Đau mắt đỏ nhỏ nước tiểu được không?
Vào mùa thu, bệnh đau mắt đỏ do virus thường bùng phát thành dịch. Đặc biệt trong năm nay, dịch bệnh đau mắt đỏ trở nên diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh gia tăng nhanh chóng. Qua đó, người ta cũng 'sáng tạo' ra những cách chữa bệnh chẳng giống ai và nhỏ nước tiểu chữa đau mắt đỏ là một ví dụ.
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là một bệnh nhiễm trùng khó chịu. Tuy nhiên một nửa số trường hợp sẽ khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần điều trị.
1. Nước tiểu có chữa được đau mắt đỏ?
Vậy ‘Bị đau mắt đỏ, lấy nước tiểu cho vào bình nhỏ mắt – nhỏ vào mắt mỗi bên 3 giọt, mỗi ngày 3 lần và nhỏ nước tiểu xung quanh vùng mắt thoa đều ra (ai tin tưởng làm theo chắc chắn hết)’, điều này có đúng hay không?
Thực tế cho thấy, trên mạng xã hội, việc lan truyền thông tin chữa bệnh bằng nước tiểu từ trước tới nay vẫn xảy ra, không chỉ với đợt dịch đau mắt đỏ mà cả việc dùng nước tiểu chữa bách bệnh, thậm chí là ung thư.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, trong y học cổ truyền, nước tiểu còn gọi là đồng tiện, nhân niệu, luân hồi tửu, hoàn nguyên thang.
Đồng tiện chỉ nước tiểu của trẻ em, thường là của bé trai dưới 12 tuổi, khỏe mạnh. Nước tiểu có vị mặn, tính hàn (lạnh), có tác dụng chữa hàn nhiệt, đầu thống, ho lâu mất tiếng, chủ yếu dùng chữa các chứng sốt rét, bổ âm, giáng hỏa, dùng ngoài xoa bóp khi bị ngã hay bị thương, bị đánh người thâm tím. Ngoài ra, còn nhiều công dụng của nước tiểu thấy ghi trong những sách cổ mà chúng ta chưa giải thích được cũng như chưa có điều kiện kiểm tra.
Nước tiểu từ máu lọc mà ra. Máu đi khắp cơ thể nên trong nước tiểu có đủ các chất do các cơ quan máu đã đi qua bài tiết ra, nên có đồng thời những chất cặn bã của chuyển hóa. Đa phần nước tiểu người lớn đều không đảm bảo để sử dụng làm thuốc, bởi không hợp vệ sinh, có hàm lượng muối cao, có thể chứa các chất chuyển hóa độc hại từ thuốc, thực phẩm, hóa chất khác.
Mắt là cơ quan nhạy cảm, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nên dễ bị viêm nhiễm và tổn thương. Những quy định về thuốc dùng tại chỗ cho mắt cũng rất khắt khe, đảm bảo vô khuẩn. Do đó, sử dụng nước tiểu chắc chắn sẽ không đảm bảo vệ sinh để nhỏ vào mắt, điều này khiến cho mắt có thể bị nhiễm trùng nặng nề hơn, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cảnh báo.
'Thông tin dùng nước tiểu để chữa đau mắt đỏ là sai lệch và không nên được lan truyền rộng rãi, áp dụng. Đã có những trường hợp tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà dùng các phương pháp không được kiểm chứng hoặc không đi khám khi có biểu hiện nặng, đã dẫn đến các biến chứng như tổn thương giác mạc, giảm thị lực, mù lòa…', Lương y Phùng Tuấn Giang khẳng định.
Cũng theo Lương y Phùng Tuấn Giang, trong Đông Y nước tiểu trị bệnh nói chung không thể tùy tiện, mà cần phải đánh giá sức khỏe, tiến triển bệnh tật của người cho nước tiểu (mà việc này còn đòi hỏi phải khám, xét nghiệm đầy đủ, còn tốn kém thêm thời gian, tiền của)…,
Ngoài ra, việc áp dụng nước tiểu trong điều trị bệnh còn tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm chữa trị của từng người. Chỉ sử dụng nước tiểu của đồng nhi khỏe mạnh (đồng tiện), vì hệ tiêu hóa của trẻ em thuần, miễn dịch tốt, không nhiễm tạp chất, lấy theo phương cách bỏ khúc đầu, khúc cuối, lấy khúc giữa dùng để sao tẩm thuốc (tiện chế).
2. Nên đi khám mắt khi nào?
Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế nếu bị viêm kết mạc cùng với bất kỳ điều nào sau đây:
Đau ở mắt.
Nhạy cảm với ánh sáng hoặc mờ mắt mà không cải thiện khi lau sạch chất dịch ra khỏi mắt.
Mắt bị đỏ dữ dội.
Các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc không cải thiện, bao gồm đau mắt đỏ được cho là do vi khuẩn gây ra và không cải thiện sau 24 giờ sử dụng kháng sinh.
Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, ví dụ như do nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các tình trạng hoặc phương pháp điều trị y tế khác.
Trẻ sơ sinh có triệu chứng viêm kết mạc cần được bác sĩ khám ngay…
3. Cách phòng và hạn chế lây lan đau mắt đỏ hiệu quả
Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, điều quan trọng là chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh để không bị nhiễm bệnh, cũng như phòng tránh lây lan cho người khác nếu như không may mắc viêm kết mạc.
Nếu bị viêm kết mạc, có thể giúp hạn chế sự lây lan sang người khác bằng cách làm theo các bước sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Rửa sạch chúng đặc biệt kỹ trước và sau khi vệ sinh hoặc bôi thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ lên mắt bị nhiễm trùng. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn để rửa tay.
- Tránh chạm hoặc dụi mắt. Điều này có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang mắt kia.
- Dùng tay sạch, rửa sạch mọi chất dịch xung quanh mắt vài lần trong ngày bằng khăn sạch, ướt hoặc bông gạc mới. Vứt bỏ bông gạc sau khi sử dụng và giặt khăn đã sử dụng bằng nước nóng và chất tẩy rửa, sau đó rửa tay lại bằng xà phòng và nước ấm.
- Không sử dụng cùng lọ thuốc nhỏ mắt cho mắt bị nhiễm trùng và không bị nhiễm trùng.
- Giặt vỏ gối, ga trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng và chất tẩy rửa; rửa tay sau khi xử lý các vật dụng đó.
- Ngừng đeo kính áp tròng trong khi bị bệnh.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân, chẳng hạn như gối, khăn lau, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm mắt hoặc mặt, cọ trang điểm, kính áp tròng, hộp đựng kính áp tròng hoặc kính mắt.
- Không sử dụng hồ bơi...
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-mat-do-nho-nuoc-tieu-duoc-khong-169230928102316717.htm