Dấu hiệu cần chú ý sau khi trẻ uống vitamin A liều cao
Đầu tháng 12 hàng năm là đợt bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ nhỏ (đợt 1 diễn ra vào tháng 6). Nếu thiếu loại vi chất này, trẻ có thể chậm lớn, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, nặng hơn có thể gây khô mắt, quáng gà.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), vitamin A có ý nghĩa quan trọng và lâu dài cho miễn dịch của trẻ nhỏ.
Đây là một vi chất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là từ 6 đến 36 tháng tuổi. Thiếu vitamin A sẽ làm cho trẻ chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nặng hơn sẽ gây khô mắt, quáng gà.
Tuy nhiên, một số trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, nôn; dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy,... Triệu chứng thường xuất hiện sau khi uống vitamin A từ 6-24 giờ.
Một số phụ huynh căng thẳng hơn khi thấy thóp của trẻ căng phồng kèm nôn, dễ nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm, viêm não hoặc màng não nên vội vàng đưa con đến viện cấp cứu.
Bác sĩ Vũ cho biết cách tốt nhất khi trẻ có các dấu hiệu trên là đưa đến bệnh viện kiểm tra, giúp loại trừ các biến chứng ngộ độc, xác định các bệnh lý đi kèm gây nặng.
Trường hợp trẻ có dấu hiệu ngộ độc nhẹ, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, dinh dưỡng đủ chất và bổ sung vitamin C vài ngày, tình hình sẽ bớt dần và hết sau 5-7 ngày.
Theo bác sĩ Vũ, các tác dụng phụ khi trẻ uống vitamin A liều cao là ít so với lợi ích lâu dài cho miễn dịch trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh hãy an tâm đưa con đi uống vitamin A theo lịch và theo dõi sát trẻ sau đó.
Theo Bộ Y tế, trẻ từ 6-36 tháng cần được uống vitamin A liều cao bổ sung 2 lần/năm (đợt 1 vào ngày 1 và 2/6, đợt 2 vào ngày 1 và 2/12 hằng năm) tại trạm y tế phường/xã. Đây là một trong những giải pháp phòng thiếu vitamin A ở trẻ. Các bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, vì đây là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Một số loại rau, quả có nhiều tiền chất vitamin A có thể bổ sung trong bữa ăn của trẻ như rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, bí đỏ, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…); các loại rau màu xanh sẫm.