Dấu hiệu nhận biết trầm cảm vị thành niên
Khoảng 50% vấn đề về sức khỏe tâm thần bắt đầu khởi phát từ tuổi 14; và trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở lứa tuổi này.
Thông tin trên được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền đưa ra trong chuỗi hội thảo về "Cha mẹ thời nhiễu động - Canh giữ sức khỏe tâm thần cho con" do Trường Olympia (Hà Nội) tổ chức ngày 15/5.
Hiện nay, trên thế giới ước tính khoảng 13% trẻ 11-19 tuổi phải đương đầu với các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Tại Anh, tỷ lệ trẻ từ 5- 16 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng tăng lên từ 10,8% (2017) lên 16% (2020). Trong hơn hai năm vừa qua, dịch bệnh kéo theo nhiều biến động xã hội, kinh tế, sức khỏe càng khiến cho nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phòng ngừa và chăm sóc cho lứa tuổi trẻ em, vị thành niên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở tuổi vị thành niên, cũng là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tự tử. Hơn 50% số ca tử vong ở vị thanh niên được báo cáo có rối loạn trầm cảm.
Có thể nhận biết trầm cảm qua 4 dấu hiệu: Dấu hiệu về mặt cảm xúc, dấu hiệu về mặt cơ thể, dấu hiệu về hành vi và suy nghĩ.
Về biểu hiện hành vi, dấu hiệu trầm cảm thể hiện qua việc trẻ bị rối loạn ăn uống (ăn không ngon, hoặc ăn quá nhiều); khó khăn trong ra quyết định; thu mình, giảm giao tiếp; rối loạn giấc ngủ; tự làm đau, nghiêm trọng nhất là tự sát; giảm hoặc mất khả năng chăm sóc; khóc không có lý do; giảm sự hứng thú, quan tâm; chán học, nghỉ học nhiều.
Biểu hiện cơ thể trầm cảm là mệt mỏi, thiếu năng lượng; giảm hoặc tăng cân đáng kể; đau, nhức mỏi; di chuyển và ngôn ngữ chậm; cảm giác chân tay nặng nề.
Biểu hiện cảm xúc: Thay đổi cảm xúc đột ngột; không có khả năng cảm thấy vui vẻ; ủ rủ, buồn bã; cáu kỉnh, tức giận..
Dấu hiệu về mặt suy nghĩ: Trẻ bi quan, cảm thấy kém giá trị và vô dụng; ảo giác và ảo tưởng; có suy nghĩ tự sát và về cái chết.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền cũng đưa ra thông tin về nhóm trẻ có nguy cơ tự sát, bao gồm: trẻ cảm giác đau khổ, khó chịu hoặc kích động; cảm giác vô vọng và vô giá trị thường xuyên đi kèm; có một nỗ lực tự sát trước đó; tiền sử gia đình bị trầm cảm hoặc tự tử; bị lạm dụng thể chất, tình cảm hay tình dục; trẻ thiếu mạng lưới hỗ trợ, mối quan hệ kém với cha mẹ hoặc bạn bè đồng trang lứa, và cảm giác bị xã hội cô lập; phải đấu tranh với bản thân dạng giới và/hoặc tình dục trong một gia đình hoặc cộng đồng không được ủng hộ; thanh thiếu niên trải qua những thay đổi lớn trong cuộc sống.
Có thể phát hiện dấu hiệu cảnh báo về việc tự sát của trẻ thông qua việc: trẻ nói chuyện về tự tử hoặc cái chết; đưa ra gợi ý rằng con có thể không còn ở đây nữa; nói về cảm giác tuyệt vọng hoặc cảm giác tội lỗi; tách khỏi bạn bè hoặc gia đình; viết các bài hát, bài thơ hoặc bức thư về cái chết, sự chia ly và mất mát; bắt đầu cho đi tài sản quý giá cho anh chị em hoặc bạn bè; mất ham muốn tham gia vào những việc hoặc hoạt động yêu thích; khó tập trung hoặc khó suy nghĩ rõ ràng; có những thay đổi trong thói quen ăn uống ngủ nghỉ; tham gia vào các hành vi nguy cơ; mất hứng thú với trường học hoặc thể thao.
Để phòng ngừa việc tự tử xảy ra, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, trước hết cần nhận diện được các dấu hiệu đau khổ và sự thay đổi hành vi của trẻ. Cùng với đó, thực hiện di rời các vật trẻ có thể sử dụng để làm hại bản thân; không để trẻ ở một mình mà cần ở cạnh và lắng nghe trẻ; trò chuyện thẳng thắn về tự sát; luôn đề nghị được giúp đỡ và hỗ trợ trẻ.
“Hãy nhớ thông điệp: Chắc chắn cảm giác muốn tự sát sẽ qua đi và luôn khuyến khích trẻ tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ khi con bị trầm cảm? Trả lời câu hỏi này, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, đầu tiên cha mẹ cần có hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Việc cha mẹ mang lại sự ấm áp, quan tâm và hỗ trợ liên tục với trẻ cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ cũng cần dạy và làm mẫu các kỹ năng xã hội, tình cảm; hành động để thay đổi môi trường học tập; khuyến khích các mối quan hệ đồng đẳng tích cực và khuyến khích trẻ tìm kiếm mục đích sống.
Ngoài ra, cha mẹ cần thúc đẩy con tham gia các hoạt động như: chơi thể thao, làm những thứ mình thích, ra ngoài trời, nói chuyện, không dùng chất kích thích, duy trì lịch ngủ đều đặn, đầy đủ, học các chiến lược ứng phó tích cực, học những điều mới, hoạt động sáng tạo, …
Trước câu hỏi bố mẹ nên ứng xử thế nào trước thông tin vụ việc tự sát mà trẻ có thể biết? Câu trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền là nên cởi mở trò chuyện về vấn đề này, nhưng chỉ xung quanh suy nghĩ, cảm nhận của con và việc làm sao để thoát khỏi nếu có suy nghĩ muốn tự tử; tuyệt đối không phán xét về cái chết đó.
Trường hợp con dùng việc tự tử để tạo áp lực cho cha mẹ với mục đích để cha mẹ đáp ứng một nhu cầu nào đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, cha mẹ nên bàn, nói chuyện về nhu cầu của trẻ trên cơ sở tôn trọng, không phủ nhận, để làm sao thuận tình cả hai phía.
Cùng với chủ đề “Trầm cảm vị thành niên”, chuỗi hội thảo tại Trường Olympia còn đề cập đến hai nội dung được cha mẹ học sinh quan tâm khác, đó là: an toàn cảm xúc; giao tiếp tích cực với cha mẹ - con cái. Diễn giả cho mỗi chủ đề là thầy cô được đào tạo bài bản về tâm lý học lâm sàng, xã hội học, giáo dục học… Chuỗi hội thảo mong muốn mở ra những trao đổi chân thật, hữu ích, dựa trên các căn cứ khoa học cập nhật về sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền được đào tạo bài bản về chuyên ngành Tâm lý học tại Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội; sau đó học cao học và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội về tâm lý chuyên ngành Lâm sàng. Tiến sĩ Hiền là 1 trong 15 thạc sĩ tâm lý lâm sàng đầu tiên và là 1 trong 4 nghiên cứu sinh đầu tiên người Việt Nam được Chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Tâm lý lâm sàng giữa Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ tài trợ làm nghiên cứu sinh.
Hải Bình