Dấu gạch nối DNP Holding - Tasco của doanh nhân Vũ Đình Độ
Sau khi từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT DNP Holding, ông Vũ Đình Độ chia sẻ tại ĐHĐCĐ Tasco: 'Đối với cá nhân tôi, đây là quyết tâm tập trung đầu tư cho Tasco'.
Dù không trực tiếp nắm vốn CTCP Tasco (HoSE: HUT), song qua tìm hiểu của Người Đưa Tin, các nhân sự thuộc Công ty Cổ phần DNP Holding (HNX: DNP) đều lần lượt vào ngồi ghế lãnh đạo tại Tasco từ tháng 6/2021 đến nay. Cùng với đó, một số đơn vị thuộc hệ sinh thái DNP cũng nhanh chóng được "chuyển nhà" qua làm công ty con của Tasco.
Đáng chú ý, cả hai hệ sinh thái DNP Holding và Tasco đều liên quan đến người đứng đầu là ông Vũ Đình Độ. Ông Độ sinh năm 1982 tại Bắc Giang với trình độ cử nhân kinh tế.
Trước khi gia nhập DNP và Tasco, ông từng làm kiểm toán cho KPMG tại Việt Nam, Singapore. Từ năm 2007 đến năm 2011, ông trải qua các vị trí cấp cao về phân tích đầu tư, đầu tư, thị trường vốn, M&A và công cụ phái sinh tại các công ty chứng khoán SSI, VNDirect và MSB.
DNP Holdings dưới thời ông Vũ Đình Độ
Công ty Cổ phần DNP Holding tiền thân là Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai, được thành lập năm 1976 với tư cách là một công ty đầu tư. Năm 2004, doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Đến năm 2006, công ty chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã giao dịch DNP. Tháng 5/2022, Nhựa Đồng Nai đã đổi tên thành DNP Holding.
DNP Holding phát triển dựa trên 4 trụ cột chính: Nước (DNP Water), vật liệu xây dựng (DongNai Water Pipes, DNP Hawaco, CMC), đồ gia dụng (thương hiệu Inochi), bao bì (TanPhu Packaging, Dong Nai Packaging).
Dù gia nhập thương trường khá sớm nhưng phải đến năm 2012 DNP mới bắt đầu ghi nhận những bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là năm DNP Holding có sự góp mặt của ông Vũ Đình Độ.
Theo đó, vào năm 2012, khi các cổ đông thời kỳ đầu của DNP Holding bắt đầu thoái vốn, ông Độ đã nắm bắt cơ hội gom cổ phiếu và được bầu vào HĐQT. Đến năm 2014, ông giữ chức Tổng giám đốc DNP Holding. Chỉ một năm sau, ông Vũ Đình Độ chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị DNP Holding.
Sau hơn 1 thập kỷ hoạt động, tới năm ông Độ làm thuyền trưởng DNP Holding mới tăng vốn từ 3 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng. Sau đó quy mô tài sản của DNP Holding không ngừng tăng lên. Năm 2016, công ty tăng vốn gấp 4,4 lần lên 300 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2022, DNP Holding đã thực hiện 6 đợt tăng vốn điều lệ khác. Thời điểm năm 2022, quy mô vốn của công ty là 1.189 tỷ đồng, tăng gấp 396 lần vốn đăng ký ban đầu và được duy trì cho đến nay.
Dưới sự chèo lái của ông Vũ Đình Độ, DNP Holdings đã có những bước tăng trưởng về quy mô và hiệu quả hoạt động. Năm 2015, DNP Holdings ở ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỷ lục, lần lượt ở mức 904 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.
Sang năm 2016, DNP chính thức ghi nhận mốc doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Những năm sau đó, doanh thu của công ty đều ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận lại liên tục trồi sụt. Phải đến năm 2022, công ty mới khởi sắc về lợi nhuận khi đem về 95 tỷ đồng tiền lãi, gấp 4,1 lần so với năm trước đó, doanh thu cũng tăng 23% lên 7.693 tỷ đồng.
Đến năm 2023, DNP ghi nhận 7.579 tỷ đồng doanh thu và 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù doanh thu có giảm 2% nhưng doanh nghiệp này lại ghi nhận mức lãi kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Sau năm lãi kỷ lục, năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 61% còn 73 tỷ đồng, song doanh thu tăng 5,4% lên 7.986 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 24/5 vừa qua, ông Đình Độ chính thức thôi chức Chủ tịch HĐQT DNP Holdings sau một thập kỷ gắn bó. Dù vậy, ông vẫn là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp và phụ trách Ban Chiến lược phát triển của toàn hệ thống DNP.
Những người DNP Holdings ở Tasco
Tasco được thành lập từ năm 1971, tiền thân là đội cầu Nam Hà. Sau đó công ty chính thức được thành lập ngày 27/3/1976 với tên gọi Công ty Cầu Hà Nam Ninh, trên cơ sở sáp nhập đội cầu Nam Hà và Xí nghiệp Xây dựng Cầu đường Ninh Bình.
Tháng 11/2000, doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần và mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Nam Định. Năm 2007, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco.
Tasco được biết đến là một trong những ông lớn về đầu tư dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Có thể kể đến các dự án BOT quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình; BOT 39, Thái Bình; BOT Lê Đức Thọ, Hà Nội; BOT Hải Phòng; cải tạo BOT Đông Hưng, Thái Bình…
Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu, Chủ tịch Tasco khi đó là ông Phạm Quang Dũng là cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất. Ông Phạm Quang Dũng được mệnh danh là "ông trùm BOT" và từng được giới thiệu là doanh nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua những ngày tháng khó khăn để rồi đưa Tasco trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân có tên tuổi.
Thế nhưng đến tháng 10/2021, ông Dũng đã chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT Tasco và đồng hành cùng doanh nghiệp với vai trò một cổ đông lớn và là thành viên quan trọng trong Ban cố vấn chiến lược cấp cao.
Thay thế ông Dũng là ông Hồ Việt Hà, khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT DNP Water - công ty thành viên của DNP Holding. Thực tế, “game” đổi chủ ở Tasco đã dần xuất hiện nhân sự thuộc DNP Holding từ tháng 6/2021, thời điểm này ông Nguyễn Danh Hiếu đang là Phó Tổng Giám đốc DNP Water, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (công ty con của DNP) đã được bầu vào HĐQT Tasco.
Cùng thời điểm tháng 6/2021, các nhân sự nhóm DNP gồm ông Nguyễn Huy Tuấn giữ chức Tổng Giám đốc Tasco, ông Nguyễn Thế Minh và bà Phan Thị Thu Thảo làm Phó Tổng Giám đốc.
Ngày 6/10/2023, bà Phan Thùy Giang - Thành viên HĐQT DNP Holding cũng được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tasco. Đến ngày 24/5/2024, bà Giang đã thôi làm Thành viên HĐQT DNP Holding nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp này.
Hiện bà Giang còn đang là Phó Tổng Giám đốc tại CTCP Đầu tư ngành nước DNP, Trưởng ban kiểm soát CTCP CMC; Thành viên HĐQT tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (UPCoM: SII), CTCP Savico Hà Nội. Những doanh nghiệp này đều có liên quan đến DNP Holding..
Tại Tasco, ông Vũ Đình Độ chính thức lộ diện trên cương vị Chủ tịch HĐQT vào tháng 4/2022. Dưới cương vị là người đứng đầu, ông Độ đã đưa Tasco thoát mũ "ông trùm BOT" để hướng đến phát triển hệ sinh thái đa ngành, đặc biệt là dịch vụ ô tô.
Cụ thể, vào tháng 4/2023, ông Độ được bầu làm Chủ tịch HĐQT SVC Holdings để chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập lịch sử của Tasco và SVC Holdings - một trong những doanh nghiệp phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam.
Sau khi ông Độ giữ vị trí cao nhất tại Tasco và SVC Holdings, đến ngày 5/9/2023 thương vụ sáp nhập được công bố hoàn tất. Thương vụ M&A này giúp Tasco trở thành một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô nội địa lớn nhất và sở hữu 86 đại lý trên cả nước, tính đến thời điểm 31/12/2023.
Sau hợp nhất, Tasco đã đổi tên thành Tasco Auto. Dù bức tranh kinh doanh sau hợp nhất có tăng trưởng nhưng thực tế vẫn "trượt xa" kế hoạch Tasco đề ra trong năm 2023.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tasco ghi nhận doanh thu 10.995 tỷ đồng, gấp 11 lần so với cùng kỳ. Doanh thu tăng mạnh nhưng giá vốn cũng tăng gấp 12,5 lần so với cùng kỳ khiến Tasco báo lãi giảm tới 61% xuống vỏn vẹn 56 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch dự tính.
Giải trình kết quả trên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tasco, Chủ tịch Vũ Đình Độ cho bết do biên lợi nhuận ngành phân phối bán lẻ ô tô thấp, đây cũng là thách thức đối với Tasco. Thông thường biên lợi nhuận ngành này khoảng 2%, như vậy Tasco đang hoạt động tốt.
Sang quý I/2024, Tasco ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh từ 294 tỷ lên hơn 5.183 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty phát hơn 4.811 tỷ đồng doanh thu bán hàng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Trừ đi các chi phí, Tasco ghi nhận lợi nhuận sau thuế 32,1 tỷ đồng, cách xa con số 911 triệu đồng đạt được cùng kỳ.
Lý giải về kết quả kinh doanh khởi sắc này, Tasco cho biết doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng mạnh do các mảng hoạt động đều tăng trưởng, đặc biệt đến từ mảng kinh doanh xe ô tô sau khi hoàn thành hợp nhất Tasco Auto trở thành công ty con từ tháng 9/2023.
Về lĩnh vực bất động sản của Tasco, vào tháng 3/2022, doanh nghiệp đã thông qua chủ trương thành lập công ty con Tasco Land. Tasco Land đã đầu tư và nắm giữ 94% vốn của NVT Holdings, công ty mẹ của CTCP Bất động sản Du Lịch Ninh Vân Bay - nơi DNP Holding cũng rót 57% vốn
NVT Holdings có số vốn điều lệ ban đầu gần 1.300 tỷ đồng. Ông Phạm Thành Thái Lĩnh là người góp vốn nhiều nhất với tỉ lệ 48% và được bầu làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Thời điểm đó ông Lĩnh đồng thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc đầu tư tại DNP Water. Tuy nhiên đến 30/8/2022 ông đã xin từ nhiệm các vị trí tại NVT Holdings.
Cùng ngày 30/8/2022, ông Nguyễn Hoàng Giang cũng xin rút khỏi vai trò Thành viên HĐQT Ninh Vân Bay. Ông Giang đã vào HĐQT của DNP Water từ 2018, đồng thời phụ trách ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. Hiện ông Nguyễn Hoàng Giang còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE.
Ông Hồ Việt Hà cũng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay. Tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Hà đã từ nhiệm.
Ngoài ra, DNP và Tasco đều có mối liên quan đến một số doanh nghiệp như CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC), CTCP Xây dựng số 9 (Vinaconex 9).
Chương mới của Tasco
Liên quan đến việc “chiếm lĩnh" Tasco, CTCP VII Holding - nơi ông Vũ Đình Độ giữ chức Chủ tịch HĐQT, đồng thời sở hữu 65% vốn điều lệ mới đây đã đăng ký nhận chuyển nhượng để sở hữu ít nhất 25% cổ phần của Tasco và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức ngày 31/5.
Tuy nhiên, ông Độ cho rằng có thể số lượng chuyển nhượng còn nhiều hơn từ các cổ đông ở đợt hoán đổi hồi tháng 8/2023 với SVC Holdings. VII Holding sẽ nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần Tasco mà các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ đợt phát hành hoán đổi từ cổ phiếu Tasco Auto vào tháng 8/2023.
Đáng chú ý, việc mua lại cổ phần này không cần phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, có thể thực hiện thành nhiều đợt qua khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
CTCP VII Holding cam kết hạn chế chuyển nhượng đến đủ 5 năm kể từ ngày hoàn thành giao dịch hoán đổi cổ phần của CTCP SVC Holdings với cổ phần của CTCP Tasco (ngày 31/8/2023).
Về VII Holding, ông Độ cho biết công ty này quản lý các khoản đầu tư khác nhau bao gồm cả bản thân ông và các cá nhân khác, trong đó có khoản đầu tư vào Tasco.
Người đứng đầu Tasco nhận định, đây là một sự “tiến bộ” trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp. “Cơ cấu sở hữu của Tasco hiện chiếm phần chính yếu là cổ đông cá nhân. Đối với cá nhân tôi việc nhận chuyển nhượng cổ phần của các nhà đầu tư khác là một nỗ lực để đầu tư cho Tasco”, ông Độ cho hay.
Đáng nói, công ty này mới thành lập ngày 29/5/2024. Tức mới chỉ thành lập 2 ngày tuổi đã công bố việc đăng ký nhận chuyển nhượng để sở hữu cổ phần của Tasco.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tasco, ông Vũ Đình Độ cũng thẳng thắn rằng bản thân hiện đang tham gia HĐQT của nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ông mới từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của DNP Holding với mong muốn tập trung cho Tasco. Bởi thời gian tới là giai đoạn then chốt, cơ hội trong quá trình phát triển của Tasco.
Theo kế hoạch, năm 2024 Tasco sẽ phát triển dự án lắp ráp ô tô (CKD) và mục tiêu đến năm 2025 là có sản phẩm. Dù chưa tiết lộ sẽ hợp tác với hãng xe nào, nhưng Tasco nhấn mạnh sẽ lắp ráp ô tô cho các nhà sản xuất ô tô nằm trong Top10 thế giới.
"Nguyên tắc để đảm bảo dự án thành công và quản trị được các rủi ro của dự án này là chọn đối tác lớn. Cụ thể là nằm trong Top10 các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, có tốc độ phát triển nhanh, có dải sản phẩm rộng, đã thành công trên thị trường Việt Nam và quốc tế", ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Tasco Auto chia sẻ định hướng.
Ông Dũng khẳng định, Tasco chỉ tham gia lắp ráp sản phẩm có thương hiệu, phù hợp với năng lực và lợi thế. Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của đối tác cũng như hỗ trợ đối tác nội địa hóa theo lộ trình phù hợp.
Về thị trường, không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà cả cơ hội xuất khẩu đến những thị trường mà Việt Nam có ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.