Dầu của Nga do các nước khác chế biến về bản chất đã có sự khác biệt và không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, bà Anna Morris - quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết.
Trong một phiên thảo luận tại Trung tâm Ananta ở New Delhi, bà Morris lưu ý rằng sau khi chế biến "vàng đen" từ Liên bang Nga, về mặt kỹ thuật, sản phẩm này không còn thuộc về Moskva nữa.
Nếu được bán lại, nguồn năng lượng sẽ được coi là sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia chế biến, điều này sẽ mở đường cho dầu của Nga bằng cách nào đó quay lại thị trường phương Tây.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng có thể Washington đang cố gắng dùng thủ thuật đánh lừa những quốc gia mua hydrocarbon từ Liên bang Nga, để gây áp lực sau đó cho họ.
Ngoài ra bà Anna Morris còn bác bỏ cáo buộc Mỹ ép Ấn Độ từ chối mua dầu của Nga, trong khi Moskva đưa ra trần giá dầu cho phép các nước đang phát triển mua "vàng đen" với chi phí giảm.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về Chính sách kinh tế - ông Eric Van Nostrand, điều này có lợi cho các nước đang phát triển, cần các nguồn năng lượng, ông Nostrand coi Ấn Độ là một trong số đó.
Hiện tại New Delhi tiếp tục mua dầu của Nga sau thời gian gián đoạn, 3 tàu chở dầu đã được phát hiện ngoài khơi nước này, chở dầu thô thương hiệu Sokol cao cấp từ Liên bang Nga.
Một trong những tàu này thuộc sở hữu của Sovcomflot, mặc dù trước đó phía Ấn Độ đã tuyên bố từ chối sử dụng tàu của công ty này, bởi vì Washington đã áp đặt các biện pháp cấm vận đối với doanh nghiệp trên.
Trong diễn biến khác, dầu thô Brent dự báo có thể đạt mức giá 100 USD/thùng vào tháng 9 năm nay khi Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý tới, bước đi này có thể được thực hiện với sự phối hợp với các quốc gia thuộc Tổ chức OPEC+, hãng tin Bloomberg nhận xét.
Vào tháng 3 năm nay, OPEC+ đã quyết định giảm sản lượng dầu và vào tháng 6 tới, hạn ngạch sản xuất vàng đen hàng ngày ở Nga sẽ xuống dưới 9 triệu thùng. Điều này phù hợp với mục tiêu của Ả Rập Saudi nhằm thắt chặt nguồn cung ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó vào tháng 6, Tổ chức OPEC+ nhiều khả năng sẽ kéo dài các hạn chế sản xuất dầu cho đến cuối năm nay, mục đích không có gì khác ngoài neo giá ở mức cao.
Theo nhận định từ chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dầu thô trong suốt cả năm và sẽ trở thành một yếu tố bổ sung khiến giá dầu tăng.
Trong khi đó, tổng khối lượng sản xuất dầu và khí ngưng tụ của Liên bang Nga dựa trên kết quả năm 2024 ước chừng sẽ vào khoảng 10,7 triệu thùng/ngày.
Theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn Kpler, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2024, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga - ông Anton Siluanov lưu ý rằng những bước đi nói trên, cụ thể là sản lượng dầu giảm dự kiến sẽ không có tác động tiêu cực đến thu ngân sách của Nga, bởi vì Moskva đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để kiểm soát lượng cung và giá cả.