Đâu là giải pháp kiến trúc tốt nhất để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam?
Hiện nay, ngành Xây dựng đang sử dụng năng lượng nhiều nhất và các công trình xây dựng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình này. Chính vì thế, các giải pháp quy hoạch – kiến trúc sẽ đóng vai trò rất quan trọng giúp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.
2 giải pháp thiết kế để sử dụng hiệu quả năng lượng
Trên thực tế, việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ phải thực hiện ngay từ khâu sản xuất vật liệu xây dựng sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng, đặc biệt là năng lượng tự nhiên. Trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp để hạn chế tiêu thụ các dạng năng lượng nhân tạo. Hiện nay, các giải pháp thiết kế để công trình sử dụng năng lượng hiệu quả có thể chia thành 2 nhóm, đó là thiết kế thụ động và thiết kế chủ động.
Trong đó, các giải pháp thiết kế thụ động là thiết kế thích ứng với điều kiện tự nhiên nhằm tạo ra các không gian lấy gió, lấy ánh sáng tự nhiên, làm mát bằng hơi nước, hoặc xây dựng các lớp vỏ bao che để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm thiểu hấp thụ nhiệt… Những giải pháp này sẽ thiên về các phương án quy hoạch và kiến trúc hòa hợp với điều kiện tự nhiên. Mặc dù, Việt Nam có nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Chính vì thế, một nguyên lý thiết kế chung ở nước ta là kiến trúc phải có độ thông thoáng, thông gió tự nhiên để thoát nhiệt và hạn chế sử dụng các thiết bị làm mát nhân tạo như điều hòa không khí.
Còn với giải pháp thiết kế chủ động, con người sẽ làm chủ việc sử dụng hiệu quả năng lượng bằng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Một trong những giải pháp thiết kế chủ động phổ biến nhất ở Việt Nam là sử dụng máy điều hòa không khí. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều điều hòa không khí và các thiết bị làm mát cũng đồng nghĩa với việc gia tăng phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính ra ngoài môi trường.
Công trình ở Việt Nam cần kết hợp thực hiện 2 giải pháp
Một trong những sự khác biệt lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình thiết kế chính là khí hậu. Nước ta có khí hậu nhiệt đới khác với khí hậu ôn đới và càng khác xa khí hậu hàn đới. Tại các nước có khí hậu lạnh khô, các giải pháp thiết kế không gian thông thoáng để thoát nhiệt sẽ không quan trọng như Việt Nam. Nếu như công trình xây dựng ở các quốc gia này ưu tiên không gian kín, thì công trình ở nước ta cần phải có không gian nửa hở, nửa kín để tạo ra sự thông thoáng và đối lưu để thoát nhiệt.
Theo quan điểm của TS.KTS Nguyễn Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng ở nước ta nên ưu tiên áp dụng các phương án thiết kế thụ động nhiều hơn. Đó là phương án có tính kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các công trình xây dựng ở Việt Nam đang chủ yếu sử dụng các phương án thiết kế chủ động. Những công nghệ hiện đại đang đáp ứng rất tốt nhu cầu điều hòa không khí tại một quốc gia có khí hậu nóng, ẩm như nước ta. Do đó, khi người dân có điều kiện tài chính, họ sẽ lựa chọn sử dụng các thiết bị làm mát hiện đại nhằm ngay lập tức thỏa mãn các nhu cầu của bản thân.
Thực tế cho thấy, ở một số khu vực có mật độ dân số không cao và khí hậu cũng không quá nóng, nhưng người dân vẫn có xu hướng sử dụng điều hòa không khí vì sự tiện lợi mà thiết bị này mang lại. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan cũng đang gây lãng phí năng lượng rất lớn và nghiêm trọng hơn là đe dọa phá hủy môi trường sống trong ngôi nhà chung của cả thế giới.
Nói tóm lại, các công trình ở Việt Nam đang có xu hướng sử dụng các phương án thiết kế chủ động nhiều hơn. Nhưng việc lạm dụng giải pháp này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh. Chính vì thế, các công trình xây dựng ở nước ta nên ưu tiên thực hiện các giải pháp thiết kế thụ động, đồng thời kết hợp cả 2 giải pháp để thực sự sử dụng năng lượng hiệu quả nhất, nhưng vẫn đảm bảo các tiện ích trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Việt Nam rất cần có sự đầu tư tuần tự từ hệ thống Luật cho đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy quá trình tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các công trình xây dựng. Chính phủ và các Bộ, ngành cần chỉ rõ lợi ích khi của việc sử dụng hiệu quả năng lượng để người dân và các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình tiết kiệm năng lượng.