Dấu mốc thu ngân sách Nhà nước
Những năm qua, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Đa số các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, nhất là sản phẩm từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; sản xuất tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được mở rộng sản xuất, như: Chế biến hải sản, mây giang xiên... Kinh tế phát triển đã góp phần quan trọng tăng thu ngân sách Nhà nước và năm sau thu tăng cao hơn so với năm trước.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH THANH HÓA (29-7-1930 --- 29-7-2020)
Kỹ sư Nhà máy Xi măng Long Sơn làm việc tại trung tâm điều hành sản xuất.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp vào công tác quản lý thu, như: Đề án giám sát doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 5040/QĐ-UBND ngày 14–12-2018; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 9–4-2018 về chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh, tập trung vào một số ngành, như: Kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 2–5-2019 về việc tập trung thực hiện một số giải pháp bảo đảm hoàn thành vượt mức thu ngân sách Nhà nước năm 2020 và những năm tới... Do đó, đã góp phần huy động kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào ngân sách Nhà nước. Tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trọng điểm có nhiều chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp nộp ngân sách trọng điểm, chủ lực của tỉnh (bia, thuốc lá, xi măng) đã thực hiện điều chỉnh về cơ cấu hàng hóa, khai thác thị trường để tăng sản lượng tiêu thụ, tăng số thu nộp vào ngân sách Nhà nước.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành thuế, ngành hải quan Thanh Hóa đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Ngành thuế đã triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu, tích cực thu hồi nợ đọng và khai thác tăng thêm nguồn thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp chỉ đạo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Ngành thuế tập trung nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo; rà soát, xác định và đánh giá kịp thời những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn, nhất là nguồn thu mới phát sinh, để tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách của các cấp. Do làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nên nhìn chung ý thức chấp hành kê khai, nộp thuế của người nộp thuế đã được tăng lên. Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đánh giá, đôn đốc người nộp thuế tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý; tổng hợp, đánh giá tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện toàn diện các giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra; triển khai thực hiện tốt Đề án giám sát hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; tăng cường thực hiện kiểm tra thuế bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, ngành thuế đã xây dựng chương trình, kế hoạch thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế trên địa bàn, làm căn cứ chỉ đạo, điều hành thu nợ; phân công cán bộ quản lý nợ đối với từng đơn vị nợ thuế, từng khoản nợ thuế. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế “một cửa” để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế. Các thủ tục hành chính của người nộp thuế được bộ phận “một cửa” tiếp nhận, kiểm tra và giải quyết đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình giao dịch với cơ quan thuế, giảm đầu mối tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với công chức thuế, góp phần ngăn chặn sự phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công vụ của công chức thuế.
Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, Cục Hải quan Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, như: Quy trình nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; danh sách các thủ tục hành chính khi thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết... để người nộp thuế theo dõi, tra cứu, thực hiện. Đồng thời, công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của bộ phận nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính để các doanh nghiệp và người dân liên lạc khi gửi, nhận hồ sơ... Cục Hải quan Thanh Hóa phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử. Đồng thời, duy trì việc tiếp dân, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cá nhân khi đến làm thủ tục thông qua tổ giải quyết vướng mắc tại trụ sở Cục Hải quan Thanh Hóa, các chi cục và thực hiện giải quyết đơn, thư khiếu nại theo đúng quy định. Cục Hải quan triển khai áp dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2011 đạt 5.099 tỷ đồng (thu nội địa 4.539 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 560 tỷ đồng), năm 2016 đạt 13.106 tỷ đồng (thu nội địa 12.086 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.020 tỷ đồng), năm 2019 đạt 28.918 tỷ đồng (thu nội địa 19.354 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9.564 tỷ đồng) và 6 tháng đầu năm 2020 đạt 14.485 tỷ đồng (thu nội địa 8.457 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.028 tỷ đồng).
Để bảo đảm hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao hàng năm, hiện Cục Thuế và Cục Hải quan đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng việc phân tích dự báo, rà soát, xác định và đánh giá kịp thời những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, nhất là nguồn thu mới phát sinh; đồng thời, xây dựng phần mềm theo dõi tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước đến từng đơn vị, từng doanh nghiệp để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách Nhà nước. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu; tập trung rà soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân, các nhà thầu nước ngoài, các nguồn thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản... Phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có biện pháp chấn chỉnh nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Rà soát, phân loại nợ; giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá, đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Tiếp tục triển khai nộp thuế qua các ngân hàng thương mại; mở rộng việc kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dau-moc-thu-ngan-sach-nha-nuoc/122101.htm