Đau đầu với thú cưng 'đại náo' nơi công cộng ở TP.HCM

Việc để thú cưng phóng uế bừa bãi ở khu dân cư, hay không rọ mõm chó khi dẫn đi dạo đã được người dân phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Buổi chiều giữa tháng 4, ông Sỹ Bùi (63 tuổi) cùng cậu cháu trai đi dạo mát dọc tuyến đường bờ kè Hoàng Sa (quận Bình Thạnh). Người đàn ông lớn tuổi tỏ ra khó chịu khi cứ đi một đoạn lại gặp vài con chó thả rông hoặc bãi chất thải của động vật giữa lối đi.

“Chưa kể còn rất nhiều người dân dẫn chó đi dạo mà không rọ mõm, gây nguy hiểm cho mọi người”, ông Sỹ Bùi nói.

Khó chịu nhưng đành ngó lơ

Tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc theo bờ kè kênh Nhiêu Lộc (kéo dài từ quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận 3 đến quận Tân Bình) từ lâu là địa điểm quen thuộc để người dân TP.HCM dạo mát hoặc tập thể dục vào mỗi buổi sáng và chiều.

Gần đây, nhiều người dân phản ánh về việc chó được thả rông không rọ mõm, đôi khi phóng uế bừa bãi nhưng người chủ không dọn dẹp, ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung trên tuyến đường dọc bờ kè.

 Người dân TP.HCM tập thể dục trên tuyến đường dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận). Ảnh: Nguyễn Toàn.

Người dân TP.HCM tập thể dục trên tuyến đường dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận). Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ông Sỹ Bùi cho biết vào khung giờ 17-18h hàng ngày có nhiều người dân đi dạo, hoặc đi tập thể dục dẫn theo chó, mèo. Điều đáng nói là đa số thú cưng không được quản lý kỹ lưỡng.

“Có người dẫn theo 3-4 con chó mèo, đôi khi các con vật phóng uế trên cỏ, có khi giữa lối đi. Ở đây có nhiều người chạy bộ khá khó chịu, nhưng không biết phải nhắc nhở ra sao, đành ngó lơ”, Nguyễn Hoa (20 tuổi) phản ánh.

Ông Sỹ Bùi nói thêm vào buổi tối có một số người dân chạy xe chở thú cưng đến đi vệ sinh ở các bụi cây dọc lối đi.

 Một số người dân chở thú cưng đi vệ sinh tại khu vực bờ kè. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Một số người dân chở thú cưng đi vệ sinh tại khu vực bờ kè. Ảnh: Nguyễn Toàn.

“Chính quyền địa phương yêu cầu phải gửi hình ảnh về phường thì mới xuống xử lý. Tôi nghĩ địa phương nên thường xuyên ra quân, xử phạt răn đe để người dân rút kinh nghiệm, chứ không chỉ hô hào rồi bỏ ngỏ”, ông Sỹ Bùi nói.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Long (57 tuổi, ngụ tại đường Hoàng Sa, quận Phú Nhuận) cũng tỏ ra ngao ngán: “Thật ra cũng có vài người ý thức đem theo giấy hay túi để dọn vệ sinh, nhưng đa phần thì không dọn. Người ta biết chuyện đó sai, mà vẫn làm, thì không biết nói sao”.

Láng giềng xích mích

Việc thả thú cưng đi rông, phóng uế bừa bãi không chỉ diễn ra ở khu vực công cộng, mà còn là tình trạng thường xuyên tại các khu dân cư và chung cư.

Chị Đàm Dung (45 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Hiện tại hẻm 89 Hàm Nghi có nhiều hộ dân nuôi chó, việc này không ai cấm. Tuy nhiên, tôi đề nghị các hộ không thả chó ra đường, phóng uế bậy trong hẻm và không xích chó ở lối đi công cộng”.

Gia đình chị Dung kinh doanh nước giải khát, khách đến uống nước thường xuyên phải "chịu trận” khi thú cưng của nhà hàng xóm thản nhiên đi vệ sinh trước cửa quán.

Theo chị Dung, vấn đề này đã được người dân trong hẻm nói đi nói lại nhiều lần nhưng chưa có sự thay đổi. Việc này vô tình tạo sự bức xúc và gây mất tinh thần đoàn kết cư dân trong hẻm.

 Bảng thông báo chung tại chung cư Nguyễn Huy Tự (quận 1) nhắc nhở về vấn đề vệ sinh của thú cưng. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Bảng thông báo chung tại chung cư Nguyễn Huy Tự (quận 1) nhắc nhở về vấn đề vệ sinh của thú cưng. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ông Sỹ Bùi cũng cho biết tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), hàng xóm không ít lần xích mích với nhau về chuyện thú cưng đi vệ sinh bừa bãi, nhưng không hộ dân nào nhận trách nhiệm dọn dẹp. Vấn đề này khiến ban quản lý chung cư khá đau đầu.

“Mình lên tiếng thì bị ghét, nhưng nếu không nói, về lâu về dài rất khó chịu”, ông Sỹ Bùi bày tỏ.

 Ông Sỹ Bùi cùng cháu ngoại đi dạo ở khu vực bờ kè Nhiêu Lộc. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ông Sỹ Bùi cùng cháu ngoại đi dạo ở khu vực bờ kè Nhiêu Lộc. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Vì sao khó xử lý triệt để?

Ghi nhận tình trạng có nhiều người dân dẫn theo thú cưng khi đi dạo, tập thể dục ở dọc bờ kè kênh Nhiều Lộc (đoạn qua quận Phú Nhuận), ông Bùi Hiển Dinh, Phó chủ tịch UBND phường 2, quận Phú Nhuận, cho biết mỗi ngày đều có lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra và nhắc nhở người dân; đối với những trường hợp thú cưng được thả rông không rọ mõm, địa phương sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Dinh, rất khó để xử lý triệt để tình trạng này. Vì hiện tại phường chưa có bộ phận chuyên trách quản lý việc chó mèo thả rông nơi công cộng.

"Đồng thời, nhiều người chưa quen với việc rọ mõm thú cưng khi dẫn ra nơi công cộng nên quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền", ông Dinh nói.

 Thú cưng được thả rông, không rọ mõm và phóng uế bừa bãi tại khu vực công cộng. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Thú cưng được thả rông, không rọ mõm và phóng uế bừa bãi tại khu vực công cộng. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Trước đó, vào khoảng năm 2008-2009, sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân về những bất cập do việc thả chó rông ngoài đường, Chi cục Thú y TP.HCM đã thành lập đội săn bắt chó thả rông trên địa bàn.

Sau nhiều năm hoạt động, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết từ tháng 8/2018, trách nhiệm quản lý chó thả rông đã được chuyển về cho các quận, huyện, TP của TP.HCM. Chi cục sẽ hỗ trợ cho các đơn vị địa phương có yêu cầu về tập huấn cũng như công cụ, xe chuyên dụng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trước đây Nghị định 167/2013 quy định trường hợp người để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng là một trong những hành vi vi phạm về giữ gìn vệ sinh chung, và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, hiện nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nghị định 144 không còn quy định về mức phạt với hành vi để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng.

Cụ thể, Nghị định 144 chỉ quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng hoặc để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Toàn Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-dau-voi-thu-cung-dai-nao-noi-cong-cong-o-tphcm-post1305768.html