Đấu giá, chi tiền môi giới khi mua nhà ở Mỹ, Nhật Bản
Sau thời gian học tập, làm việc tại nước ngoài, nhiều người trẻ Việt quyết định mua nhà, thiết kế không gian sống theo ý muốn.
Mua nhà chưa bao giờ là việc đơn giản, bởi ngoài tiền bạc, người mua còn cần hiểu biết về dự án nhà ở, quy định tại khu cư dân cũng như tính pháp lý. Đặc biệt, tại nước ngoài, chủ nhà càng cần nắm rõ những điểm khác biệt về quy trình, thủ tục cũng như chi phí.
Dưới đây, Zing trò chuyện cùng ba nhân vật đang định cư tại Nhật Bản, Mỹ và Australia để lắng nghe câu chuyện mua nhà của họ.
Phải đấu giá khi mua nhà tại MỹTrang Nguyễn
Căn nhà của gia đình tôi nằm tại bang Colorado, Mỹ, có diện tích 560 m2 bao gồm cả sân vườn. Vào thời điểm mua, bất động sản này được rao giá 490.000 USD (gần 12 tỷ đồng). Vợ chồng tôi trả trước 20%, tương đương khoảng 98.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng). Số tiền còn lại, chúng tôi vay ngân hàng với lãi suất 3,75% trong suốt 30 năm.
Gia đình tôi tính toán để số tiền trả góp hàng tháng không vượt quá 30% thu nhập. Vợ chồng đều có thu nhập ổn định, khá tự tin rằng việc trả góp không mấy khó khăn. Ngoài tiền trả góp, hai đứa cũng dành riêng một khoản tiết kiệm hàng tháng để trả thêm vào tiền gốc, đặt mục tiêu rút ngắn thời gian vay trả góp.
Chúng tôi "nhắm" căn nhà này từ lâu, cảm thấy hài lòng với vị trí, thiết kế cũng như khu vực dân cư lân cận. Tuy nhiên, trước khi sở hữu được bất động sản này, chúng tôi phải tính toán và cân não khá nhiều.
Đầu tiên, tôi tìm tất cả thông tin và giá của ngôi nhà trên Internet. Bước tiếp theo, tôi thuê một người đại diện sẽ làm việc trực tiếp với bên bán và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên mua. Sau khi quá trình mua bán hoàn tất, người đại diện sẽ được trả công bằng với 3-5% giá trị ngôi nhà.
Với quy định mua nhà ở Mỹ, người mua chỉ có thể đưa ra mức giá một lần duy nhất. Nếu có nhiều người mua, người bán sẽ chọn người trả giá cao nhất và có một vài ưu đãi nhất định với người trả hết một lần.
Căn nhà của tôi được chủ cũ đặt giá thấp hơn mức thị trường lúc đó để thu hút nhiều người đến xem. Tất cả người mua đều không biết mức giá cao nhất hiện tại là bao nhiêu. Vì thế, chúng tôi phải tính toán kỹ để con số ấy nằm trong ngân sách, không mua đắt hơn quá nhiều.
Sau khi nghe theo lời khuyên của người đại diện, vợ chồng tôi quyết định trả hơn giá người bán đặt ra tới 45.000 USD (1,1 tỷ đồng). Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác nhẹ nhõm khi biết mình đã trả giá thắng.
Dịch vụ môi giới đắt đỏ tại Nhật Bản Chi Chan
Tôi sang Nhật Bản du học từ năm 2012. Sau 3 năm làm việc, đến năm 2021, tôi cùng chồng quyết định mua nhà và định cư tại đất nước này.
Không có nhiều thời gian tìm hiểu về các dự án bất động sản, chúng tôi tìm nhà thông qua công ty môi giới. Chi phí cho bên trung gian khá cao, nhưng bù lại, tất cả các thủ tục mua nhà, vay ngân hàng đều sẽ được hỗ trợ ở mức tối đa.
Quá trình diễn ra khá suôn sẻ, vợ chồng tôi chỉ mất khoảng một tháng để xem những căn nhà được giới thiệu, sau đó ký hợp đồng chính thức.
Căn nhà của chúng tôi có giá ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Vợ chồng tôi trả trước 20% bằng số tiền tiết kiệm và được gia đình hỗ trợ thêm. Với 80% còn lại, chúng tôi vay ngân hàng với mức lãi suất 0,5-2%/năm.
Với mức lãi suất này, số tiền trả góp hàng tháng tương đương với số tiền đi thuê nhà. Khoản vay này có thời hạn 35 năm, nên tạm thời chúng tôi không quá áp lực về việc trả nợ. Tuy vậy, gia đình tôi cố gắng chi tiêu ở mức hợp lý, chỉ mua những đồ dùng cần thiết để sớm trả hết nợ ngân hàng.
Tôi hài lòng với tổ ấm của mình. Căn nhà rộng 90 m2, có 2 tầng, nằm trong khu dân cư mới và rất yên tĩnh. Không gian ngập ánh sáng và có một khoảng vườn nhỏ là điểm tôi ưng ý nhất. Tầng một gồm phòng khách, phòng ăn, phòng bếp và WC. Tầng 2 dành cho 3 phòng ngủ, phòng kho nhỏ và nhà vệ sinh.
Tôi chọn trang trí nội thất theo phong cách Minimalism (tối giản) và Japandi (Nhật Bản) để tạo cảm giác gọn gàng, trẻ trung cho căn nhà. Nhà vốn có màu trắng chủ đạo, tôi chỉ cần thêm những màu nhấn như màu gỗ hoặc màu xanh. Ngoài ra, tôi mua phần lớn đồ nội thất tại IKEA nên dễ dàng thống nhất về thiết kế cũng như màu sắc.
Chờ 3 năm sửa chữa khi mua nhà tại Australia Bell Phạm
Gia đình tôi hiện sinh sống ở tiểu bang Western Australia. Khi mua nhà, tôi lên các trang web bất động sản để tìm kiếm thông tin.
Cuối cùng, tôi chọn căn nhà này vì vị trí thuận tiện, cách trung tâm thành phố chỉ 15 phút và cách sân bay 5 phút lái xe. Ngoài ra, sân vườn rộng và có nhiều cửa sổ cũng là những điểm tôi rất tâm đắc.
Mua nhà ở Australia phải chuẩn bị nhiều giấy tờ và khá tốn kém. Người mua hay người bán đều phải thuê luật sư riêng và giao dịch qua luật sư.
Ngoài tiền mua nhà, gia đình tôi phải chi thêm các khoản phí bao gồm: lệ phí xin giấy phép mua bất động sản dành cho công dân người nước ngoài 5.500 AUD (84 triệu đồng; phí luật sư khoảng 1.500 AUD (hơn 23 triệu đồng), thuế trước bạ (thuế đăng ký chuyển nhượng đất đai), thuế đất địa phương, phí bảo hiểm nhà cùng một số loại phí công cộng như rác thải, an ninh…
Giá nhà ở Australia không quá đắt đỏ, nhưng phí thuê nhân công xây dựng rất cao. Vì thiếu nhân công, thời gian làm nhà thường kéo dài từ khoảng 6 tháng đến một năm tùy vào diện tích. Diện tích nhà và sân vườn của tôi lên đến 845 m2, mất 3 năm mới hoàn thành.
Căn nhà của tôi gồm 2 phòng khách, 3 phòng ngủ, một phòng bếp và 2 phòng tắm, ngoài ra còn một phòng giặt đồ, một nhà kho và một gara. Thiết kế nội thất đều do vợ chồng tôi tự làm, theo tiêu chí đơn giản nhưng vẫn sang trọng.