Đau đầu, đi khám phát hiện u nhầy trong tim

Mới đây, một bệnh nhân 19 tuổi không có tiền sử bệnh tim mạch hay bệnh nội khoa, đã nhập viện điều trị chuyên khoa thần kinh khi thấy tê tay và khó phát âm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

GS.TS. Lê Ngọc Thành (Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện E) cho biết, bệnh nhân khi khám lâm sàng lúc nhập viện có thể trạng tốt, chỉ số sinh tồn bình thường, không đau ngực, không khó thở, không có hạch ngoại biên, khám tim không to, không nghe âm thổi. Khám thần kinh thấy có dấu hiệu giảm trương lực và phản xạ cơ tay phải, các cơ quan khác không thấy bất thường. Chụp cộng hưởng từ não thấy có tổn thương chất trắng vùng vỏ và dưới vỏ, nghi ngờ bệnh lý viêm, X-quang phổi và xét nghiệm máu bình thường.

Tuy nhiên khi siêu âm tim, bác sĩ thấy có khối u trong nhĩ trái kích thước 32 x 27mm, giới hạn rõ, dính vào vách liên nhĩ, không cản trở dòng máu qua van 2 lá, các buồng tim kích thước bình thường, chức năng tâm thu thất trái tốt. Bác sĩ kết luận bệnh là u nhầy tim, có biến chứng gây tắc mạch não và bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lấy bỏ khối u. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

GS.TS Lê Ngọc Thành

GS.TS Lê Ngọc Thành

Bệnh hay gặp ở nữ giới

Bác sĩ Lê Ngọc Thành chia sẻ, u nhầy là loại u nguyên phát ở tim, có tính chất lành tính, chiếm khoảng 50% u tân sinh ở tim, thường gặp ở người trong độ tuổi 20-60. Bệnh hay gặp ở giới nữ. U nhầy ở tim thường là đơn độc, vị trí hay gặp nhất là ở nhĩ trái, dính vào vách liên nhĩ. Tuy nhiên cũng có thể thấy u nhầy ở các buồng tim khác. Một số ít u nhầy tim có liên quan đến yếu tố gia đình, di truyền theo gene trội trên nhiễm sắc thể thường.

Về cấu trúc mô học: U nhầy bao gồm các tế bào nhầy hình sao, tế bào nội mô mạch máu, đại thực bào, tế bào cơ trơn trưởng thành trên nền chất nhầy keo có vỏ bọc. Các tế bào trong u nhầy ít khi ác tính hóa nhưng phát triển ngày càng to, gây chèn ép tại tim hoặc vỡ gây biến chứng tắc mạch.

Chẩn đoán và điều trị

Biểu hiện của bệnh u tim thường là mờ nhạt, vì khi khối u còn nhỏ chưa biến chứng gì thì chỉ phát hiện khi làm siêu âm tim. Khi khối u lớn, gây chèn ép hoặc vỡ các mảnh nhỏ gây biến chứng tắc mạch nơi xa thì bệnh nhân mới đi khám và phát hiện bệnh. Về cơ bản, u nhầy tim có các dấu hiệu như: suy tim do tắc nghẽn van tim, đột quỵ do thuyên tắc và những triệu chứng giống bệnh thấp tim như: sốt kéo dài, sụt cân, mệt mỏi, đau khớp, nổi ban, khó thở, thậm chí ngất. Bác sĩ khám nghe tim có thể thấy có âm thổi bất thường. Siêu âm tim rất có ích trong chẩn đoán u nhầy, xác định vị trí, kích thước, chỗ bám của u, cung cấp những thông tin quan trọng cần thiết trước mổ.

Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị bệnh lý này. Phải làm sao loại bỏ hoàn toàn được khối u mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tim. Điều trị bệnh ngoài phẫu thuật cắt bỏ khối u còn điều trị các biến chứng tắc mạch xa nếu có. Đối với khối u nhầy đơn độc thường có tiên lượng tốt, u nhầy có tính gia đình có tỷ lệ tái phát cao hơn. Sau mổ, bệnh nhân cần được tái khám định kỳ và siêu âm tim hàng năm để phát hiện u tái phát.

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dau-dau-di-kham-phat-hien-u-nhay-trong-tim-20210604144028411.htm