Đâu là lý do khiến giá cà phê được kỳ vọng tiếp tục đứng ở mức cao?

Tồn kho ở mức thấp, dự báo niên vụ tới sản lượng giảm mạnh, những lo ngại dai dẳng về nguồn cung khiến giá cà phê được kỳ vọng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

Vì sao giá cà phê trong nước chưa về mức đỉnh?

Dù giá cà phê tăng nhẹ nhưng vẫn loanh quanh khoảng 127.000 - 127.600 đồng/kg tương đương với 5.040 USD/tấn. So với mức giá đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 4/2024 là 135.000 đồng/kg thì giá cà phê hiện nay chỉ còn kém chưa đến 10.000 đồng/kg.

Đâu là lý do khiến giá cà phê được kỳ vọng tiếp tục đứng ở mức cao?

Đâu là lý do khiến giá cà phê được kỳ vọng tiếp tục đứng ở mức cao?

Trong khi giá cà phê trong nước tăng/giảm không đồng nhất và chưa bật lên trên mức cao kỷ lục hồi cuối tháng 4 thì từ đầu tháng 7/2024 đến nay, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tăng mạnh trở lại do lo ngại điều kiện khô hạn hơn bình thường có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê của Brazil và Việt Nam.

Giá cà phê Robusta trên sàn London ngày 22/7/2024 kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 4.530 USD/tấn (tăng 51 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 4.355 USD/tấn (tăng 38 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 là 4.164 USD/tấn (tăng 25 USD/tấn) và kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 là 4.002 USD/tấn (tăng 7 USD/tấn).

Theo một số doanh nghiệp, hiện sản lượng cà phê không có nhiều, chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa. Các doanh nghiệp lớn không dám mạo hiểm ký hợp đồng mới khi giá cả liên tục biến động mạnh cùng với đó là việc vận chuyển khó khăn do cước tàu biển tăng.

Nguồn cung thấp tiếp tục hỗ trợ giá bán

Theo Tổ chức Nghiên cứu cà phê thế giới của NGO (Tổ chức Phi chính phủ), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê Robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040.

Trong khi đó, mặc dù số liệu công bố cho thấy xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi tăng đáng kể, nhưng số lượng khá thấp so với tổng thể toàn cầu. Do đó, diễn biến về sản lượng và xuất khẩu từ châu Phi ít tác động đến thế giới.

Theo báo cáo của Công ty Safras & Mercado (Công ty tư vấn về hàng hóa nông sản), vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/2025 của Brazil đã hoàn thành 58%, nhanh hơn mức 52% cùng thời điểm năm ngoái và nhanh hơn mức trung bình 5 năm là 54%. Tiến độ thu hoạch cà phê tăng chưa làm ảnh hưởng lớn giá cả của loại cà phê Arabica. Trong khi đó, sự mạnh lên của đồng Real Brazil so với đồng USD đã hạn chế người trồng cà phê nước này bán ra, tác động tích cực lên giá cà phê.

Công ty rang xay cà phê Luigi Lavazza SpA cũng đưa ra dự báo về một đợt thiếu hụt sản lượng nữa ở Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, thúc đẩy giá tăng vọt đối với loại hạt cà phê này.

“Vụ thu hoạch kém năm nay đã khiến những người rang xay phải trả giá cao hơn giá tương lai tới 1.000 USD/tấn cho hạt cà phê Việt Nam. Điều này chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê. Và điều rất đặc biệt là hiệu ứng giá cà phê tăng đang kéo dài ra”, Luigi Lavazza SpA cho biết thêm.

Còn theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê Robusta vụ 2023/2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024/2025 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,40 đến 22,70 triệu bao. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao.

Tính trong quý II/2024, giá cà phê trong nước giảm khoảng 10%. Các chuyên gia cho rằng giá cà phê nội địa sẽ quay trở lại đà tăng trong bối cảnh thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng tới năng suất cây cà phê.

Một thông tin đáng chú ý khác đó là, kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, tương đương 86% sản lượng vào khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11 năm nay. Điều này đồng nghĩa, xuất khẩu cà phê trong những tháng tới sẽ giảm mạnh do không còn hàng tồn kho để bán. Việc này cũng ủng hộ cho đà tăng giá cà phê trong thời gian tới.

Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới

Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới

Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, giá cà phê tăng cao là do sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm. Với diễn biến tích cực về giá cà phê thế giới tăng, ngành xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội.

Thứ nhất, giá cà phê tăng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ chế biến, và đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng giá trị gia tăng. Tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê hạt rang, cà phê tỏa hương, cà phê túi lọc để tăng giá trị xuất khẩu.

Thứ hai, giá cà phê tăng cao cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm và khai thác thêm nguồn nguyên liệu từ nông dân. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh nguồn cung cà phê toàn cầu bị thắt chặt.

Giá cà phê tăng cao không chỉ mang lại lợi ích mà còn đặt ra nhiều thách thức. Giá cà phê cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí nguyên liệu đầu vào. Điều này sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp nếu không thể điều chỉnh giá bán phù hợp. Giá cà phê biến động mạnh cũng sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp, khiến cho việc lập kế hoạch và dự báo trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ tăng giá, vẫn có những nhận định ngược chiều. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tình hình cung – cầu cà phê khá hơn trong niên vụ mới với sản lượng toàn cầu ước chừng 176,13 triệu bao, tăng 4,2% so với niên vụ 2023 - 2024. Trong đó Arabica đạt 99,8 triệu bao, tăng 4,4% và Robusta 76,3 triệu bao, tăng 3,9%, tổng lượng xuất khẩu khoảng 123,1 triệu bao.

Mặt khác, do tác động của yếu tố đầu tư từ các Quỹ đầu tư tài chính lớnvàocác sàn thương phẩm hàng hóa, trong đó có cà phê thúc đẩy giá tăng. Bức tranh cung cầu cà phê cho niên vụ cả cũ lẫn mới là tương đối khả quan và thậm chí còn bất lợi cho giá cà phê trên thị trường. Cần cẩn trọng trong giao dịch bởi khi giá cà phê quay đầu thì sẽ tác động đến cả giới đầu tư và doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc giá cà phê tăng cao còn tạo áp lực lên người tiêu dùng và các nhà rang xay. Mặc dù giá cà phê tăng mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, nhưng cũng cần cân nhắc đến việc đảm bảo giá bán lẻ không tăng quá cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối cùng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-la-ly-do-khien-gia-ca-phe-duoc-ky-vong-tiep-tuc-dung-o-muc-cao-333946.html