Đấu giá khoáng sản phải nhìn từ lợi ích quốc gia

Giữa tháng 2/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp bàn để hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

 (Ảnh minh họa: Quang Thọ)

(Ảnh minh họa: Quang Thọ)

Theo các chuyên gia, dự thảo nghị định mới này cần làm rõ mức giá khởi điểm để đưa ra phiên đấu giá phải căn cứ vào giá của tài nguyên khoáng sản thô tại các nước có khoáng sản tương tự nước ta, tránh thất thu cho ngân sách quốc gia trong dài hạn.

Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP cần làm rõ, phân biệt giữa hai khái niệm “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” và “Tiền trúng đấu giá để được khai thác khoáng sản”. Mức giá khởi điểm để đưa ra phiên đấu giá phải căn cứ vào giá của tài nguyên khoáng sản thô tại các nước có khoáng sản tương tự nước ta, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Cụ thể, quy định trước đây về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (quy định tại Điều 5 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ban hành ngày 9/9/2014) nêu: “Đối với khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.

Giá trị số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được dùng làm mốc xác định giá khởi điểm cho phiên đấu giá khoáng sản, mà không căn cứ vào diễn biến thực tế của giá khoáng sản thô trên thị trường. Cách xây dựng giá khởi điểm nêu trên có thể chưa gây thiệt hại trước mắt, nhưng về lâu về dài có thể thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia, do giá khoáng sản biến động liên tục theo hướng tăng dần.

Theo ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các nước có nhiều khoáng sản trên thế giới như Australia, Indonesia, Ấn Độ đều tổ chức đấu giá quyền khai mỏ tại các khu vực đã xác định trữ lượng.

Các quốc gia này ấn định mức giá khởi điểm của khoáng sản thô rất sát giá thị trường thế giới. Quy chế phiên đấu giá và giá khởi điểm cũng như điều kiện ràng buộc tổ chức tham gia đấu giá mỏ được quy định chặt chẽ, nhìn từ lợi ích quốc gia để tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách.

Tại phiên họp ngày 24/5/2022 nhằm tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo nghị định (thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP) trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhất trí đề nghị chỉnh lý, quy định chính xác từng loại quy hoạch khoáng sản làm căn cứ lập kế hoạch đấu giá cho phù hợp Luật Quy hoạch.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét lại các nội dung về tính giá khởi điểm đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; việc tính, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ■

AN BIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/dau-gia-khoang-san-phai-nhin-tu-loi-ich-quoc-gia-701322/