Đau đầu với nỗi lo nhân khẩu học, Trung Quốc quyết 'mạnh tay' với giáo dục tư nhân
Mức chi phí đầu tư giáo dục cho con cái quá cao khiến nhiều gia đình Trung Quốc buộc phải hoãn kế hoạch sinh con trong bối cảnh nước này đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất trong 10 năm qua.
Thắt chặt chi phí giáo dục
Trung Quốc đang lên kế hoạch cho chính sách khuyến khích sinh đẻ mới, nhắm đến lĩnh vực giáo dục. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với các thách thức từ thay đổi trong nhân khẩu học, việc kiểm soát chi phí giáo dục ngày càng gia tăng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp kêu gọi các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Một trong số các biện pháp sắp được ban hành sẽ bao gồm các quy định chặt chẽ hơn nhắm vào những công ty, tổ chức giáo dục tư nhân thường xuyên cung cấp dịch vụ dạy thêm. Những quy định mới sẽ sớm được thiết lập, ví dụ như hạn chế các buổi học thêm trong kỳ nghỉ.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang thảo luận các biện pháp nhằm hạn chế cơn sốt bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản gần khu vực trường học ở nhiều thành phố đắt đỏ của Trung Quốc. Chi phí mua nhà gần trường học danh tiếng tăng cao khiến nhiều quan chức lo ngại tăng thêm chi phí về giáo dục cho người dân.
Sau nhiều thập kỷ hạn chế sinh đẻ đã khiến nhiều gia đình Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng và phần lớn tiền tiết kiệm vào việc cải thiện tương lai con cái. Ngày càng có nhiều học sinh cạnh tranh để giành được vị trí ít ỏi tại các trường học hàng đầu. Hệ thống giáo dục "siêu cạnh tranh", khi cơ hội phần lớn chỉ giới hạn ở các thành phố đắt đỏ nhất của Trung Quốc cũng làm tăng lo ngại về cơ hội hạn chế cho các vùng quê nghèo hơn.
Dù xác định đây sẽ là những giải pháp hàng đầu để cải thiện tình trạng nhân khẩu học nhưng các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý các cơ sở giáo dục khi trong vòng một năm qua, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân nhanh chóng mở rộng hoạt động sau khi được rót vốn "khủng" từ các công ty công nghệ lớn.
Những lo ngại về triển vọng nhân khẩu học của Trung Quốc đã trở thành vấn đề hàng đầu trong các chương trình nghị sự chính trị của Trung Quốc. Tại cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia này là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.
Một cuộc điều tra dân số kéo dài một thập kỷ được công bố vào tháng trước cho thấy, Trung Quốc đang ở đỉnh cao của một bước ngoặt lịch sử về dân số, khi số người trong độ tuổi lao động giảm và số người lớn tuổi Trung Quốc tăng cao.
Ngay sau đó chỉ vài tuần, chính quyền Trung Quốc đã cho phép tất cả các cặp đã kết hôn có tối đa ba con.
Tăng cường các biện pháp mạnh tay
Thời gian gần đây, các quan chức và cơ quan quản lý Trung Quốc cho rằng, giáo dục trong khu vực tư nhân - đặc biệt là các công ty chuyên đào tạo, dạy thêm sau giờ học và tình trạng đầu cơ bất động sản quanh khu vực trường học là những cản trở lớn đối với mục tiêu của nhà nước.
Chiến dịch chống lại giáo dục tư nhân đang diễn ra khá sôi nổi, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu các quan chức Chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn. Một tuần sau, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã có động thái chưa có tiền lệ là thành lập một văn phòng chuyên quản lý việc dạy thêm sau giờ học.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã ban hành những quy định mới hạn chế số lượng bài tập về nhà đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở. Đồng thời, thiết lập một cơ chế mới cho giáo viên tại các trường luyện thi tư nhân và đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các hoạt động sau giờ học.
Theo dự đoán, trong tháng 7, nhà chức trách Trung Quốc sẽ lên kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế mới về dạy thêm, học thêm tại lớp và trực tuyến trong kỳ nghỉ cho học sinh từ 6 đến 18 tuổi ở một số thành phố lớn. Nếu thành công, chương trình sẽ được mở rộng ra các tỉnh, thành khác.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý nhà nước về Quy chế thị trường của Trung Quốc đã phạt hàng triệu USD đối với hơn một chục công ty khởi nghiệp giáo dục được hỗ trợ bởi các “gã khổng lồ" về công nghệ như Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. và các công ty tương tự.
Các trường học Cram (trường hướng dẫn) - một loại hình thương mại được mở ra để hướng dẫn học sinh cuối cấp, đã gia tăng trên khắp Trung Quốc khi quốc gia này ngày càng phát triển mạnh mẽ và tỷ lệ sinh giảm xuống khiến sức cạnh tranh tại các trường học gia tăng. Đây cũng là mô hình khá phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Theo số liệu của Hiệp hội giáo dục Trung Quốc, năm 2016, hơn 75% học sinh Trung Quốc từ lớp 1 đến lớp 12 đã tham gia các lớp học thêm sau giờ học. Con số ngày càng có xu hướng gia tăng trong 5 năm qua.
Ở Bắc Kinh, các gia đình sẵn sàng mạnh tay chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD mỗi tháng cho gia sư sau giờ học, vì lo sợ con cái họ sẽ bị tụt lại phía sau.
Cô Xie Weina (41 tuổi) ở Bắc Kinh, chi khoảng 1.500 USD/tháng (khoảng 34,5 triệu đồng) để cậu con trai 10 tuổi tham gia hai lớp viết luận, ba lớp tiếng Anh trên lớp, một lớp học tiếng Anh trực tuyến và một lớp Toán mỗi tuần sau giờ học, kèm theo một lớp thể thao như bóng rổ và bóng đá vào cuối tuần.
Cô Xie cho biết lịch trình của con trai cô vẫn "chưa thấm vào đâu" so với các bạn cùng lớp. Phần lớn học sinh Trung Quốc thường bị áp lực từ phụ huynh.
Mặc dù vậy, cô Xie vẫn lo lắng việc chính phủ cấm các lớp học tư nhân trong các kỳ nghỉ sẽ gây khó khăn cho các phụ huynh khi không thể quản lý con trẻ trong giờ làm việc.
Trước tình trạng nhiều gia đình phải trả hàng triệu USD cho những căn hộ có diện tích nhỏ gần các trường học hàng đầu, những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay đóng cửa các văn phòng bất động sản quảng bá nhà ở gần các trường học có nhu cầu, nhằm ngăn chặn tình trạng hoảng loạn mua nhà phục vụ cho việc học của các bậc phụ huynh.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã bắt đầu dự thảo kế hoạch mở rộng một chương trình thí điểm ở Thượng Hải cho phép giáo viên luân chuyển từ trường này sang trường kia.
Không rõ liệu các chính sách mới có tạo ra nhiều khác biệt trong việc khuyến khích sinh thêm con ở đất nước tỷ dân hay không nhưng hiện tại, ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, tỷ lệ sinh mới vẫn thấp hơn nhiều so với các vùng nông thôn do các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị trì hoãn việc sinh con trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng.
Tại thủ đô Bắc Kinh, số ca sinh mới đạt đỉnh vào năm 2017 và liên tục giảm đều, xuống mức thấp nhất trong 10 năm vào năm 2020.