Đâu chỉ 'mất mặt' với bên ngoài, chuyện đáng lo hơn nhiều!
Nhìn cái lợi trước mắt cho mình thông minh hơn người rồi gian dối lừa gạt, rồi hỉ hả thì quả là sai lầm nghiêm trọng.
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao thông tin “Anh xích lô ở Hà Nội trả lại tiền âm phủ cho khách Tây". Anh xích lô có lên báo phân trần đi 1 giờ đồng hồ quanh khu vực Hồ Gươm anh thu 600 ngàn, chứ không có chuyện trả lại khách 900 ngàn tiền âm phủ...
Theo kết quả điều tra của Công an quận Hoàn Kiếm ngày 21/7, đối tượng trả lại tiền âm phủ cho khách tây là lái xe taxi [1]. Nhưng chỉ so với mức giá thông thường là khoảng từ 200 đến 300 ngàn đồng cho một cuốc xe như vậy, thì nội cái việc anh xích lô kia “chém” của khách gấp đôi, ba giá thị trường, đã rất đáng lên án.
Ảnh:
Những câu chuyện như thế này lan rất nhanh, sợ khi được lên “cẩm nang” du lịch rồi thì chính quyền không biết phải tốn bao nhiêu tiền bạc và thời gian mới gầy dựng lại cái tiếng “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài” vốn có của người Tràng An!
Gần đây chương trình truyền hình “Sekai kurabete mitara” (tạm dịch: thử so sánh sự khác nhau giữa các nước trên thế giới) của đài TBS Nhật Bản có chiếu một phóng sự về giá xích lô ở TP. HCM khiến người xem “há hốc”.
Một phóng viên người Nhật đóng vai khách đi xích lô trên đoạn đường khoảng 1 km, trước khi đi có thỏa thuận giá là 50 ngàn. Khi tới nơi bác xích lô đòi 100 ngàn, khách hỏi vì sao thì được trả lời là vì mệt và đường đi xa hơn bác nghĩ! Một bác chạy xích lô khác thì chở khách đi lòng vòng rồi lấy 450 ngàn...
Phóng viên đi 8 cuốc xe cùng 1 đoạn đường, với giá thỏa thuận 50 ngàn, thì khi thanh toán phải trả nhiều mức giá khác nhau: thấp nhất là 100 ngàn, còn lại là 250, 300, 500...
Cá biệt, phóng viên xin lời khuyên một bác xích lô về địa điểm tham quan thì được “tư vấn” có một nơi đáng xem nhưng không có trong Guidebook, rồi ra giá 200 ngàn đồng. Khách lên xe đi khoảng 1 tiếng thì đến, bác xích lô xuống xe dẫn khách lội bộ vào một xóm nhỏ. Hóa ra đó là nhà trọ khoảng 20m2 có 8 người ở, trong đó có bác ta!
Phóng viên tỏ vẻ ngạc nhiên thì bác cười “đúng là không có trong Guidebook mà”! Nói đoạn rồi mời ăn, trong tô cháo bưng ra có một cọng thun làm người xem chương trình bên Nhật phát hoảng! Cuối cùng bác tính khách 1,2 triệu đồng, gồm cả tiền xe và tiền ăn (trong mâm còn có một đĩa thịt gà luộc, đĩa nem).
Những câu chuyện về taxi cũng vô cùng “phong phú”. Gần đây sau thời gian dài đeo bám, phóng viên báo Pháp luật TP.HCM trong vai một du khách Hàn Quốc đã quay được cảnh trong chớp mắt, tài xế taxi dỏm tráo tờ tiền 500.000 đồng thành tờ 20.000 và hô hoán đủ trò để tung hỏa mù với khách hàng [2].
Chiêu “ảo thuật” này có vẻ lạ, còn chuyện “chặt chém” thì có lẽ nghe đã quen tai, ngay đến người bản địa cũng không ít lần thành nạn nhân. Một anh bạn tôi đã phải trả hơn 100 ngàn cho cuốc xe 2 km từ sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi giá thỏa thuận ban đầu là 50 ngàn.
Mỗi khi có những sự việc “mất mặt” như vậy xảy ra, chúng ta đều lo lắng cho cái nhìn của bạn bè thế giới về người Việt. Như lời một quan chức Tổng cục Du lịch bình về vụ “Trả tiền âm phủ” trên báo VietNamNet, thì “đó là hành vi xấu xí, làm phương hại hình ảnh đất nước và hình ảnh du lịch Việt Nam”.
Lo lắng này là đúng. Nhưng có lẽ nghiêm trọng hơn không chỉ là chuyện thể diện, mà là một vấn đề nội tại, nếu chúng ta không lên tiếng, không cảnh tỉnh quyết liệt thì có thể sẽ trở thành căn bệnh “mãn tính” – bệnh gian dối!
Cách đây 4 năm, trong một bài phỏng vấn, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, từng cảnh báo: “Ngày nay, nông dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đã lây lan rộng chứ không chỉ nông dân. Nhưng với nông dân thì quả thật đau lòng, vì họ lẽ ra phải là thành trì của đạo đức, của sự lương thiện, chất phác phải không?”.
Còn vào lúc tôi viết những dòng này, cả xã hội đang sôi sục với chuyện “phù phép điểm thi” ở Hà Giang và có thể còn một số địa phương khác. Khi vụ việc xảy ra, nhiều người lên tiếng lo lắng cho “nạn nhân” là các học sinh.
Nhưng ở khía cạnh khác, liệu các em có vô can, khi mà ở ngưỡng cửa trưởng thành, dù hiểu rõ sức học, chất lượng bài thi của mình, vẫn chấp nhận “bỗng dưng điểm cao”, và nếu trót lọt thì đỗ vào đại học bằng tiền, bằng “quan hệ” của cha mẹ, rồi lại thành ông nọ bà kia. Chẳng phải khi thỏa hiệp với điều đó, các em cũng đã bước vào đời bằng sự gian dối hoặc ít nhất bằng cách thỏa hiệp với gian dối?
Không ai giàu có khi lừa được của khách vài trăm ngàn, nhưng hành động không trung thực liền lộ ra cái nghèo: nghèo đạo đức, nghèo nhân cách, nghèo lòng tự trọng... Những đối tượng gian lận thi cử nếu để lọt cửa thì sẽ lên cao, còn đất nước, xã hội lại… xuống thấp.
Nhìn cái lợi trước mắt cho mình thông minh hơn người rồi gian dối lừa gạt, rồi hỉ hả thì quả là sai lầm nghiêm trọng. Chưa bao giờ “tính cộng sinh” có tác dụng rõ rành như trong thời buổi toàn cầu hóa! Mây có che mát trên đầu ta không nếu nước dưới dòng sông đã cạn?
Nhiều năm nay chúng ta nói về “sống tử tế”, nhưng phải chăng sự tử tế chỉ có thể gây dựng bắt đầu bằng sống trung thực. Chỉ có lòng tử tế, thành thực, sự hợp tác, yêu thương đoàn kết, không ngừng nỗ lực trong học tập lao động, sáng tạo... mới mang lại cuộc sống bền vững, sự giàu có đích thực.
Trúc Nguyễn
----
[1] Đã tìm ra kẻ dùng tiền âm phủ trả lại cho 2 du khách, Báo Lao động, 21/07/2018.
[2] Xem màn phù phép ‘đồng 500.000 thành 20.000' của các taxi dỏm, Pháp luật TP.HCM, 17/7/2018.