Đau đầu nghĩ kế để du khách tiêu tiền khi đến Việt Nam
Trong diễn đàn du lịch cấp cao lần thứ hai năm 2019, một thông tin về du lịch Việt khiến nhiều người bất ngờ: khách quốc tế đến Việt Nam chỉ chi khoảng 900 usd cho chuyến đi 9 ngày. Tức chỉ 100 usd một ngày! Quá ít! Làm thế nào để vượt qua 'mốc' này?
Các hướng dẫn viên du lịch có một câu phổ biến: “cơm tối rối nước”, nghĩa là ở Hà Nội sau bữa tối ngoài đi xem rối nước thì chả còn chỗ vui chơi nào đáng kể, khách muốn tiêu tiền cũng chịu!
“Ngay cả bán đồ souvernir cũng tạo ra nguồn thu lớn”
Chị Nguyễn Tuyết Nga (GĐ công ty lữ hành Gohanoi) cho biết: “Nói khách chi 100 usd một ngày là nhắm vào loại khách sang và cũng quá lên, chứ bình thường tuor Việt Nam có tiếng là rẻ, bởi ngoài vé máy bay, ăn ở thì khách rất ít phải tiêu tiền. Tôi không nói đến casino hay bar, pub ở đâu cũng có, nói riêng về các dịch vụ bản địa thì ở mình ít quá. Nhiều khi hướng dẫn viên muốn dẫn khách đi tiêu tiền cũng bí. Trong khi cứ bước chân ra khỏi biên giới mà xem, nói đâu xa, Trung Quốc, Thái Lan… ngay cạnh mình, họ có hàng ngàn dịch vụ để khách phải móc túi. Dịch vụ phong phú còn là một lý do để khách muốn quay lại”.
Nói thêm về chỉ số quay lại, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã thống kê chỉ có khoảng 10-40% khách có nhu cầu quay lại Việt Nam sau lần đầu, trong khi Thái Lan là 70%.
Trên các diễn đàn du lịch phổ biến nhất của thế giới như Airbnb, Kayak, Momondo… có thể dễ dàng tìm thấy không ít phàn nàn của khách về dịch vụ du lịch của Việt Nam: “không có gì”, “quá nghèo nàn”, “ba ngày shopping 100 euro vẫn nằm yên trong ví”…
Việc nghèo nàn các sản phẩm du lịch vốn kéo dài nhiều năm nay. Chuyên gia du lịch Phạm Đỗ Tùng nhận định: “Ở nhiều nước, ngay cả việc bán đồ souvernir cũng tạo ra nguồn thu lớn. Như ở Pháp, nguồn thu từ đồ souvenir ở riêng bảo tàng Louvre đã là hàng trăm ngàn đô mỗi năm. Việt Nam mình chưa tận dụng được lợi thế này, trong khi có thể phát triển rất mạnh vì ở mình nghề thủ công rất phong phú, nhiều thợ thủ công giỏi phải bỏ nghề vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm, trong khi đồ souvenir thì lại phải nhập hàng Tàu”.
Hướng dẫn viên Tùng Nguyễn (Hà Nội) cho biết: “Tôi dắt khách đi hầu hết các tỉnh thành, thấy chỗ nào cũng tràn lan đồ Trung Quốc, mà lại là đồ rẻ tiền. Ngay trong cố đô Huế cũng thế, khăn Tàu, túi thổ cẩm hàng chợ, đồ chơi xanh đỏ nhấp nháy… tỉnh nào cũng giống nhau. Mà có phải mình thiếu đồ tinh xảo đâu? Công dân các nước phát triển họ cực kỳ thích các sản phẩm thủ công tinh xảo. Khi chúng tôi dẫn họ đến các làng nghề ở Hà Tây, Hà Nam… họ thích lắm, mua rất nhiều. Mình thiếu chính là sự kết nối”.
Theo ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học VMQTG), sau chuyến đi học kinh nghiệm làm du lịch từ di sản tại Pháp, ban quản lý khu di tích Văn Miếu đã quyết định làm mới hoàn toàn các sản phẩm lưu niệm ở đây. Theo đó, cả một hệ thống quà tặng mới được các kiến trúc sư và họa sĩ thiết kế tạo tác đa dạng dựa trên chính những câu chuyện của riêng di tích. Chẳng hạn, gian hàng bán những bình ủ nước nóng có in hình cá chép - gắn liền với câu chuyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Đèn ngủ được thiết kế giống như cuốn sách dày với những trang sách đang mở ra... Sản phẩm mặc dù mới trưng bày nhưng đã nhận được phản hồi rất tốt từ du khách, không ít người hỏi mua.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đánh giá: “Họ đã khai thác được các chi tiết văn hóa từ các bia tiến sĩ, từ kiến trúc và từ rất nhiều sách vở để tạo ra sản phẩm mang tính đa dạng. Đây là hướng đi có thể nói là rất tuyệt vời cần phát huy mở rộng”,
Cần nhiều hơn các sản phẩm văn hóa
Ông Alex Watson (chuyên gia của UNESCO) nhận xét: “Lợi thế về danh lam thắng cảnh, tài nguyên văn hóa, con người thân thiện… là những điểm cộng để du lịch Việt thu hút khách quốc tế. Thế nhưng, để phát triển du lịch, chúng ta đều biết, không thể đào mãi ở tài nguyên có sẵn. Sự phát triển của du lịch thế giới đã chứng minh, chỉ có thể đi theo con đường khai thác bền vững, đồng thời tạo ra các giá trị du lịch mới. Việt Nam cần nhiều hơn các sản phẩm văn hóa, lĩnh vực này chưa được khai thác bài bản vì rõ ràng Việt Nam có lợi thế về sự đa dạng văn hóa, điều mà không phải quốc gia nào cũng có”.
Việc Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước thiếu những sản phẩm du lịch văn hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai. Mãi đến hai năm gần đây, sau rối nước, người ta mới có thêm một “món văn hóa” để mách nhau: hãy xem “Làng tôi”!
Quá trình để chương trình xiếc tổng hợp “Làng tôi” trở thành một tuor văn hóa khá ngoắt nghéo. Nó phải đi vòng chinh phục thế giới: công diễn khắp bốn châu lục trong nhiều năm, khán giả trong nước mới bằng lòng đón nhận. Rất nhanh, nhóm nghệ sĩ sáng lập chương trình này lập tức làm ngay ba bốn sản phẩm địa phương tương tự để đẩy thành một trải nghiệm “phải xem” khi khách đến Việt Nam: ở Sài Gòn là “À Ố”, ở Hội An là “Teh Dar” và “Pao Lao”. Nhờ những chương trình này, hình ảnh Việt Nam được quảng bá miễn phí trên nhiều kênh truyền hình quốc tế như: TV5Monde (Pháp), Sky New (Anh)... có lợi không nhỏ đối với ngành du lịch.
Hướng dẫn viên Tùng Nguyễn cho biết: “Khách du lịch có phông văn hóa tốt họ thường rất muốn đi xem các chương trình nghệ thuật bản địa và xem bảo tàng. Hầu như các đoàn châu Âu mà tôi dẫn đều rất thích “Làng tôi” và “Teh Dar”, họ bảo các chương trình này “rất Việt Nam”. Mặc dù vé những chương trình này không rẻ (trung bình 500 usd) nhưng không khách nào phàn nàn. Cá biệt, có những người sang Việt Nam hai lần thì đều đi xem hai lần. Tôi nghĩ, nếu có thêm nhiều chương trình đặc sắc như thế, ngành du lịch cũng sẽ có thêm nguồn thu”.
Một số dịch vụ du lịch homestay nở rộ ở Tây Bắc thời gian gần đây là ví dụ người Việt đã biết làm du lịch “từ cái có sẵn mà nhân lên”. Nhiều chủ dịch vụ lưu trú là người dân tộc thiểu số đã biết tận dụng thế mạnh văn hóa, thổ nhưỡng, khí hậu... độc đáo của dân tộc mình để tạo ra những giá trị du lịch mới như: Hello Mù Căng Chải, Yên Bái của vợ chồng anh Giàng A Dê; Dao Lodge (Nhà khách người Dao – Quản Bạ, Hà Giang) được kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế, đoạt giải Vàng Kiến trúc xanh năm 2015 – 2016; bản du lịch cộng đồng của người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn; người Mông ở Tua Hạt, Mộc Châu...
Những homestay không quá lớn và tiện nghi thế nhưng lại thu hút rất đông khách Âu, Mỹ, Nhật Bản..., hàng tháng tạo nguồn thu từ 30-100 triệu đồng, làm thay đổi điều kiện sinh sống và cải thiện thu nhập cho cả bản, làng.
Câu chuyện bảo vệ chứ không tận thu
Theo chuyên gia Alex Watson: “Thời gian qua Việt Nam (và nhiều quốc gia đang phát triển) làm chưa tốt việc bảo vệ di sản, danh thắng. Gần đây nhất xảy ra việc lấn biển và bê tông hóa vịnh Hạ Long, vi phạm xây dựng tại vùng lõi di sản như dự án cải tạo và nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung, hang Tiên Ông. Hoặc trước đó, mặc dù UNESCO khuyến nghị, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón khoảng 3,5 triệu khách du lịch mỗi năm là hợp lý, thì BQL thống kê trong năm 2018, nơi này đón hơn 6,2 triệu lượt khách... Nếu cứ khai thác tận thu như thế này, trong tương lai không xa, những di sản này sẽ phải đối mặt với sự xuống cấp, biến dạng, thậm chí bị hủy hoại”.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học hiến kế: “cần khuyến khích, tìm kiếm những công ty để họ nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với từng di tích, từng bảo tàng. Như vậy, mỗi bảo tàng, mỗi di tích, điểm đến có sản phẩm rất riêng của mình. Điều đó sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm và lúc đó mới thu được tiền từ khách du lịch. Nếu sử dụng quà lưu niệm giống nhau, biểu diễn giống nhau hết cả thì sẽ bão hòa và không còn ý nghĩa nữa. Việc có sản phẩm chuyên biệt, độc đáo riêng mới giúp phát triển du lịch bền vững”.
Trong Diễn đàn du lịch cao cấp lần thứ hai, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhắc mục tiêu đến 2025 ngành công nghiệp không khói Việt Nam có doanh thu 45 tỷ đô, năm ngoái du lịch VN mang về khoảng 27 tỷ đô (theo số liệu của Bộ VHTTDL).