Dâu miền Tây dự đám cưới ngoài Bắc, thích món đặc sản lạ trong mâm cỗ Ninh Bình

Mới đây, cùng nhà chồng dự đám cưới ở phường Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình (thị trấn Kiện Khê, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cũ), chị Lê Ngọc Quyên (SN 1994, quê Vĩnh Long) tỏ ra thích thú trước mâm cỗ chính.

Ngoài các món quen thuộc như xôi, gà luộc, trong mâm cỗ còn bày biện loạt món ngon như cá chiên xù, tôm chiên, thịt dê chao tỏi, bê xào măng… Trong số những món ăn đó, chị Ngọc Quyên thích nhất là món ba ba om chuối.

Món này có cách chế biến khá giống món ốc om chuối, đậu nhưng thay nguyên liệu bằng thịt ba ba đã được chặt nhỏ thành các miếng vừa ăn, vừa tăng hương vị thơm ngon, vừa bổ sung dinh dưỡng.

“Ở miền Tây, mâm cỗ thường có món lẩu. Còn ở quê chồng mình, cỗ cưới thường có các món chế biến từ thịt dê và món ba ba om chuối”, chị Quyên nói.

Ba ba om chuối đậu là món ngon trong mâm cỗ ở Ninh Bình (Hà Nam cũ) mà chị Quyên yêu thích

Ba ba om chuối đậu là món ngon trong mâm cỗ ở Ninh Bình (Hà Nam cũ) mà chị Quyên yêu thích

Từ miền Tây ra làm dâu miền Bắc, chị Quyên thừa nhận thấy bất ngờ trước những phong tục độc đáo trong đời sống sinh hoạt và văn hóa đám cưới ở quê chồng.

5 năm sinh sống tại đây, chị đã tham dự đám cưới của họ hàng, người thân bên nhà chồng khoảng 3-4 lần, trải nghiệm từ cỗ áp rạp (cỗ phụ) đến cỗ chính.

Theo quan sát của nàng dâu miền Tây, tùy điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cỗ cưới ở quê chồng chị (tỉnh Hà Nam cũ) sẽ bày biện các món ăn khác nhau với số lượng từ 10-12 món chính (không bao gồm đồ tráng miệng, đồ uống).

Mâm cỗ vẫn đảm bảo một số món quen thuộc thường xuất hiện trong cỗ cưới ở miền Bắc như xôi, gà luộc (hoặc hấp), canh (miến hoặc măng, xương).

Nàng dâu miền Tây thích thú khi được tham dự đám cưới ở quê chồng, trải nghiệm nhiều món ngon

Nàng dâu miền Tây thích thú khi được tham dự đám cưới ở quê chồng, trải nghiệm nhiều món ngon

Ngoài cỗ chính trong đám cưới, nàng dâu cũng ấn tượng với mâm cỗ áp rạp (trước ngày rước dâu) ở quê chồng. Tuy món ăn trong bữa cỗ này có phần đơn giản, dân dã hơn nhưng vẫn đầy đặn, tươi ngon, mang đậm văn hóa ẩm thực bản xứ.

Trong đó, có 1 món chị Quyên chưa từng biết đến nhưng sau khi nếm thử lần đầu lại thích ngay. Đó là nhựa mận (tùy nơi còn gọi là rượu mận, rựa mận). Món này được chế biến từ thịt lợn hoặc thịt chó, ướp chút rượu để khử mùi, giúp thịt mềm mọng.

Trong quá trình nấu, người ta phải cho thêm tiết (huyết) đặc vào, đun đến khi thịt chín mềm, nước dùng sền sệt, ngả màu nâu sậm giống như nhựa của cây mận tiết ra ở gốc, thân, cành khi bị sâu đục.

Mâm cỗ áp rạp đơn giản với món nhựa mận đặc trưng mà nàng dâu miền Tây khen lạ miệng, thơm ngon

Mâm cỗ áp rạp đơn giản với món nhựa mận đặc trưng mà nàng dâu miền Tây khen lạ miệng, thơm ngon

Chị Quyên cho hay, ngoài đám cưới, đám giỗ cũng là dịp để chị trải nghiệm các món ngon, đặc sản ở quê chồng cũng như khám phá ẩm thực truyền thống của miền Bắc.

Chị đã có cơ hội thưởng thức một số món đặc sản như cá kho làng Vũ Đại, bánh cuốn Phủ Lý… Ngoài ra, chị cũng từng nếm gỏi cá, chấm cùng chẻo ăn rất ngon.

“Ở phường Châu Sơn (thị trấn Kiện Khê cũ) quê chồng mình còn có món bánh đa nổi tiếng. Trong lần ra Bắc, tiễn con gái về nhà chồng, bố mẹ ruột của mình được thử món ăn này và mê luôn.

Thỉnh thoảng, mình vẫn mua bánh đa Kiện Khê để gửi vào Vĩnh Long cho cả nhà thưởng thức”, nàng dâu miền Tây chia sẻ thêm.

Ảnh: Quyên ở nhà thuê

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-mien-tay-du-dam-cuoi-ngoai-bac-thich-mon-dac-san-la-trong-mam-co-ninh-binh-2421294.html