Dấu hiệu sinh học tiềm năng được phát hiện trên ngoại hành tinh K2-18 b

Kính viễn vọng không gian James Webb lần đầu ghi nhận sự hiện diện của hợp chất hữu cơ gắn liền với sự sống trong khí quyển ngoại hành tinh K2-18 b, mở ra bước tiến lớn trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Hình ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào ngày 17/4, theo thông tin từ CNN và Reuters, các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện các dấu hiệu hóa học trong khí quyển của ngoại hành tinh K2-18 b nhờ dữ liệu thu thập bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST).

Khám phá mới này được coi là chỉ dấu sinh học tiềm năng rõ rệt nhất từng ghi nhận bên ngoài hệ Mặt trời, thể hiện một bước tiến vượt bậc trong hành trình khám phá sự sống ngoài Trái Đất.

Thông qua phân tích quang phổ, các nhà khoa học đã phát hiện hai hợp chất hữu cơ dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) – những phân tử chỉ được tạo ra trên Trái Đất thông qua hoạt động của các vi sinh vật biển như phiêu sinh thực vật. Đây là lần đầu tiên các hợp chất trên được phát hiện với độ chính xác cao trong bầu khí quyển của một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là một tín hiệu sinh học tiềm năng và chưa đủ cơ sở để kết luận có sự sống ngoài hành tinh.

Nằm cách Trái Đất khoảng 124 năm ánh sáng, ngoại hành tinh K2-18 b thuộc chòm sao Sư Tử (Leo), nơi có thể quan sát rõ ràng vào ban đêm. Hành tinh này có khối lượng lớn hơn Trái Đất khoảng 8,6 lần và đường kính lớn hơn khoảng 2,6 lần. K2-18 b quay quanh một sao lùn đỏ trong vùng được gọi là “vùng có thể sinh sống”, nơi nhiệt độ cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt.

Các nhà khoa học xếp K2-18 b vào nhóm hành tinh hycean – loại hành tinh được bao phủ bởi đại dương nước lỏng phía dưới lớp khí quyển giàu hydro, được đánh giá là có điều kiện hỗ trợ sự sống vi sinh vật. Trước đó, kính viễn vọng James Webb cũng từng phát hiện sự hiện diện của methane và carbon dioxide trong khí quyển K2-18 b – những hợp chất hữu cơ có liên quan đến hoạt động sinh học trên Trái Đất.

Nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan thuộc Đại học Cambridge, người dẫn đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, khẳng định rằng “xác suất thống kê phát hiện hai hợp chất DMS và DMDS trong khí quyển K2-18 b lên tới 99,7%”. Dù vậy, ông cho biết cần tiến hành các quan sát độc lập và lặp lại để kiểm chứng kết quả, đồng thời loại trừ khả năng các hợp chất này hình thành từ quá trình hóa học không liên quan đến sinh học.

Cũng theo Madhusudhan, nồng độ DMS và DMDS được phát hiện trên K2-18 b cao hơn hàng nghìn lần so với Trái Đất và hiện tại chưa có mô hình phi sinh học nào giải thích được sự hiện diện của chúng trong điều kiện khí quyển như vậy.

Dữ liệu quan sát của JWST được thu thập thông qua kỹ thuật quang phổ truyền qua – một phương pháp theo dõi sự thay đổi phổ ánh sáng khi hành tinh đi ngang qua phía trước ngôi sao chủ theo hướng nhìn từ Trái Đất. Các công cụ NIRISS và NIRSpec trên kính viễn vọng đã phát hiện các tín hiệu đặc trưng của methane, carbon dioxide và DMS trong khí quyển hành tinh này.
Ngoại hành tinh K2-18 b được xếp vào loại “sub-Neptune” – có kích thước lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương, vốn là loại hành tinh ngoài hệ Mặt trời phổ biến nhất kể từ thập niên 1990.
Theo ông Nikku Madhusudhan, việc phát hiện chỉ dấu sinh học trên K2-18 b đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực sinh học vũ trụ. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng “việc xác định sự sống ngoài Trái Đất cần dựa trên bằng chứng nhất quán, được lặp lại và kiểm chứng bởi các thiết bị cũng như mô hình khoa học độc lập”.

Cao Thông (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/dau-hieu-sinh-hoc-tiem-nang-duoc-phat-hien-tren-ngoai-hanh-tinh-k2-18-b/20250418095802385