Dấu hiệu lạ ở Sao Hỏa: hẻm núi đầy 'xác ướp' sinh vật ngoài hành tinh?
Hẻm núi lớn nhất hệ Mặt Trời Valles Marineris có thể chính là ốc đảo sự sống giữa Sao Hỏa cằn cỗi, với bằng chứng rõ ràng về nguồn nước dồi dào.
ExoMars Trace Gas Orbiter - tàu quỹ đạo đang khám phá Sao Hỏa của ESA và Roscosmos (Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga) - đã tìm thấy dấu hiệu đặc biệt ở Valles Marineris, biệt danh là "Grand Canyon của Sao Hỏa".
Đó là một hẻm núi dài tới 4.000 mét. Công cụ FREND của tàu quỹ đạo ExoMars đã phát hiện ra rằng ở độ sâu khoảng 1 mét dưới bề mặt, đất ở hẻm núi này cực kỳ giàu nước. Nước tồn tại bằng cách kết dính trong khoảng chất hoặc dưới dạng băng nước dưới bề mặt.
ExoMars cũng phát hiện một khu vực có lượng hydro cao bất thường. Nếu hydro này thực sự liên kết thành các phân tử nước như dự đoán thì có tới 40% bề mặt của khu vực này là nước.
Dẫn lời nhà vật lý Igor Mitrofanov thuộc Viện Nghiên cứu không gian, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, một trong các tác giả chính của nghiên cứu, tờ Science Alert cho biết nước từng được biết đến dưới dạng băng ở các cực Sao Hỏa, nhưng với một khu vực gần xích đạo như Valles Marineris, các điều kiện dường như không phù hợp để nước có thể hình thành trên bề mặt. Vì vậy, đây là một phát hiện khó tin.
Phát hiện về cách thức và vị trí nước tồn tại trên Sao Hỏa ngày nay có thể giúp các nhà khoa học hiểu chính xác điều gì đã xảy ra với nước cổ đại trên Sao Hỏa, một hành tinh đã được khẳng định có nhiều đại dương, sông hồ y như Trái Đất.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Icarus còn tuyên bố hẻm núi kỳ diệu này sẽ là nơi các tàu thăm dò tương lai cần nhắm đến, vì họ tin rằng giống như các kho chứa nước đồng dạng ở Trái Đất, hẻm núi Valles Marineris có thể là một kho lưu trữ khổng lồ các mảnh "xác ướp lạnh" của sinh vật Sao Hỏa cổ đại, hoặc ít ra là các phân tử hữu cơ.