Đâu là điểm cốt lõi phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Tăng công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Xác định điểm cốt lõi. ẢNh minh họa: TTXVN
Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng thương mại từng bước giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp để bổ sung nguồn vốn, cấu trúc lại tài chính.
Tuy nhiên, hiện có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng, làm tăng rủi ro cho chính doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc tăng tính công khai, minh bạch trong phát hành, niêm yết trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính - Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018.
Trong những năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển tích cực. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1191/QĐ - TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu tại Quyết định số 1191 là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, số lượng các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường trái phiếu tăng lên là tín hiệu tốt để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng ngân hàng tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng thương mại từng bước giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Dù vậy, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (20 - 50% GDP).
Bên cạnh đó, so với quy mô của thị trường tín dụng ngân hàng, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ và có sự chênh lệch, điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.
Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tiếp đến là nhóm bất động sản, xây dựng, hạ tầng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản khiến kênh phát hành trái phiếu trở nên quan trọng để doanh nghiệp bất động sản bổ sung nguồn vốn, cấu trúc lại tài chính.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là có những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất tới 14,5%, gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng để hấp dẫn những người có dư tiền. Việc này đã làm tăng rủi ro cho chính những doanh nghiệp đó và nhà đầu tư.
Ông Châu khuyến nghị nhà đầu tư phải đặc biệt coi trọng tính khả thi các dự án của doanh nghiệp bằng cách căn cứ vào uy tín của chủ đầu tư, bản cáo bạch của doanh nghiệp định kỳ trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điểm thông thoáng hơn. Đặc biệt là quy định doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước đó đã tạo động lực cho các doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, điều này có rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp nếu không tìm hiểu kỹ.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho biết, để tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tại Nghị định 163/2018/NĐ - CP của Chính phủ (Nghị định 163) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định theo hướng tăng cường cơ chế công bố thông tin.
Trước đây, doanh nghiệp phát hành chỉ cần công bố thông tin trước phát hành và công bố thông tin kết quả phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 163, doanh nghiệp phải công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin của HNX, gồm công bố thông tin trước khi phát hành, thông tin về kết quả phát hành, thông tin định kỳ và thông tin bất thường. HNX là đơn vị được giao vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.
Việc công bố thông tin đối với phát hành riêng lẻ chỉ trong phạm vi trực tiếp cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định của pháp luật. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải công bố thông tin rộng rãi ra công chúng thông qua bản cáo bạch.
Ông Dương cho rằng, quy định về công bố thông tin đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định 163 phù hợp thông lệ quốc tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Về loại hình trái phiếu, tại Nghị định 163 quy định rõ đối với trái phiếu không chuyển đổi gồm có trái phiếu có bảo đảm hoặc không bảo đảm; đối với trái phiếu chuyển đổi gồm trái phiếu có bảo đảm hoặc không có bảo đảm, trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, tùy thuộc vào yêu cầu huy động vốn và nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành có thể lựa chọn phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, dù lựa chọn loại hình trái phiếu nào để huy động vốn, doanh nghiệp phát hành cũng phải công bố thông tin đầy đủ về tình hình tài chính, các điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu, quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Để cảnh báo về rủi ro cho nhà đầu tư đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, tại Nghị định 163 đã quy định phân biệt giữa phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Trong thời gian tới, tại Luật Chứng khoán sửa đổi đang trình Quốc hội có quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đồng thời định hướng việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp (có kinh nghiệm và kiến thức đầu tư hoặc có năng lực về tài chính) như thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang rà soát để chuẩn hóa các điều kiện và quy trình phát hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian phê duyệt việc phát hành ra công chúng.
Luật Chứng khoán sửa đổi quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm. Quy định này sẽ thúc đẩy việc thành lập và cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 1 công ty định mức tín nhiệm.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xem xét một số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ này. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang làm việc với các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín trên thế giới để khuyến khích họ tham gia vào thị trường Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu về mô hình của thị trường thứ cấp để tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khuyến khích các Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cũng như các loại hình quỹ đầu tư đầu tư khác (quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư trái phiếu...) tham gia đầu tư trên thị trường thông qua cải tiến về quy trình và thủ tục đầu tư./.