Dầu lại tăng giá khi lo ngại về nguồn cung chiếm ưu thế
Reuters ngày 20/4/2022 đưa tin hôm thứ Tư, giá dầu tăng trở lại do dự trữ dầu của Mỹ giảm và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn từ Nga và Libya đã thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu từ mức giảm mạnh của phiên trước. Dầu thô Brent giao sau tăng 65 cent, tương đương 0,6% lên 107,90 USD/thùng vào lúc 13h11 GMT. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao tháng trước, hết hạn hôm thứ Tư, tăng 1,06 USD, tương đương 1%, lên 103,62 USD trong khi hợp đồng tháng thứ hai tăng 77 xu lên 102,82 USD.
Hôm thứ Ba, hai loại dầu tiêu chuẩn chính này đã giảm 5,2% trong các giao dịch đầy biến động sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1% và cảnh báo rằng lạm phát đã trở thành một "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại" đối với nhiều quốc gia.
Chuyên gia phân tích Stephen Greenock của P.M cho biết: “Tăng trưởng suy yếu và áp lực lạm phát gia tăng chỉ có thể có nghĩa một điều: bóng ma lạm phát đình trệ đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu”.
Giá dầu toàn cầu tăng cao hơn do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn sau các lệnh cấm vận đối với Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp dầu khí chính của châu Âu.
Về nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã sản xuất 1,45 triệu thùng/ngày (bpd) thấp hơn sản lượng mục tiêu trong tháng 3 do sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh cấm vận của phương Tây.
Một số mỏ dầu ngừng hoạt động cũng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung. Hôm thứ Tư, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) của Libya, một thành viên OPEC, cho biết đã buộc phải cắt giảm sản lượng 550.000 thùng/ngày do làn sóng phong tỏa các mỏ dầu lớn và các cảng xuất khẩu dầu.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba, dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu đang đẩy nhanh việc tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế để cố gắng cắt giảm chi phí của việc cấm sử dụng dầu Nga và thuyết phục Đức và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) miễn cưỡng khác chấp nhận biện pháp cấm vận này./.