác đã quay lại chống đối Phật giáo, nhấn chìm Phật giáo và đã có lúc làm cho thế giới lãng quên ngay tại nơi Phật giáo được sinh ra.
Cho nên, một trong những người được nhắc đến nhiều nhất tại các Thánh tích Phật giáo là Hoàng đế A Dục - người có công hoằng pháp lớn nhất trong lịch sử Phật giáo. Nếu không có ông, thế giới có lẽ đã không thể tìm thấy những di sản Phật giáo.
A Dục vương là người trị vì đế quốc Maurya từ năm 273 đến 232 trước Công nguyên. Ông đã quy y sau khi chinh phạt được lãnh thổ Kalinga bởi một trận chiến đẫm máu. Vào năm trị vì thứ 20 của mình, vua A Dục đã dành 265 ngày để đi chiêm bái tất cả các Phật tích tại Ấn Độ. Tại mỗi thánh tích, nhà vua đều cho xây dựng bảo tháp, bia đá và trụ đá để đánh dấu nơi mà Đức Phật từng lưu trú và giảng pháp. Nhờ thế, Phật tử ngày nay được biết chính xác về các Phật tích. Nhờ vậy, thế giới ngày nay mới có những di sản vô cùng quý giá.
Những chỉ dụ của A Dục khắc trên các trụ đá cho thấy sự biến chuyển vĩ đại trong tâm của vị vua này, từ một bạo quân thành một hiền quân, từ một chiến binh tàn sát mọi thứ lại trở thành một con người biết thương xót, nâng niu từng sinh mạng, kể cả loài vật.
Tất cả những câu chuyện này khi được xâu chuỗi lại đều là chân lý trên con đường giác ngộ trong Đạo Phật. Một chân lý có giá trị thực sự phải chịu nổi các thử thách của thời gian. Và với chúng tôi, cuộc hành trình đi tìm chân lý theo dấu chân Đức Phật cũng thế, nó đòi hỏi một sự cố gắng và suy xét để gạt bỏ các điều mê tín, thành kiến.
3. Ngày nay, Phật giáo đang được khởi sắc sinh động tại Ấn Độ, đặc biệt tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi đã trở thành trung tâm chính của Phật giáo thế giới - nơi Đức Phật đã ngồi thiền trong 49 ngày quay về hướng đông, ngài đã giác ngộ ngay giây phút nhìn thấy sao mai và thấy bản thân - sao mai là một, đó là sự tỉnh thức về tính vô ngã của bản thân và vạn vật.
Trong xu hướng tốt đẹp đó, cây Bồ đề - nơi Đức Phật đã thành đạo từ hơn 2600 năm trước vẫn đang chuyển mình tỏa ra sức sống linh thiêng. Đây cũng là nơi chúng tôi ở lại lâu nhất trong hành trình theo dấu chân Đức Phật.
Vào một buổi tối, để tỏ lòng tri ân với Đức Phật, Đại sứ Phạm Sanh Châu và sư thầy Manoj, người quản lý Bồ Đề Đạo Tràng dẫn đường để chúng tôi đi nhiễu 3 vòng quanh Bảo tháp Đại Giác – một công trình vĩ đại được vua A Dục xây dựng bên cạnh cây Bồ đề.
Chúng tôi bước nhẹ nhàng dưới bóng cây, ánh trăng xuyên qua từng tán lá, quyện lại với hương trầm thành những cột sáng mờ ảo. Trong không gian tĩnh lặng, một chiếc lá Bồ đề khẽ rơi xuống như mang đến thông điệp trí tuệ và từ bi của ngàn năm.
Năm 574 trước Công nguyên, dưới bóng cây Bồ đề này, Thái tử Siddhattha Gotama 35 tuổi, con của Quốc vương thành Kapilavatthu - người từ bỏ hoàng cung, từ bỏ ngai vàng để sống cuộc đời của một đạo sĩ khổ hạnh, đã trở thành Phật sau 49 ngày đêm ngồi thiền nhập định.
Những chiếc lá Bồ đề có hình trái tim vút lên mạnh mẽ đã che chở cho Đức Phật trong suốt 49 ngày đêm. Chiếc lá thể hiện cho sự giác ngộ và trí tuệ của Đức Phật. Cho nên lá Bồ đề được xem là may mắn cho những ai tìm thấy.
Nhưng phải chăng ý nghĩa của sự may mắn ấy không phải là những thứ “cầu được ước thấy” như trong cuộc sống chúng ta vẫn chỉ quen tìm kiếm Đức Phật ở bên ngoài như một đấng toàn năng có thể giúp ta thỏa mãn những điều mong ước, chứ không chịu tìm kiếm ở nội tâm, nơi ngài luôn ngự trị.
Năm tuần sau khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, Ðức Phật đã đi từ Bồ Ðề Ðạo Tràng, vượt hơn 120km để đến vườn Lộc Uyển ở bang Varanasi, một trong những bang nghèo nhất của đất nước Ấn Ðộ ngày nay.
Ðến đây ngài đã thuyết giảng bài kinh “Tứ diệu đế” về quy luật tự nhiên của vạn vật cho năm vị tu sĩ khổ hạnh và cũng là những người bạn đồng tu khổ hạnh - năm anh em Kiều Trần Như, trong lần thuyết pháp đầu tiên. Ðức Phật đã giác ngộ họ về nguyên nhân của sự khổ, con đường thoát khổ và Phật giáo bắt đầu từ đây được truyền bá rộng rãi.
Ðiều kỳ diệu là sau hàng ngàn năm, bất biến với vạn vật đổi thay, dưới chân trụ đá còn sót lại một cách khá nguyên vẹn của Hoàng đế A Dục, chúng tôi - những người con của Phật, những người ngưỡng mộ đạo Phật từ Việt Nam đã cùng nhau cất lên bài Kinh chuyển Pháp luân là bài kinh đầu tiên trong sự nghiệp của Đức Phật để tưởng niệm ngài và thấu hiểu hơn về câu chuyện của hơn 2600 năm trước.
Đức Phật cho rằng, có hai thái cực người tu nên tránh. Một là khoái lạc, say đắm ngũ lục. Hai là khổ hạnh, ép xác hành thân. Nếu sa vào hai con đường này, thân tâm sẽ bị hủy hoại. Con đường mà Ðức Phật Như Lai đã tìm ra chính là con đường Trung Đạo. Đó là con đường đem đến trí tuệ và giải thoát an vui bằng cách thực hiện 8 chi phần (Bát Chánh Đạo): nhận thức chân chính, tư duy chân chính, ngôn ngữ chân chính, hành động chân chính, sinh kế chân chính, chuyên cần chân chính, chú ý chân chính, định tâm chân chính.
Bát Chánh Đạo chỉ là nền tảng giáo lý của Đức Phật. Con đường đi đến tuệ giác, nhân cách, chân lý, an lạc và giải thoát mà Đức Phật đã thuyết giảng ở Vườn Lộc Uyển là không hạn chế ở bất cứ quốc gia, dân tộc, tôn giáo nào. Do vậy, những giá trị mà Đức Phật để lại thuộc về tất cả những ai có nhận thức và một tấm lòng rộng mở.
Với những chân lý từ cuộc đời mình, sau gần 50 năm thuyết pháp, Ðức Phật đã tuyên bố với A Nan cùng đại chúng Tỳ kheo “ba tháng sau sẽ nhập niết bàn tại rừng cây Ta La thuộc thành Kushinagar ( Câu Thi Na), tiểu bang Utta Pradhesh”.
Câu Thi Na giờ đây đã trở thành một trong bốn Thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo. Chúng tôi chạm đến nơi này như một sự kỳ diệu. Để thấy đó là Đức Phật, người đã không phải là một huyền thoại mà là một nhân cách sống động. Đó là Đức Phật - một con người phi thường với phẩm hạnh và trí tuệ vượt trội.
4. Phật giáo là một trong năm tôn giáo có lịch sử cổ nhất trên thế giới. Người dân Ấn Độ tự hào rằng, văn hóa của họ là văn minh tôn giáo và được thừa hưởng một kho tàng minh triết thiêng liêng không đâu có, không chỉ Phật giáo mà còn có văn hóa Hindu giáo, Ấn Độ giáo. Chính vì vậy, việc đến Ấn Độ qua một đường bay thẳng, là một điều rất thú vị để khám phá đất nước này.
Để đi đến đích, chúng tôi đã bay 1 chuyến quốc tế, 2 chuyến nội địa, di chuyển hơn 1000 cây số. Dù đã có những sự khác biệt về văn hóa, về sự nghèo khó, về sự lộn xộn, khó khăn trong giao thông, đường sá ở một số nơi đi qua nhưng đó cũng chỉ là những trải nghiệm để chúng tôi hiểu thêm về lòng thương cuộc đời của Đức Phật và làm cho cuộc hành trình có thêm nhiều cảm xúc.
Vì hành trình của chúng tôi chỉ là một bước rất nhỏ trong hành trình khám phá một miền đất xa xôi với những giá trị của Phật giáo và đất nước Ấn Độ. Còn đó một Ấn Độ huyền bí tráng lệ và rực rỡ tinh hoa, một Ấn Độ đang vươn lên dẫn đầu thế giới và khu vực châu Á trong giáo dục, khoa học, công nghệ, trong y học, cũng như các thành tựu về công nghiệp quốc phòng…
Theo ông Ngô Minh Ðức, từ khi ý tưởng về đường bay thẳng Kolkata – Hà Nội mới chỉ nằm trên giấy, Gotadi với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm đã lên kế hoạch khai thác tối đa lợi thế của đường bay này trong đó có chuyến tour “Theo dấu chân Đức Phật” và sau này có thêm những điểm đến hùng vĩ, trác tuyệt tại Ấn Độ như Sikkim. Thông thường các tour “Tứ thánh địa” đến quê hương Đức Phật kéo dài tới 9-10 ngày do thời gian bay và transit khá lâu. Cho nên, đường bay thẳng Kolkata- Hà Nội/ Kolkata – TP. Hồ Chí Minh đã giúp giảm thiểu thời gian, chi phí chỉ gói gọn trong 7 ngày.
Thượng tọa Thích Giác Hiệp, Phó ban Phật giáo Quốc tế- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người từng có thời gian tu học ở Ấn Độ trong nhiều năm đã chia sẻ với chúng tôi niềm vui khi Việt Nam và Ấn Độ có đường bay thẳng. Theo Thượng tọa Thích Giác Hiệp, đây là cơ hội cho Phật tử, thiện tín thuận tiện trong việc hành hương, chiêm bái các Thánh tích Phật giáo.
“Ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Ðức Phật đã nói với ngài A Nan Ðà rằng những người thiện tín nên đến chiêm ngưỡng bốn Thánh tích với lòng tôn kính và với "tâm thâm tín hoan hỷ". Nếu được như vậy, khi mệnh chung sẽ sinh cõi người hoặc cõi trời”. Đó là những gì được ghi lại trong sử sách của Phật giáo còn nói như du khách Bùi Quang Dũng, một nghiên cứu sinh từng học tập và sinh sống tại Ấn Ðộ, thì đây là một cuộc hành trình trở về của ông, sau 10 năm.
Hành trình trở về với những chân lý mà ông đã chiêm nghiệm được từ nhiều năm trước. Đầu tiên là cảm nhận được sự đổi thay ở những nơi này, từ hệ thống dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giao thông, đường sá đã được cải thiện hơn rất nhiều và đặc biệt đường bay thẳng với giá rẻ là lựa chọn hoàn hảo cho những người có thu nhập bình dân như ông.
“Tôi nghĩ mình có thêm nhiều cơ hội, chỉ cần một chuyến bay thẳng của Indigo từ Hà Nội sang Bồ Đề Đạo Tràng bằng với giá vé từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã có thể ngồi thiền và kinh hành trong một thời gian ngắn, để buông bỏ cái tôi cá nhân ích kỷ - đây sẽ là khoảng thời gian mà tôi có thể làm mới mình và tạo động lực cho cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa”, ông Dũng khẳng định.
Hành trình trở về của ông Dũng cũng là hành trình trở về của chúng tôi, bất kể là người theo đạo hay không, bởi một lẽ, “Theo dấu chân Đức Phật” không phải là đến một miền đất xa lạ mà là một sự trở về với hải đảo chính niệm vô ngã ở trong mỗi con người.
Đây không phải là cuộc hành trình của một phái đoàn đi tham quan mà là cuộc hành trình được trải nghiệm bằng kinh nghiệm của mỗi cá nhân đi tìm cách sống thoát khổ và thực tập chính niệm ngay trong giây phút đã chiêm nghiệm được.
Chúng tôi đã để lại dấu chân giác ngộ của mình trên những thảm cỏ, những viên đá, những đoạn đường xóc nảy đầy bụi bặm và thấm đẫm hương curry miền Phật tích. Bỏ lại những tham vọng, sự sợ hãi và cả những thành kiến cá nhân, chúng tôi cũng bắt đầu con đường của riêng mình, đau khổ hay hạnh phúc đều là do lựa chọn.
Như lời Đức Phật từng nói, chỉ có sự nỗ lực của chính mình mới giải thoát được cho bản thân ra khỏi những nỗi thống khổ do lầm tưởng về một cái tôi ích kỷ tách biệt khỏi thế giới này. Con người phải làm chủ lấy vận mạng của mình. Vì mê lầm mà chính mình tự tạo ra một thần linh, rồi gán cho thần linh tưởng tượng đó những thuộc tính quyền năng có thể cứu rỗi hay phù hộ cho mình được thoát khỏi cảnh lầm than, đau khổ. Cuối cùng mình phải làm nô lệ cho vị thần linh ảo tưởng này mà nghiệp mạng do chính mình tạo ra vẫn không bao giờ thay đổi.
Một số hình ảnh về cuộc sống người dân nơi đất Phật:
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dau-chan-giac-ngo-tintuc450694