Dấu hiệu nhận biết thang máy trục trặc, không nên sử dụng

Khi sử dụng thang máy, mỗi người cần trang bị cho mình các kiến thức về cứu nạn, cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do các sự cố thang máy gây ra.

"Chết hụt" vì thang máy

Hơn 7h ngày 26/8, chị H.L rời nhà từ căn hộ tầng 34, chung cư HH2C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo quy định, tòa nhà có 6 thang máy, cư dân sinh sống từ tầng 20 trở lên được sử dụng 3 thang, đánh số thứ tự 11, 12, 13. Các cư dân từ tầng 20 trở xuống sử dụng hệ thống 3 thang còn lại.

Đúng giờ cao điểm, thang máy nào cũng chật kín. Chị H.L mãi mới chen chân vào thang số 11. Xuống dưới tầng một tòa nhà, thang máy bất ngờ xảy ra sự cố trễ cáp, chạy vượt quá cửa ra vào khoảng 1m, mắc kẹt giữa tầng một và hố thang.

Thời điểm này, trong cabin có nhiều người lớn và trẻ em. Cư dân vội ấn nút khẩn cấp bên trong. Bảo vệ nhanh chóng có mặt đưa ghế, hỗ trợ người lớn trèo từ bên trong, đồng thời bế nhiều trẻ em ra ngoài an toàn.

Tình huống nguy hiểm của người đàn ông suýt kẹt người do thang máy bị lỗi.

Khoảng 20 phút sau, cũng tại tòa nhà HH2C Linh Đàm, thang máy số 13 tự động đóng và lên tầng, suýt kẹp trúng người đàn ông ở cửa thang. Anh Nguyễn Mạnh Cường, 36 tuổi, người thoát chết trong gang tấc, cho biết nhờ phản xạ nhanh chóng nên vội rút chân, luồn người ra bên ngoài. Sự cố khiến anh ngã ngửa ra đằng sau, may mắn không bị thương. Trong thang máy lúc đó có 9 người, nhiều phụ nữ vô cùng hoảng hốt khi chứng kiến sự việc. Sau 2 sự cố, Công ty TNHH thang máy DHE đã cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra và khắc phục.

Ông Lê Quốc Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy và xây dựng Trí Tuệ Việt cho biết, đặc điểm vận chuyển bằng thang máy so với các phương tiện khác là thời gian của một chu kỳ vận chuyển nhỏ, tần suất vận chuyển lớn và đóng mở máy liên tục. Thang máy mang lại rất nhiều lợi ích phục vụ cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, người dân cũng cần trang bị cho mình các kiến thức về cứu nạn, cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do các sự cố thang máy gây ra.

Thực tế, do chi phí quá cao nên hệ thống cửa thang máy rất hiếm khi được trang bị loại chống cháy mà nếu có cửa chống cháy thì cũng chỉ chịu được một khoảng thời gian với nền nhiệt độ nhất định. Một số thang máy được cài đặt chế độ để ứng phó với tình huống cháy đó là cảm biến cháy được kết nối với hệ thống điều khiển của thang, khi cảm biến được kích hoạt thì cabin sẽ tự động chạy về một tầng nào đó đã được lập trình sẵn và thường là tầng 1.

Những dấu hiệu cho thấy thang máy không an toàn có thể kể đến là thang máy chạy chậm hoặc gây ra tiếng ồn lớn. Lỗi này do hệ thống cáp tải thiếu dầu bôi trơn hoặc nghiêm trọng hơn, có thể một trong số các bộ phận của thang máy đang hư hỏng cần bảo trì, bảo dưỡng. Khi gặp tình trạng thang máy mất tín hiệu điều khiển, hãy lập tức ra khỏi thang máy và báo cho đơn vị vận hành thang.

Khi thang máy thực hiện không đúng yêu cầu, dừng tầng không chính xác thì việc sử dụng thang máy là rất nguy hiểm. Các dấu hiệu nguy hiểm khác là ấn nút không chạy, lỗi liên quan đến đóng, mở cửa không chuẩn có thể do có vật cứng lọt vào khe cửa khiến bộ phận an toàn không cho phép đóng cửa do vướng vật thể... cần phải gọi thợ đến bảo dưỡng.

Làm gì khi thang máy gặp sự cố?

KS Lê Văn Bình, phụ trách kỹ thuật của một công ty kinh doanh về thang máy cho biết, lỗi thang máy bị dừng thường là do mất điện, do lỗi bảng điều khiển, dây cáp, động cơ. Sự cố thang máy đột ngột bị dừng hoạt động có thể gây ra những mối nguy hại khôn lường. Người bị mắc kẹt bên trong, nhất là người già trẻ nhỏ rất dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất bình tĩnh, rất dễ bị chấn thương, thậm chí tử vong.

Sử dụng thang máy an toàn thì người lớn không nên để trẻ nhỏ đi thang máy một mình. Tuyệt đối không để trẻ nghịch ngợm, ấn quá nhiều phím chọn tầng thang máy cùng lúc, dẫn tới lỗi hệ thống kỹ thuật của thang máy.

Khi bị mắc kẹt trong buồng thang máy, cần bình tĩnh, không la hét hoảng loạn. Vì làm như vậy không khí trong buồng thang kín sẽ nhanh chóng trở nên ngột ngạt, do thiếu oxy. Điều này sẽ khiến người già, trẻ nhỏ hay những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu, nguy hiểm đến tính mạng. Ghi nhớ sử dụng nút bấm có hình chuông cảnh báo hay các số điện thoại trên bảng chỉ dẫn để liên lạc với bộ phận kỹ thuật xử lý sự cố hoặc lực lượng cứu hộ.

Tuyệt đối không nên cố mở cửa thang máy để thoát ra ngoài vì rất có thể sẽ làm hư hỏng thêm hệ thống điều khiển thang máy hoặc thang dừng ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng nên khi bước ra ngoài có thể bị hụt hoặc tụt xuống giếng thang, nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp bị kẹt trong buồng thang máy mà không mang điện thoại và thang máy bị mất điện, hãy dùng tay hoặc lấy giày, dép đập vào cửa thang để ra hiệu. Không nên đập quá mạnh hay đạp vào thành hoặc cửa thang máy khiến thang có thể bị trượt, đứt cáp tời, dẫn đến sự cố thang bị rơi tự do. Có thể dùng vật cứng như chìa khóa lách vào cửa thang máy để tạo khe hở cho không khí sạch tràn vào buồng thang, giúp mọi người dễ thở hơn.

Trong trường hợp phát hiện thang máy có dấu hiệu sắp bị rơi tự do, ngay lập tức nên hạ thấp trọng tâm cơ thể bằng cách ngồi thấp xuống mặt sàn, tay giữ chặt vào tay vịn trong buồng cabin thang máy. Vì với tư thế này thì có thể hạn chế được sự va đập giữa cơ thể với buồng thang máy và những người trong thang máy, giảm thiểu chấn thương có thể xảy ra.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-nhan-biet-thang-may-truc-trac-khong-nen-su-dung-169240827130022677.htm