Đấu giá biển số: Không ai tự dưng bỏ cọc 40 triệu đồng để rồi bị tai tiếng

Qua hai lần đấu giá biển số thất bại và thành công ở lần thứ ba, tôi nhận thấy rằng, người trúng đấu giá 'bất đắc dĩ' khi vượt quá dự trù tài chính nên phải bỏ cọc, chứ không ai tự dưng bỏ cọc 40 triệu đồng để rồi bị tai tiếng.

Từ thực tiễn của mình, tôi thấy quy trình đấu giá biển số đang còn bất cập.

Thứ nhất, những người trúng đấu giá biển số là người bấm nút đấu giá sau cùng chứ không phải là người có dự định trả giá cao nhất.

Ban đầu, mọi người có xu hướng đấu giá lên cao theo khả năng tài chính của mình, nhưng cũng không thể đoán được khả năng tài chính của những người cùng tham gia khác nên đến những giây phút cuối, người tham gia phải bấm đua để chờ sự may rủi thắng đấu giá biển đẹp như ý.

Đến thời điểm này, tôi thấy đa phần người chơi biển số đều hiểu rằng người bấm nút sau cùng là người trúng đấu giá. Rút kinh nghiệm, anh em tham gia không đẩy giá lên cao trong thời gian đầu mà trả giá cầm chừng chờ đến những giây phút cuối thi nhau bấm nút , đua thành tích là người bấm nút sau cùng.

Trên thực tế, tôi thấy có nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để lấy một biển số nào đó nhưng không có cơ hội để thể hiện ý muốn của mình do bất cập của quy trình đấu giá .

Cụ thể với trường hợp của tôi, trong lần đấu giá thứ 3, theo như thông báo từ trang web đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam, tôi đã trúng đấu giá ở mốc 59 phút 59 giây 10/100 giây. Nếu trong khoảng thời gian từ 10/100 giây đến 100/100 giây cuối cùng còn lại mà có một hoặc nhiều người bấm nút đấu giá thì tôi đã không dành chiến thắng. Rõ ràng là tôi trúng đấu giá không phải tôi đưa ra giá cao để loại bỏ những người khác mà đơn giản là do tôi đã bấm nút đấu giá sau cùng.

Thứ hai, nhiều người trúng đấu giá với cái giá “trên trời rơi xuống” vượt quá khả năng tài chính của mình nên đành bỏ cọc.

Tôi đấu giá biển số với dự trù khả năng tài chính tối đa là 200 triệu đồng nên chỉ chọn biển số đẹp vừa phải.

Trong lần đấu giá thứ nhất, khi còn 3 giây nữa hết giờ, trên web đấu giá tôi thấy giá đã đấu là 105 triệu đồng, đoán rằng nếu mọi người có bấm liên tục thì cũng lên không vượt qua 200 triệu đồng. Trên thực tế, trong vài giây cuối cùng đó không có đủ thời gian để quan sát sự thay đổi liên tục giá trên màn hình, mục đích là cắm đầu bấm liên tục để mong giành chiến thắng. Kết thúc, may mắn là tôi không trúng đấu giá vì người dành chiến thắng lúc đó đã là chốt tới mức giá 850 triệu đồng.

Nếu đấu được biển số đó, tôi bắt buộc bỏ cọc vì vượt quá dự trù tài chính. Sau đó, tôi mới hiểu ra rằng không phải tất cả mọi người đều bấm với hệ số 5 triệu đồng x 1 lần (bước giá tối thiểu mỗi lần trả giá là 5 triệu đồng-PV) mà đã có những người bấm với hệ số 5 triệu đồng x100 hoặc với hệ số lớn hơn nên cái giá trúng mới bị đẩy lên cao như vậy.

Tương tự trường hợp của tôi, sẽ có nhiều người trúng đấu giá với cái giá trên trời rơi xuống ngoài dự tính mà không có đủ thời gian kiểm soát các bước giá người khác đã đấu tới đâu, dẫn tới "trúng đấu giá biển số ở trạng thái bất đắc dĩ”. Vì vượt quá dự trù tài chính nên mọi người bỏ cọc, chứ không ai tự dưng bỏ cọc 40 triệu đồng mà còn bị tai tiếng.

Trong lần đấu giá thứ hai, tôi chọn biển số đẹp ít hơn một chút. Khi còn 3 giây, tôi thấy trên màn hình giá hiện tại là 70 triệu đồng. Tôi bấm liên tục và người khác cũng đã dành chiến thắng với 160 triệu đồng.

Trong lần đấu giá thứ ba, tôi chọn biển số ít đẹp hơn nữa và dự đoán có ít người đấu. Trong những giây cuối cùng tôi cũng bấm liên tục và đã may mắn đấu được biển số với giá chỉ bằng một nửa dự trù tài chính của mình.

Đấu giá biển số ô tô được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: Đình Hiếu

Đấu giá biển số ô tô được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: Đình Hiếu

Ví dụ thứ hai là câu chuyện về biển số xe VIP nhất trong các phiên vừa qua là biển số 51K-888.88 của TP.HCM đã trúng lần 1 là hơn 32 tỷ đồng. Trên thực tế, nhiều người trả giá thấp hơn người trúng này cũng đều ở mức rất cao, xấp xỉ 32 tỷ đồng. Trong số này, có thể cũng có những người có đủ khả năng tài chính để không bỏ cọc biển số đó nhưng họ đã không là người bấm nút sau cùng.

Sau sự kiện bỏ cọc, biển số 51k-88888 đấu giá lại với người trúng đấu giá 15,265 tỷ đồng. Có thể mọi người đều hiểu rằng đấu lên cao chưa chắc đã dành chiến thắng mà muốn trúng đấu giá cần phải bấm nút thật nhanh vào những giây cuối. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, biển số đó đã không đến được những người có mong muốn trả giá cao nhất, thay vì bán đấu giá được trên 32 tỷ đồng, nay chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng.

Vì những bất cập trong quá trình đấu giá, không những biển số đó mà hầu hết các biển số khác có thể cũng không bán được giá tối đa như kỳ vọng.

Tôi cho rằng, công ty tổ chức đấu giá cần điều chỉnh để tránh các bất cập kể trên. Có thể, cần phải thay đổi quy trình đấu giá ,chẳng hạn nên áp dụng quy trình đấu giá trực tiếp vào đấu giá trực tuyến. Nên chăng, chỉ để 30 phút đầu tiên cho mọi người trả giá tự do. Sau 30 phút đến giai đoạn chốt giá, chốt giá ba lần mỗi lần cách nhau 5 giây, sau hai lần chốt giá nếu không có ai trả thêm lần chốt giá thứ ba coi như tìm được người thắng đấu giá. Có như vậy thì những người tham gia đấu giá mới có đủ thời gian cân nhắc tài chính và tránh được tình trạng bấm đua và chắc chắn sẽ tìm được người có mong muốn trả giá cao nhất.

Độc giả Nguyễn Văn An (xã Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Đình Quý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-gia-bien-so-khong-ai-tu-dung-bo-coc-40-trieu-dong-de-roi-bi-tai-tieng-2208508.html