Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa, kết quả chuyến thăm.

Câu hỏi: Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm?

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Trong thời gian thăm Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đã có khoảng 15 hoạt động quan trọng. Đó là dự Lễ đón chính thức theo nghi thức cấp Nhà nước, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; đồng chủ trì Cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng; tiếp Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; dự chiêu đãi trọng thể do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh; có các cuộc gặp với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trong chuyến thăm, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp gỡ đại diện cựu quân tình nguyện, chuyên gia, lưu học sinh Việt Nam tại Lào, thế hệ trẻ hai nước. Cùng với việc tham gia một số hoạt động chính thức, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào đã thăm Trung tâm trẻ mồ côi tại quận Cầu Giấy và cùng tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chụp ảnh chung trước khi hội đàm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chụp ảnh chung trước khi hội đàm.

Qua cuộc hội đàm giữa hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các cuộc hội kiến giữa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith với các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực, đánh giá về kết quả hợp tác trong thời gian qua và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới trên các lĩnh vực. Các cuộc trao đổi đã diễn ra trong bầu không khí thắm đượm tình hữu nghị, tình đồng chí, anh em gần gũi, gắn bó, thân thiết, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị giữa hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai nhà Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước cùng khẳng định lại ý nghĩa và giá trị to lớn, đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.

Hai bên cùng khẳng định về sự coi trọng, ưu tiên đặc biệt đối với nhau và đối với quan hệ Việt Nam - Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith khẳng định Lào nhất quán đặc biệt coi trọng, gìn giữ và không ngừng củng cố quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí Thongloun Sisoulith nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào là biểu tượng có một không hai của tình đoàn kết quốc tế, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc được đúc kết bởi bốn chữ tình: Tình đồng chí cùng chung lý tưởng; Tình anh em có chung cội nguồn là Đảng Cộng sản Đông Dương; Tình bạn, là những người thân thiết, tin cậy, vui buồn có nhau; Tình đoàn kết, xuất phát từ trái tim, keo sơn, gắn bó, trong sáng, thủy chung son sắt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định trước sau như một, quan hệ Việt Nam - Lào luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục cùng nhau vun đắp, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước không ngừng phát triển lên tầm cao mới.

Hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và lãnh đạo cấp cao hai Đảng đã dành nhiều thời gian đi sâu trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác, phát triển quan hệ Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Hai bên nhất trí tích cực triển khai các phương hướng trọng tâm đã được lãnh đạo hai bên thống nhất, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước, tăng cường thông tin, trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, chủ trương, chính sách liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước, tăng cường trao đổi lý luận, nhất là trên những vấn đề mới; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào cũng như quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và lực lượng vũ trang hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Một trọng tâm quan trọng được Lãnh đạo hai bên nhất trí cao là cần tạo đột phá trong hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa các cấp, ngành, lĩnh vực của hai bên. Lãnh đạo hai bên đã trao đổi và đề ra các định hướng biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn đọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác, nhất là tạo đột phá trong hợp tác về kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, đầu tư, trong đó có các dự án về kết nối cơ sở hạ tầng, hoàn thành các dự án: Công viên Hữu nghị Việt Nam - Lào tại Thủ đô Viêng Chăn; Dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào; Trung tâm cai nghiện ma túy tại tỉnh Viêng Chăn… Đặc biệt, lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhấn mạnh trong thời gian tới hai bên tập trung tăng cường và đẩy mạnh thực chất kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Lào cũng như giữa ba nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia để tạo sự hợp tác, cùng phát triển lâu dài của cả hai nước. Lãnh đạo hai bên nhấn mạnh các kết nối về thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, trong đó có các dự án kết nối chiến lược.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa trụ cột hợp tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau nhằm đối phó với các thách thức an ninh ngày càng đa dạng, phức tạp; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức nhân dân, các địa phương, mở rộng hợp tác trực tiếp, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, ổn định ở khu vực biên giới.

Lãnh đạo hai bên nhất trí trao đổi thông tin kịp thời, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên nước sông Mê Kông và các tài nguyên liên quan.

Các đồng chí lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi và khẳng định sự nhất trí cao với lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố của ASEAN; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào khẳng định các nguyên tắc, phương hướng, nội dung chính trên tất cả các lĩnh vực trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trong thời gian tới.

Có thể nói, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đã thành công rất tốt đẹp. Các kết quả đạt được trong chuyến thăm sẽ định hướng, thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng gắn bó, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung

Câu hỏi: Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn trong thời gian tới nhằm triển khai kết quả chuyến thăm?

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: Tôi cho rằng việc tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các phương hướng hợp tác, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà Lãnh đạo hai bên đã nhất trí có ý nghĩa rất quan trọng trong thời gian tới.

Để làm được điều đó, trước tiên, các cấp, các ngành, các địa phương phải nhận thức rõ, đầy đủ và thấm nhuần ý nghĩa, giá trị to lớn, đặc biệt của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, cũng như tầm quan trọng và ý nghĩa sống còn của sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước của hai Đảng, hai nước.

Thứ hai, cần hết sức coi trọng việc thực thi có hiệu quả các thỏa thuận, cam kết mà hai bên đã đạt được, trong đó có các thỏa thuận, chương trình hợp tác trong lĩnh vực kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư, hạ tầng, tiền tệ. Đây là tinh thần chung đã được nhấn mạnh trong việc triển khai các quan hệ đối ngoại của Việt Nam thời gian qua. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, tích cực, chủ động và tinh thần triển khai quyết liệt, sáng tạo của các cấp, các bộ, ngành, địa phương để sớm đưa các thỏa thuận, cam kết vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ ba, hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra các định hướng, biện pháp quan trọng để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai trên từng vấn đề, từng lĩnh vực, với các lộ trình, bước đi, thời gian cụ thể.

Thứ tư và rất quan trọng là các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ trong quá trình thực hiện; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, định kỳ kiểm tra, rà soát tiến độ để bảo đảm thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, cam kết, chương trình hợp tác giữa hai nước.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dau-moc-quan-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-lao-265290.htm