Dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu vi chất

Nếu không được phát hiện sớm, trẻ thiếu vi chất có thể bị chậm phát triển thể chất và tâm thần, làm suy yếu các chức năng vận động, miễn dịch, tiêu hóa, thậm chí đột quỵ.

 Chỉ cần lượng rất nhỏ nhưng thiếu vi chất sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Ảnh: Amwell.

Chỉ cần lượng rất nhỏ nhưng thiếu vi chất sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Ảnh: Amwell.

BSCKI Nguyễn Duy Thái, khoa Dinh dưỡng, Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố, TP.HCM, cho biết để duy trì não, cơ, xương, dây thần kinh, da, tuần hoàn máu và hệ thống miễn dịch, cơ thể chúng ta cần được cung cấp ổn định nhiều nguyên liệu thô khác nhau, cả vi chất đa lượng và vi lượng.

Bạn cần lượng lớn chất dinh dưỡng đa lượng protein, chất béo và carbohydrate. Vi chất dinh dưỡng lại là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ. Chúng không được sản xuất trong cơ thể mà phải cung cấp từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Tác hại của thiếu vi chất

Theo BSCKI Nguyễn Duy Thái, dù chỉ cần lượng rất nhỏ, việc thiếu vi chất sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Các vi chất dinh dưỡng này tham gia vào việc xây dựng nên tế bào, mô và nhiều chức năng quan trọng như: Điều hòa chuyển hóa năng lượng; tăng cường miễn dịch; chống oxy hóa; hỗ trợ chức năng hô hấp, tim mạch, tuần hoàn...

Khi thiếu, chúng thường diễn ra thầm lặng, khó nhận biết. Nếu không được phát hiện sớm, trẻ có thể bị chậm phát triển thể chất và tâm thần, làm suy yếu các chức năng vận động, miễn dịch, tiêu hóa, bệnh lý tim mạch, thậm chí đột quỵ.

Khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm vitamin tan trong nước như: Nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và chất khoáng (sắt, kẽm, iod, đồng, mangan, magie...).

 Trẻ thiếu vitamin D thường chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm, còi xương. Ảnh: Wysypiamsie.

Trẻ thiếu vitamin D thường chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm, còi xương. Ảnh: Wysypiamsie.

Dưới đây là các vi chất phổ biến và tác dụng cũng như tác hại khi bị thiếu hụt:

Thời điểm bắt đầu cần bổ sung đủ vi chất

Bác sĩ Duy Thái cho hay để phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, cha mẹ nên bắt đầu từ giai đoạn bào thai bằng việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho mẹ và bé.

Sau khi sinh, trong 6 tháng đầu đời, trẻ cần được ưu tiên bú sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ cũng cần chú ý ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm, thuốc bổ tổng hợp để cung cấp cho trẻ nguồn sữa giàu dưỡng chất.

Từ 6 tháng tuổi, trẻ được ăn dặm để bổ sung nguồn vi chất dinh dưỡng bên cạnh sữa mẹ. Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm chất chính, đó là tinh bột, đạm, đường và béo. Bên cạnh đó, chế độ ăn cân đối, hợp lý, phối hợp đa dạng thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa thiếu hụt vi chất.

 Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm chất chính, đó là tinh bột, đạm, đường và béo. Ảnh: Shutterstock.

Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm chất chính, đó là tinh bột, đạm, đường và béo. Ảnh: Shutterstock.

Các nguồn thực phẩm này cũng rất dễ được tìm thấy:

Sắt: Gan, thịt động vật, lòng đỏ trứng gà, tim heo, mộc nhĩ, nấm hương...
Kẽm: Hàu, thịt đỏ, một số hải sản, gia cầm, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt...
Magie: Các loại đậu, hạt, bông cải xanh, chuối, xoài, dưa hấu...
Iod: Muối Iod, cá biển, rong biển...
Vitamin A: Gan, thịt, trứng, củ quả có màu vàng, đỏ, rau màu xanh sẫm...
Vitamin C: Cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót, cà chua...
Vitamin D: Thu được qua tiếp xúc với ánh nắng và các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.
Vitamin B1: Ngũ cốc, sản phẩm từ men bia...
Vitamin B3: Gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh đậm...
Vitamin B5: Thịt, trứng, gan, cá, rau xanh, nấm, các loại đậu...
Vitamin B6: Bơ, chuối, đậu đỗ, khoai tây, cá, thịt gia cầm, cà rốt, cải bắp...
Vitamin B9: Rau có màu xanh đậm, các loại trái cây chua (cam, bưởi) gan, trứng.
Vitamin B12: Do vi sinh vật tạo ra, bản thân động vật và thực vật không tự tạo được.

"Trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng có thể từ nhiều nguyên nhân như thiếu hụt trong giai đoạn bào thai dẫn đến trẻ sinh non, nhẹ cân; sau khi sinh, trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; ăn dặm quá sớm và chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng", bác sĩ Thái nói.

Vì thế, vị chuyên gia khuyến cáo khi đã biết được nguyên nhân dẫn tới thiếu vi chất ở trẻ, cha mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ để đảm bảo tốt cho sự phát triển của con theo từng giai đoạn.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-canh-bao-tre-thieu-vi-chat-post1437868.html