Dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét
Nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức 'ổn định' và 'tích cực'. Cùng với đó, số liệu thống kê cho thấy, kinh tế 8 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KH&ĐT) cho biết, kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước do thời điểm tháng 8/2021 nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đó, ấn tượng là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Về ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng cao, ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%;..
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại quy mô so với năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Hương, dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét khi xuất khẩu (XK) 8 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao, số mặt hàng XK tỷ USD giữ vững đà tăng trưởng giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn…
Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua, cùng với đó, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng tăng cao, cả nước có 101,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.136,3 nghìn tỷ đồng; Số DN tham gia thị trường 8 tháng năm 2022 đạt 149,5 nghìn DN, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 18.700 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn DN, tăng 22%.
Về việc vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh, TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài không khai thác và chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước mà vẫn tiến hành tái đầu tư, mở rộng đầu tư kinh doanh được Việt Nam. Vốn đầu tư tăng thêm tăng mạnh cũng có thể do, việc mở rộng đầu tư của các DN FDI thường được thực hiện nhanh hơn dự án đầu tư đăng ký mới, nên nhà đầu tư nước ngoài chọn cách đầu tư này. Đây cũng là triển vọng tốt cho thu hút đầu tư của Việt Nam trong năm 2023.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI, với các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II và các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh đang nhanh chóng phục hồi. Điều này, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế với sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng DN Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, kịch bản điều hành năm 2022 sẽ hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Trong những tháng cuối năm tập trung tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.