Dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn ở trẻ và thời gian vàng để bảo tồn
Gia đình thì thấy con kêu đau, quấy khóc nhiều, vùng bìu sưng đỏ nên đưa tới BV thăm khám. Tại đây, bác sĩ xác định trẻ bị xoắn tinh hoàn trái. Bác sĩ cho biết, thời gian vàng để bảo tồn tinh hoàn là 6 tiếng, kể từ khi có dấu hiệu đau cấp tính.
Bé 3 tuổi bị xoắn tinh hoàn
Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại (BV Sản Nhi tỉnh Bắc Giang) đã phẫu thuật bảo tồn thành công tinh hoàn bị xoắn cho bé trai H.N.P. (3 tuổi, trú tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Gia đình cho biết, trước khi nhập viện 2 ngày thấy con kêu đau vùng bìu. Gia đình kiểm tra không thấy có gì bất thường, nên cho rằng có thể con mải chơi bị ngã nên đau. Đến ngày thứ ba, gia đình thì thấy con kêu đau nhiều hơn, quấy khóc, kiểm tra thấy vùng bìu sưng đỏ nên gia đình đưa bé tới BV thăm khám.
Tại Phòng khám Ngoại khoa của BV, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy vùng bìu trái của bé P. sưng to nề tím, sờ nắn tinh hoàn trái thấy to hơn tinh hoàn phải, đau. Tinh hoàn phải nằm trong bìu, không sưng, không viêm. Kết hợp với kết quả siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị Hội chứng bìu cấp và được nhập viện để điều trị.
Ngay sau khi được đưa vào điều trị nội trú, bác sĩ CKI Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại đã trực tiếp khám cho cháu P. Các bác sĩ đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán trẻ bị xoắn tinh hoàn trái và chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật cho trẻ, các bác sĩ nhận thấy màng tinh hoàn trào ra nhiều máu đen. Sau khi thấm hút hết máu đen, kiểm tra thấy cuống tinh hoàn trái xoắn 2 vòng khiến tinh hoàn chuyển màu đen tím sẫm. Kíp phẫu thuật liền tiến hành tháo xoắn và đắp gạc huyết thanh ấm. Sau khoảng 30 phút thấy tinh hoàn trái có dấu hiệu hồi phục (chuyển màu hồng hơn), tiên lượng có thể bảo tồn được nên các bác sĩ đã khâu cố định tinh hoàn trái vào cơ Dartos và cố định thêm tinh hoàn bên phải để đề phòng nguy cơ có thể bị xoắn sau này.
Sau gần 1 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Sau 7 ngày, kết quả siêu âm tinh hoàn cho trẻ nhận thấy tinh hoàn trái tăng tưới máu. Sau 9 ngày được điều trị ổn định, trẻ khỏe mạnh xuất viện về nhà với gia đình.
BV cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận một số trẻ bị xoắn tinh hoàn. Trong đó, trường hợp nhỏ tuổi nhất là bé sơ sinh 7 ngày tuổi, đã được thực hiện phẫu thuật tháo xoắn bảo tồn tinh hoàn thành công. Bên cạnh đó, mỗi năm các bác sĩ Khoa Ngoại cũng phẫu thuật thành công cho hàng trăm trường hợp trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên bị ẩn tinh hoàn.
Thời gian vàng để cấp cứu
Theo các bác sĩ, sưng đau vùng bìu cấp ở trẻ em khá thường gặp và do nhiều nguyên nhân khác nhau như xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt… nhưng cần cảnh giác với xoắn tinh hoàn – bệnh lý cấp cứu ngoại khoa chiếm khoảng 17% trường hợp đau bìu cấp tính ở trẻ em.
Bác sĩ Phạm Văn Đại cho biết, xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.
Xoắn tinh hoàn có các biểu hiện cấp tính như: Đau dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc hai bên bìu, một số trẻ có kèm theo đau bụng dưới, buồn nôn và nôn (trẻ sơ sinh chỉ có quấy khóc, bỏ bú, phù nề và đỏ da bìu); Trẻ đau, sưng vùng nếp bẹn bên không có tinh hoàn kèm đau vùng bụng dưới (ở bệnh nhi tinh hoàn ẩn). Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì bìu sưng tím và rất đau. "Thời gian vàng" để bảo tồn được tinh hoàn thường là trước 6 tiếng kể từ khi có triệu chứng đau cấp tính. Do vậy, bệnh nhi cần phải được phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn càng sớm càng tốt để bảo tồn tinh hoàn.
Bác sĩ Đại khuyến cáo, các bậc phụ huynh hoặc người giám hộ khi thấy trẻ bị đau ở vùng bìu (ngay cả khi chưa có hiện tượng sưng đỏ, tím) thì cần phải đưa trẻ tới BV chuyên khoa Nhi để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bởi nếu tinh hoàn bị xoắn 2 vòng mà không được phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn sớm thì chỉ sau 6 tiếng là có thể bị hoại tử buộc phải cắt bỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ.