Dấu hiệu TQ đang 'hụt hơi' trong thương chiến với Mỹ

Trung Quốc có thể đã thua trong thương chiến, cho dù 'quốc gia tỷ dân' chưa từng thừa nhận điều này, nhưng những dấu hiệu thua cuộc đang dần hiện rõ hơn.

Hãng Reuters trích dẫn báo cáo từ dữ liệu Chính phủ Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế nước này đã trở nên xấu hơn trong tháng 8/2019, khi “chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp nhất trong gần 18 năm qua, trong bối cảnh thiệt hại do thương chiến giữa nước này và Mỹ đang dần lan rộng, và làm giảm nhu cầu nội địa. Chỉ số bán lẻ và các mức đầu tư cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực”.

Bắc Kinh khẳng định nước này sẽ vẫn đạt được mức phát triển kinh tế trong khoảng 6-6,5%. Nhưng theo giới phân tích, thông báo của Chính phủ Trung Quốc chỉ là ‘bề nổi’, còn trên thực tế tình hình kinh tế ‘quốc gia tỷ dân’ đang cực kỳ tồi tệ.

Theo Foxnews, tình hình kinh tế Trung Quốc đang cực kỳ tồi tệ

Theo Foxnews, tình hình kinh tế Trung Quốc đang cực kỳ tồi tệ

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Brookings dự đoán, mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế chỉ tăng mỗi năm 2% từ năm 2008-2016. Ngoài ra, mức tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc gần chục năm nay không hề đạt được mức 6%. Đồng thời, độ lớn của nền kinh tế nước này khoảng 10.900 tỷ USD, thấp hơn 18% so với mức công bố 13.400 tỷ USD hồi năm 2018.

Những đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào nền kinh tế Trung Quốc đang gây ra nhiều tiêu cực. Các mức thuế không chỉ khiến Washington giảm nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Kinh, mà còn buộc nhiều công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh từng hy vọng những nỗ lực của họ, trong đó có cắt giảm thuế và các quỹ tín dụng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp, sẽ làm giảm hoặc thậm chí loại bỏ những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, song những chính sách này không phát huy đủ hiệu quả để làm giảm tác động tiêu cực từ thương chiến.

Ngoài ra, lá bài ‘người tiêu dùng’ của chính quyền Trung Quốc nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng không thể phát huy được hiệu quả bởi giá thịt lợn nước này đang tăng cao. Thịt lợn là một thực phẩm không thể thiếu với các gia đình tại Trung Quốc, và từ khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, chính quyền Bắc Kinh đã áp mức thuế cao hơn với hàng nông sản Mỹ, nhất là mức thuế thịt lợn Mỹ nhập khẩu đã tăng từ 12% lên mức 62%.

Trung Quốc hy vọng với mức thuế trên sẽ gây tổn hại tới người nông dân Mỹ, qua đó sẽ tạo ra áp lực buộc Tổng thống Trump phải lùi bước. Tuy nhiên, chiến lược này của Bắc Kinh đã thất bại bởi hai lý do.

Giá thịt lợn tăng cao đang gây ra nhiều tiêu cực cho nền kinh tế TQ

Giá thịt lợn tăng cao đang gây ra nhiều tiêu cực cho nền kinh tế TQ

Thứ nhất, trong khi nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến, thì trớ trêu thay khi sự ủng hộ của họ dành cho ông Trump lại tăng lên. Báo cáo từ hãng tin Bloomberg cho thấy, “khoảng 67% nông dân Mỹ được hỏi cho biết, họ sẽ ủng hộ ông Trump trong quá trình tái tranh cử tổng thống năm 2020”.

Thứ hai, nền công nghiệp chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang chịu thiệt hại lớn nhất trong nhiều năm qua do dịch tả lợn châu Phi. Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm chống lại dịch bệnh nhưng không có hiệu quả. Theo nhiều dự đoán, tới cuối năm nay Trung Quốc sẽ mất nửa số lợn trong cả nước. Giá thịt lợn cũng tăng 46% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, và một số chuyên gia dự đoán giá thịt lợn sẽ tăng lên 80% vào cuối năm nay.

Giá thịt lợn tăng cũng sẽ kéo theo giá của các loại thịt khác tăng theo, và làm tăng áp lực lạm phát lên toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Đồng thời khiến cho người tiêu dùng của ‘quốc gia tỷ dân’ ngần ngại dốc túi tiền ra để mua sắm.

Động thái gần đây nhất của chính quyền Bắc Kinh, khi ngừng áp thuế mới lên hàng nông sản Mỹ, trong đó có đậu nành và thịt lợn, được coi như ‘cử chỉ thiện chí’ cho cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn ra trong tháng 10 tới. Tuy nhiên theo nhận định của bà Helen Raleigh thuộc Foxnews, động thái trên dường như là nỗ lực tuyệt vọng của Trung Quốc nhằm phục vụ nhu cầu thịt lợn trong nước. Bởi cho dù sản lượng của tất cả các nước xuất khẩu thịt khác cũng không thể phục vụ đủ nhu cầu thịt lợn của ‘quốc gia tỷ dân’, và Trung Quốc cần tới thịt lợn từ Mỹ.

Trung Quốc ngừng áp thuế lên nông sản Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành.

Trung Quốc ngừng áp thuế lên nông sản Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành.

Còn trong trường hợp Trung Quốc mong rằng ông Trump sẽ thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, thì nước này cũng nên ngừng mong chờ tình huống đó. Lý do đơn giản vì trong tất cả ứng viên tranh cử của Đảng Dân chủ thì lại chẳng có ai có ý định dỡ bỏ các mức áp thuế của ông Trump. Chưa kể nếu ông Trump có thua cuộc, thì ông chủ mới của Nhà Trắng cũng chưa chắc sẽ thân thiện với Bắc Kinh.

Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại trong tháng 10 tới, và Bắc Kinh vẫn sẽ tỏ ra cứng rắn trong những cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, những hành động cứng rắn đấy khó có thể che dấu một thực tế rằng, Trung Quốc có thể đã thua trong chiến tranh thương mại với Mỹ.

Video tự tạo của bài

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/he-lo-dau-hieu-tq-dang-hut-hoi-trong-thuong-chien-voi-my-570207.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong7