Dấu hiệu trẻ phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu như ở miệng có cảm giác tê quanh môi, lưỡi; ở da có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái…phụ huynh hãy cho con vào viện.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên toàn quốc. Loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em nhóm tuổi này là vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech, Hoa Kỳ sản xuất.
Đây là loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo an toàn để tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi. Hiện nay, nhiều nước trên Thế giới cũng sử dụng vắc xin này tiêm chủng cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi như Hoa Kỳ, Canada, EU, Nhật Bản...
Vắc xin Pfizer tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi với liều lượng, đường tiêm, khoảng cách tiêm giống như với người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 -28 ngày). Mỗi mũi tiêm 0,3ml, tiêm bắp.
Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm:
Phụ huynh phải giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin Covid-19, cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm. Đồng thời, cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm. Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin Covid-19, hãy ký xác nhận Phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng.
Trước khi đưa trẻ đến điểm tiêm, phụ huynh khai báo y tế theo quy định và bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.
Nếu cha mẹ đi cùng trẻ đến điểm tiêm vắc xin, hãy động viên và cùng với trẻ thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.
Sau khi tiêm, phụ huynh động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm. Sau khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, gia đình hãy chú trọng theo dõi các dấu hiệu sau đây:
Tự theo dõi sức khỏe sau khi tiêm phòng Covid-19. Thời gian tự theo dõi là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Khi thấy một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh hãy liên hệ ngay với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp).
1) Ở miệng: thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
2) Ở da: thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
3) Ở họng: có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
4) Về thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
5) Về tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
6) Đường tiêu hóa: có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
7) Đường hô hấp: có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
Toàn thân:
a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.
b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng Covid-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia và các chất kích thích, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin. Đồng thời, gia đình bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, trẻ được tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Gia đình thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu trẻ không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, phụ huynh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)