Đau đáu nỗi lòng người tị nạn Ukraine sau 1 năm tha hương
Sau một năm rời bỏ quê hương, người tị nạn Ukraine ở khắp nơi vẫn canh cánh những nỗi lo và không ngừng ngóng trông tin từ quê nhà.
Một năm kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, hàng triệu người đã trốn khỏi đất nước và đến tị nạn ở các nước láng giềng. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia, Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) ước tính châu Âu và Mỹ đã tiếp nhận khoảng 8 triệu người tị nạn từ Ukraine. Theo tờ USA Today, đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Canh cánh nỗi lo
Những người tị nạn Ukraine chủ yếu là người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em. Mặc dù những người tị nạn từ Ukraine đã tìm được nơi an toàn hơn để tránh giao tranh, họ vẫn chưa thực sự bình yên, luôn phải sống trong lo sợ và mất mát, theo hãng tin AP.
“Sống ở đây rất phức tạp vì mọi người không biết mình được sống ở đây bao nhiêu năm. Liệu mình có thể đi học hay có thể mua gì đó, như xe hơi?” - cô Anna Yezerova, một người Ukraine tị nạn ở Mỹ, chia sẻ.
Bỏ lại tất cả tài sản, bị chia cắt khỏi gia đình và canh cánh nỗi lo về sự an toàn của người thân ở các khu vực giao tranh ác liệt, cuộc sống của những người tị nạn Ukraine chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều người cho biết họ không thể về quê nhà, do cả người thân và nhà cửa đều không còn.
Chia sẻ với PV AP tại một trung tâm hỗ trợ ở Warsaw (Ba Lan), một phụ nữ giấu tên đến từ Kherson, một tỉnh của Ukraine mà Nga đang kiểm soát, tâm sự rằng cô không thể ngừng ngóng trông về quê nhà, không biết chồng và người thân hiện tại thế nào.
Trong khi đó, người tị nạn Ukraine cũng phải đối mặt với tương lai bất định khi đã trải qua một nửa thời gian họ được phép tị nạn tại Mỹ nhưng xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Chấn thương tâm lý
Hiện không có cơ quan nào thống kê được chính xác số người tị nạn Ukraine đang điều trị các vấn đề tâm lý sau khi họ rời đất nước để lánh nạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết gánh nặng về tâm lý gây ra do cuộc xung đột là rất lớn, với tỉ lệ lo âu và trầm cảm tăng vọt, theo AP.
BS Anastasiia Gudkova, một chuyên gia người Ukraine, hỗ trợ tâm lý cho người tị nạn tại Warsaw (Ba Lan), cho biết những người bị tổn thương tâm lý nặng nhất mà cô gặp chủ yếu đến từ các TP Mariupol, Kherson và các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát ở Ukraine. Những người chạy trốn khỏi các vụ đánh bom ở Kiev, Kharkiv và Zaporizhia cũng bị chấn thương nặng nề về tinh thần.
Tại một trung tâm hỗ trợ tâm lý ở Warsaw (Ba Lan), các nhà tâm lý đang nỗ lực điều trị cho những đứa trẻ hay khóc, những thanh thiếu niên bị tách biệt khỏi mọi thứ thân thuộc và cả những người mẹ vô tình truyền tổn thương cho con cái của họ. Các bác sĩ ở Warsaw cho biết mức độ tổn thương có thể khác nhau ở mỗi người. Nó có thể nhẹ với một số người nhưng cũng có thể nặng đến mức khiến một cậu bé đến từ Mariupol đã bạc tóc vì lo âu, sau khi nhận được tin nhà mình bị phá hủy do pháo kích.
Không dừng lại ở đó, những công dân Ukraine ở phía tây, các tỉnh xa vùng chiến sự cũng mắc phải các triệu chứng lo âu. Theo các chuyên gia tâm lý, tất cả người dân Ukraine, bất kể ở đâu, đều đang chịu rất nhiều căng thẳng, theo AP.
Những câu hỏi chưa có đáp án
Với niềm tin rằng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc, năm ngoái cô Anna Yezerova dẫn theo con gái đến Mỹ và chỉ mang theo một ít trang phục mùa hè. Tuy nhiên, một năm sau mẹ con cô vẫn chưa thể quay về, phải thích nghi và vạch ra một cuộc sống mà cô chưa bao giờ hình dung, theo đài CNN. Trường hợp của mẹ con cô cũng là tình trạng chung của rất nhiều người Ukraine tha hương chờ ngày hòa bình.
Ngoài ra, việc có bao nhiêu người Ukraine sẽ quay về nước cũng là một câu hỏi lớn và ảnh hưởng đến những quốc gia tiếp nhận dòng người nhập cư. Một cuộc khảo sát của LHQ tại 43 quốc gia và được công bố vào tháng 9 cho thấy 81% người tị nạn hy vọng sẽ được trở lại Ukraine. Riêng ở Đức, nước này đã tiếp nhận ít nhất 1 triệu người tị nạn từ Ukraine, theo trang Euro News. Trong số này, theo một cuộc khảo sát vào tháng 12-2022 trên 11.000 người tị nạn Ukraine, hơn 1/3 (37%) số người được hỏi có ý định ở lại Đức vĩnh viễn, trong khi 34% có ý định ở lại cho đến khi xung đột kết thúc, 27% số người được hỏi vẫn chưa biết sẽ ở lại Đức bao lâu và 2% có ý định rời khỏi nước này trong vòng một năm tới, theo đài DW News.
Với số người Ukraine không muốn quay về nước ngày càng tăng, điều này đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách. Lý do là dù việc mở cửa đón công dân Ukraine sẽ giúp tăng cường lực lượng lao động, điều này cũng gây áp lực về nhà ở và trường học ở các nước tiếp nhận người tị nạn, cũng như khả năng tái thiết đất nước và nền kinh tế của chính Ukraine, theo USA Today.
LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Chiều 23-2 (theo giờ New York), trong phiên họp đặc biệt lần thứ 11, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện của 75 nước đã có các bài phát biểu ngắn, trong đó nhiều nước bày tỏ ủng hộ nghị quyết kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trước đó, trong phiên họp khẩn cấp về tình hình Ukraine ngày 22-2, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua. Đại diện Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, TTXVN đưa tin.
Theo đó, Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-dau-noi-long-nguoi-ti-nan-ukraine-sau-1-nam-tha-huong-post721346.html