Đau đầu tìm 'sân chơi cho trẻ em' trong mùa nghỉ Hè chống dịch

Việc tìm sân chơi, đảm bảo cho trẻ thoải mái vận động, vui chơi nhưng an toàn cho trẻ trong những ngày Hè đặc biệt này đang là vấn đề quan tâm của các bậc phụ huynh.

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh các cấp nghỉ Hè sớm.

Ở những địa phương chưa có dịch bệnh xuất hiện, học sinh cũng sắp bước vào kỳ nghỉ Hè sau một năm học vất vả. Điều này đồng nghĩa với việc, các em sẽ nghỉ Hè trong bối cảnh cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Việc tìm sân chơi, đảm bảo cho trẻ thoải mái vận động, vui chơi nhưng an toàn cho trẻ trong những ngày Hè đặc biệt này đang là vấn đề quan tâm của các bậc phụ huynh.

Muôn nỗi trăn trở

Việc tìm sân chơi cho trẻ con trong dịp Hè là “bài toán” đau đầu với mỗi bậc phụ huynh mỗi khi Hè đến. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 “bài toán” này càng trở nên khó khăn hơn do mọi hoạt động của trẻ chỉ có thể diễn ra trong nhà để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) có hai cậu con trai 8 và 11 tuổi chia sẻ khi được thông báo nghỉ Hè sớm, các con rất háo hức, vui vẻ. Nhưng chỉ sau hai tuần ngồi yên trong nhà, lũ trẻ đã cảm thấy chán vì cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà với bố và ông bà, không có bạn bè chơi cùng; không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở bên ngoài như trước.

Mặc dù đã cố gắng mua thêm cho con nhiều đồ chơi mới, sách, truyện nhưng chị Nguyễn Thị Hồng vẫn luôn băn khoăn với việc phải làm thế nào để các con trải qua mùa Hè không nhàm chán khi chỉ có thể cả ngày ở trong nhà.

Những năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) thường chia kế hoạch nghỉ Hè của con ra theo từng giai đoạn. Lúc đầu, gia đình sẽ cho con đi du lịch để xả hơi sau những tháng ngày học hành vất vả. Sau đó, con sẽ được về quê chơi cùng ông, bà ít ngày để gắn kết tình cảm. Thời gian cuối con sẽ được tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa như Tiếng Anh, bơi lội…, ôn luyện kiến thức cũ để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nhưng năm nay, dịch diễn biến phức tạp, con không thể đi du lịch hay về ông, bà cộng thêm việc chưa thi kết thúc học kỳ nên hàng ngày con chỉ xem tivi, ipad để giải trí và ôn luyện bài cũ khi có mẹ kèm.

“Nếu tình hình dịch bệnh cứ tiếp tục diễn biến phức tạp, tôi lo con ở nhà cả ngày sẽ rất dễ lạm dụng các thiết bị điện từ để vào mạng xã hội, dễ bị tiếp xúc với những nội dung giải trí không lành mạnh,” chị Hạnh chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Dung (Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) thì có nỗi lo khác khi con nhỏ gần 18 tháng phải nhờ cậy bà nội đã gần 80 tuổi trông nom giúp. Bà cao tuổi, cháu thì hiếu động, nghịch ngợm và tò mò. Nhà lại chỉ có hai bà cháu nên mọi việc đều do bà lo liệu, chắc chắn không thể tránh khỏi những lúc rời mắt khỏi cháu.

“Hôm vừa rồi, con bé bị bỏng tay do nắm hơi nước bốc lên từ lỗ thoát hơi của nồi cơm điện đang nấu. May vết bỏng nhỏ nhưng quả thực không thể khiến tôi không lo lắng,” chị Dung tâm sự.

Bỏng hơi nước là một trong số những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em cùng với các tai nạn thương tích khác như: đuối nước, ngã, điện giật, súc vật cắn, nuốt dị vật, uống nhầm thuốc…

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, so với những năm trước, tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước đã giảm, nhưng công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam còn gặp rất nhiều thách thức khi kiến thức của cộng đồng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Chỉ một chút bất cẩn, thiếu quan sát của người lớn, trẻ cũng có thể gặp phải những trường hợp rất thương tâm.

Linh hoạt hình thức hỗ trợ, đa dạng hoạt động cho trẻ

Là đơn vị có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông các kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em.

Trẻ em buộc phải ở trong nhà khi các công viên đóng cửa phòng dịch. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trẻ em buộc phải ở trong nhà khi các công viên đóng cửa phòng dịch. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cục Trẻ em cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Lãnh đạo Cục Trẻ em yêu cầu cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc, vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.

Trong Tháng hành động vì trẻ em 6/2021, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tọa đàm với chủ đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn giãn cách, trong khu cách ly COVID-19; nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em; SNET - Online chuẩn, mùa hè vui; Con là ai trong gia đình - Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình... Thông qua các hoạt động này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền tham gia của trẻ em...

Chuyên gia bảo vệ trẻ em Trần Ban Hùng chia sẻ trong thời gian trẻ phải ở nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, cha mẹ có thể cho các con hoạt động thông qua môn thể thao, trò chơi tổ chức được trong nhà. Việc làm này không chỉ giúp con được vận động, giải trí mà còn tăng cường tình cảm, sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Phụ huynh cũng có thể cho con tham gia các lớp kỹ năng sống, khoa học, ngoại ngữ… trực tuyến trên mạng xã hội.

Đồng thời khuyến khích con kết nối các mối quan hệ xã hội thông qua việc thiết lập các nhóm nói chuyện với nhóm bạn thân thiết để trò chuyện, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến học tập, bạn bè, sở thích… nhằm giúp con giải tỏa bớt áp lực tâm lý mà vẫn giữ được các mối quan hệ xã hội.

Chị Hồ Thu Hương (Thanh Oai, Hà Nội) là cô giáo mầm non với kinh nghiệm hơn chục năm giảng dạy, quản lý và là mẹ của 3 đứa con độ tuổi từ 8-15 gợi ý thêm cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để lên kế hoạch, chuẩn bị các vật liệu và chơi cùng con. Cha mẹ ưu tiên các hoạt động có thể khuyến khích trẻ sáng tạo, các hoạt động trẻ quan tâm, thích thú. Ví dụ như: cùng con vẽ tranh, tô màu, chơi nhạc cụ, chụp ảnh, đan lát, thử thách đọc sách, làm thí nghiệm, chơi xếp hình, ném bóng, nhảy theo video clip...

Các bé lớn hơn thì sẽ được hướng dẫn, khuyến khích tham gia các công việc nhà như nhặt rau, rửa bát, quét nhà, nấu cơm… Con trẻ, đặc biệt là lứa tuổi “teen” luôn có nhu cầu kết nối, giao tiếp với bạn bè, do đó cha mẹ hãy giúp đỡ, cùng con thực hiện điều này thông qua mạng xã hội, phương tiện trò chuyện trực tuyến an toàn; cố gắng nắm bắt tâm lý, chia sẻ, hỏi han trẻ nhiều hơn để phòng tránh những rối nhiễu tâm lý có thể xảy ra do sự bí bách khi phải ở trong nhà quá lâu...

Người lớn cần hết sức quan tâm, chú ý để hạn chế nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em, không để trẻ ở một mình trong môi trường thiếu an toàn; cất hết các đồ vật nhỏ, sắc nhọn, thuốc men ngoài tầm với của trẻ… Đồng thời, cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn./.

Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dau-dau-tim-san-choi-cho-tre-em-trong-mua-nghi-he-chong-dich/716293.vnp