Đấu giá biển số ô tô: Có cần hạn chế quyền tài sản của người sở hữu?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 7/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Các nội dung về mức giá khởi điểm, quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, phạm vi thực hiện thí điểm, xác định thế nào là 'biển số đẹp'... nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu.

Thay đổi lớn trong công tác quản lý phương tiện

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) nhất trí cao với việc thí điểm thực hiện quyền cấp, lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tuy nhiên, đại biểu phân tích, theo dự thảo Nghị quyết, việc cấp biển số xe qua đấu giá sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA.

Như vậy, liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của thành phố Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác? “Đây là thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện hiện nay”, đại biểu nói.

Các đại biểu thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Dẫn báo cáo của Bộ Công an khẳng định việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi, đại biểu cho rằng, nếu bảo đảm được yêu cầu về quản lý đúng như nội dung Bộ Công an đã báo cáo thì đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý Nhà nước nói chung, cũng như trong việc chuyển đổi số của Bộ Công an. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Công an xem xét bỏ quy định về việc phải nộp trả biển số xe đăng ký ô tô khi phương tiện được sang tên hay chuyển địa bàn sang tỉnh, thành phố khác hiện đang được quy định trong Thông tư 58/2020/TT-BCA.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, nội dung thí điểm được thực hiện trong vòng 3 năm, nhưng hệ quả của chính sách này có tác dụng và ảnh hưởng rất lâu dài, do Nghị quyết đang quy định biển số trúng đấu giá có thể đi theo người trúng đấu giá từ phương tiện này sang phương tiện khác, tối đa có thể kéo dài đến 50, 60 năm sau khi Nghị quyết này đã chấm dứt hiệu lực. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định giới hạn về thời gian được sử dụng quyền của người trúng đấu giá có thể tối đa là 20 năm hoặc là tương ứng với niên hạn sử dụng của phương tiện được gắn biển số.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) lại đề nghị quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu của mình được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá. Ví dụ như phải là xe mới chưa đăng ký hoặc xe đã đăng ký rồi nhưng được chuyển sang biển đã trúng đấu giá. Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho, tặng, nhận thừa kế được phép giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác, vì có thể có trường hợp người được bố hoặc mẹ cho, tặng hoặc được nhận thừa kế muốn giữ lại biển số làm kỷ niệm, đăng ký cho xe khác của mình.

Thống nhất một mức giá khởi điểm

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, Nghị quyết quy định người trên toàn quốc được đấu giá biển số ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là hợp lý.

Đáng quan tâm, đại biểu đề xuất cách xác định biển số nào là biển số rất đẹp: “Qua quan sát, tôi nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.

Trong thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ”, đại biểu cho biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung vào Nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá và nhóm số này cũng có giá mức khởi điểm cao hơn.

Cụ thể gồm: Có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối giống nhau; có 5 chữ số tiến đều; có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối tiến đều; có 3 chữ số đầu tiến đều và 2 chữ số cuối giống nhau; có 2 chữ số cuối lặp lại; chỉ có hai chữ số như 55155; có các số lớn hoặc 2 cặp số cuối đối xứng như 59889; có các số lớn về các số sau bằng hoặc lớn hơn số trước như 56679; có 3 chữ số đầu hoặc ba chữ số cuối giống nhau kết hợp với 2 số còn lại tạo thành 3 chữ số tiến đều hoặc 2 chữ số cuối còn lại giống nhau như 12333, 44455.

“Số lượng của nhóm số này chiếm 2,42% tổng kho số. Những số bắt buộc phải đấu giá này sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.

Đề nghị mở rộng quyền định đoạt

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá. Ví dụ, người chủ tài sản đối với biển số ô tô trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp các nội dung mà các đại biểu và cử tri đóng góp ý kiến về: Tên gọi của nghị quyết; phạm vi thí điểm; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số xe ô tô được đưa ra đấu giá; giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được qua đấu giá biển số xe ô tô; các hình thức, thủ tục, trình tự đưa ra đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá; thời gian để thực hiện thí điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá khi đã kết thúc thí điểm.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến này và nghiên cứu rất kỹ lưỡng ý kiến của đại biểu, sẽ có báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

“Tôi cho rằng, quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản dù là tài sản đặc thù đi chăng nữa thì vẫn là tài sản và phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, biển số xe ô tô cũng như số điện thoại di động là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do Nhà nước quản lý, nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thì tại sao chúng ta lại hạn chế quyền của người trúng đấu giá đối với biển số xe ô tô?

“Tôi đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô để họ có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế điều này như đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan”, đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, nên quy định biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân, người trúng đấu giá có các quyền về tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. “Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá là theo quy định của pháp luật nào. Ngoài ra, đề nghị quy định một người trúng đấu giá bao nhiêu biển số để tránh trường hợp đầu cơ; thiết kế các trang web có thông tin trực quan, dễ theo dõi và công khai trên trang web những biển số được đấu giá”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Minh Bình thống nhất với giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số. Về bước giá, đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo bước giá là 5 triệu hoặc 10 triệu đồng; phân bổ theo hướng 70% nộp ngân sách Trung ương và 30% ngân sách của địa phương./.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dau-gia-bien-so-o-to-co-can-han-che-quyen-tai-san-cua-nguoi-so-huu-148411.html