Đau đáu miền Trung

Ngay từ đầu năm nay, trong các bản tin dự báo dài hạn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cảnh báo, 2020 sẽ là một năm có thời tiết phức tạp, mưa lũ dồn dập vào cuối năm, có khả năng xảy ra tình trạng bão, mưa, lũ liên tục. Và thực tế diễn ra ở miền Trung đã chứng minh điều này.

Người dân miền Trung không xa lạ gì với bão lũ và cũng đã chủ động sống chung với thiên tai. Thế nhưng, những gì xảy ra trong mấy ngày qua, tình trạng “bão chồng bão”, mưa như đổ nước rồi “lũ chồng lũ” chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn và đã quá sức chịu đựng đối với nhiều người dân miền Trung. Không chỉ mọi sinh hoạt bị đảo lộn, những thiệt hại về tài sản chưa thống kê được, mà buồn đau hơn là những thiệt hại về con người, là nỗi thắc thỏm, âu lo trước sự hung hãn, tàn phá của tự nhiên. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong vòng 20 năm qua, mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của hơn 400 người, thiệt hại kinh tế trên 1,5 tỷ USD. Mưa lũ đã xóa sổ nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động đến mọi hoạt động dân sinh, kinh tế…

Trong những ngày qua, tại tỉnh Bình Phước nhiều hoạt động kêu gọi, vận động ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt đã tạo thành sức lan tỏa lớn. Sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, cá nhân với tấm lòng sẻ chia sâu sắc đã nhanh chóng kết nối mọi người gần lại với nhau. Hướng về miền Trung, chung tay chia sẻ không chỉ là khẩu hiệu, là lời kêu gọi mà đã trở thành hoạt động được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, từ cộng đồng miền Trung đang chung nỗi niềm đau đáu hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, đến những người nặng tình với dải đất “Trời hành con lụt mỗi năm”.

Với đặc thù là tỉnh có rất đông người dân miền Trung đến sinh cơ lập nghiệp, tai ương mà quê hương đang gánh chịu càng là lý do để những người con miền Trung nói riêng và người dân ở Bình Phước nói chung xích lại gần nhau hơn; tình cảm dành cho miền Trung càng thêm sâu nặng. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ước tính, số tiền mặt, hàng hóa mà người dân Bình Phước vận động được dành tặng miền Trung đã lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều chuyến hàng cứu trợ cũng đã cập bến miền Trung và sẽ còn nhiều chuyến xe chở nặng yêu thương khác đang và sắp sửa đến với vùng bão lũ với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những hành động, việc làm đó càng khẳng định rằng, trong hoạn nạn, khó khăn, người dân miền Trung chưa bao giờ đơn độc.

Bão lũ rồi cũng đi qua, cuộc sống bình thường sẽ trở lại với người miền Trung. Nhưng những khắc khoải về sự nhọc nhằn, về mối đe dọa luôn chực chờ mỗi mùa mưa bão có lẽ sẽ luôn thường trực nơi mỗi người dân nơi đây. Bởi, theo khảo cứu chuyên biệt về bão miền Trung, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc khúc ruột miền Trung trở thành trung tâm hứng chịu những cơn bão lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Ngoài nguyên nhân khách quan về vị trí địa lý, nguyên nhân chủ quan chính là việc phá rừng, quy hoạch thủy điện dày đặc gây tổn hại đến môi trường, làm phá vỡ hệ sinh thái. Sự tác động thô bạo vào tự nhiên bao giờ cũng để lại những hậu họa vô cùng to lớn.

Đau đáu nỗi đau thắt lòng với khúc ruột miền Trung không chỉ vì những mất mát trước thiên tai!

Huỳnh Phúc

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dau-dau-mien-trung-43159