Đâu là sứ mệnh đích thực của châu Âu?
Eo biển huyết mạch Hormuz lại dậy sóng. Nhưng, khác với những lần trong quá khứ, lần này, những ý tưởng mà nước Mỹ đưa ra dường như đang rơi vào sự thờ ơ của Liên minh châu Âu (EU) - những đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương.
“Không phải việc của chúng tôi!”
Nói đúng hơn thì sự thờ ơ đó được thể hiện bởi Ngoại trưởng Đức Heiko Mass. Song, bởi vì Đức chính là trái tim, là động lực, là đầu tàu của cả EU (bên cạnh Pháp) nên có thể xem quan điểm của Berlin nhiều khả năng cũng sẽ chính là những gì EU hướng tới.
Cuối tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng các quốc gia từ các khu vực khác nhau trên khắp thế giới sẽ gia nhập một liên minh do Washington dẫn đầu, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải quanh eo biển Hormuz - cửa ngõ thông từ “rốn dầu” Vùng Vịnh ra đại dương, cũng là nơi Iran luôn hăm dọa sẽ phong tỏa nếu bị dồn ép đến giới hạn cuối cùng.
Mối quan hệ Mỹ - Iran đang ngày càng trở nên tồi tệ và lời đề nghị về “sứ mệnh chung” ấy đã liên tục được Mỹ nhắc lại. Tuy nhiên, đến ngày 31-7, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass khẳng định: Đức sẽ không tham gia sứ mệnh hải quân này, bởi “Chính phủ Đức cho rằng chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực tối đa lên Iran là sai lầm”.
Đến ngày 5-8, ông nhắc lại, một cách rõ ràng và dứt khoát: “Hiện nay, nước Anh muốn gia nhập sứ mệnh của Mỹ. Nhưng chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi muốn một sứ mệnh của châu Âu”. Cũng theo ông, muốn triển khai một sứ mệnh như thế, vấn đề nhất thiết phải được Nghị viện châu Âu thông qua.
Sự hoài nghi đối với ý tưởng về liên minh hải quân mà Mỹ đưa ra đã được Đức thể hiện một cách nhất quán, từ đầu đến cuối. Với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, “mục tiêu của tất cả các chính trị gia có trách nhiệm là phải xem xét tình hình một cách thận trọng và tỉnh táo, để tránh rơi vào khủng hoảng lớn hơn”.
Với ông, đề nghị của Mỹ có thể sẽ kéo tất cả các bên vào một tình trạng xung đột dữ dội hơn và đó “không phải là một ý tưởng hay”. “Mềm mỏng” hơn một chút, Bộ Ngoại giao Đức từng “từ chối khéo” rằng quân đội Đức chưa sẵn sàng tham gia tuần tra hàng hải quanh eo Hormuz theo cách ấy.
Pháp có lẽ sẽ bị giằng xé nhiều hơn. Cũng giống Anh, những sự ủng hộ dành cho các quyết định của Washington là “thói quen” của Paris từ xưa đến nay. Tuy nhiên, Berlin đã lên tiếng, một tiếng nói rất có trọng lượng của nền kinh tế lớn nhất cựu lục địa.
Nước Mỹ muốn gì?
Dĩ nhiên, những lý do công khai được nêu trong lời kêu gọi của Mỹ ,về việc thành lập liên minh hải quân ấy, cũng khá giàu sức thuyết phục. Tình trạng căng thẳng trên tuyến đường hàng hải xuyên qua eo biển yết hầu rộng 33km ấy đã và đang ảnh hưởng đến cơ chế vận hành của rất nhiều nền kinh tế, nghĩa là ảnh hưởng đến “túi tiền” của khá nhiều quốc gia trên thế giới.
Nếu mọi chuyện tiếp tục xấu đi và nếu Iran quyết tâm phong tỏa hải trình này bằng mọi công cụ quân sự, nguy cơ nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề là có thật.
Song, sâu xa hơn và có lẽ là khách quan hơn, chúng ta nên lắng nghe phân tích của một nhà quan sát hàng đầu nước Nga - phó giáo sư Khoa học chính trị Alexander Perendzhiev của Đại học Tổng hợp kinh tế Nga: “Tất nhiên, đầu tiên, tuyên bố này là một phương pháp tác động tâm lý đến Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng đang thăm dò quan điểm của các đồng minh, về việc liệu họ có sẵn sàng tham gia xây dựng một đội quân hay không. Người Mỹ cần phải nắm được vấn đề quan trọng này”.
Ông nhận định: “Những tuyên bố và nỗ lực tuần tra đã thực hiện trước đây không phải là tin mới. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng, sẽ không có lực lượng nào đáng kể ngoài khơi Iran. Xuất khẩu dầu mỏ liên quan đến các tập đoàn lớn, đang kiểm soát nền kinh tế toàn cầu. Họ muốn sự ổn định, không cần đến leo thang căng thẳng".
Nói cách khác, liên minh hải quân đang được kêu gọi thành lập cũng chính là công cụ để Mỹ phá vỡ các chuẩn mực quốc tế vì lợi ích của mình, trong sự đồng thuận mà các thành viên tương lai biểu thị. Song song với điều đó, việc tạo lập một liên minh như vậy sẽ không chỉ gia tăng sức mạnh mà còn tiết kiệm được đáng kể các chi phí cho riêng nước Mỹ, khi có những thành viên khác san sẻ.
Hướng suy luận này khá tương thích với phong cách lãnh đạo thực dụng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện tại, những cuộc đấu khẩu trên chính trường Mỹ về các vấn đề liên quan đến ngân sách quốc phòng vẫn đang có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, về bất cứ khoản gì (đặc biệt là khi đường đua đến Nhà trắng năm 2020 xem như đã mở).
Cũng chưa ai quên, ngay đối với các thành viên EU của Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Donald Trump từng chẳng ngại ngần chỉ trích rằng họ đã bắt nước Mỹ của ông phải cáng đáng quá nhiều chi phí và rằng, các thành viên ấy cần phải tỏ ra trách nhiệm hơn. Nghĩa là đóng góp nhiều tiền hơn.
Vẫn là câu chuyện cũ
Và trong bối cảnh áp lực gia tăng này, Iran sẽ phản ứng như thế nào? Giáo sư Perendzhiev khẳng định: “Iran sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn. Họ sẽ không để Mỹ nắm quyền kiểm soát eo biển Hormuz”. Đó là điều bắt buộc, bởi Hormuz là chủ quyền mang tính sinh tử của nước Cộng hòa Hồi giáo ấy.
Còn từ Tehran, chuyên gia Ahmed Mahdi “ngửa bài”: “Iran sẽ bảo vệ lợi ích của mình bằng cách cũng thu hút các đồng minh trong khu vực và trên toàn thế giới. Việc Nga không được Mỹ mời tham gia cho thấy: Tuyên bố về việc thành lập liên minh hải quân chỉ nhằm mục đích khuấy động bầu không khí. Người Mỹ thực ra không tìm kiếm an ninh hàng hải. Họ chỉ muốn gây sức ép với Iran".
Không có lý do gì để giới quan sát quốc tế châu Âu và nước Đức không nhìn thấu cục diện của ván cờ này. Có điều, đối với họ, dù rất đáng lưu tâm, chưa chắc những ảnh hưởng về lợi ích kinh tế khi bị mắc kẹt trong xung đột Washington - Tehran đã quan trọng hơn nhu cầu cân bằng chiến lược, nâng cao sức mạnh tự thân cũng như gia tăng tính độc lập trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Đức là thành viên nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân của Iran năm 2015. Đức cũng đã và đang sẵn sàng trở lại với một vị thế xứng đáng hơn: Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng phải nghe Tổng thống Mỹ Donald Trump nói những lời “trái tai” về trách nhiệm của EU. Bà, cũng như nhà lãnh đạo Pháp - Tổng thống Emmanuel Macron - cũng từng “ngọt nhạt” đến “hết nước hết cái” với ông chủ Nhà Trắng, rằng “một thỏa thuận không hoàn hảo còn hơn không có thỏa thuận nào”, trước khi ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA.
Tất cả những điều đó, cộng thêm chuyện chính các lãnh đạo quan trọng nhất của EU đã liên tục đề cập đến việc thành lập “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO, khiến cụm từ “sứ mệnh của châu Âu” mà Ngoại trưởng Đức Heiko Mass sử dụng mang nhiều ẩn ý hơn. Nếu tham gia liên minh hải quân, hải quân Đức sẽ phải chịu sự chỉ huy của các đô đốc Mỹ.
Nếu tham gia liên minh, nước Đức sẽ gián tiếp bị xem là vẫn “tuân phục” và EU bị xem là vẫn lệ thuộc vào sự che chở của sức mạnh quân sự Mỹ. Nếu tham gia liên minh, xem như Đức cam kết sẵn sàng hy sinh các lợi ích (cả vô hình lẫn hữu hình) của mình trong các mối quan hệ hợp tác tái thiết Iran đang được triển khai, để phục vụ uy quyền Mỹ.
Điều đó, nếu muốn thực hiện, ít nhất cũng phải được đền đáp xứng đáng bằng những lợi ích khác. Mà dường như, chẳng tồn tại những khoản đền bù như thế...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/dau-la-dich-thuc-cua-chau-au-557307/