Dầu mù u sớm được hoàn thiện quy trình sản xuất, thương mại hóa

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Long An vừa tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chiết xuất dầu mù u và sản xuất thử nghiệm sản phẩm làm lành vết thương của cây mù u khu vực Đồng Tháp Mười (gọi tắt là đề tài) do dược sĩ Bùi Đắc Thắng làm chủ nhiệm, Công ty (Cty) Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười là đơn vị chủ trì thực hiện.

Đại biểu tham gia nghiệm thu đề tài phần các thiết bị phục vụ sản xuất cream mù u và dầu mù u

Đại biểu tham gia nghiệm thu đề tài phần các thiết bị phục vụ sản xuất cream mù u và dầu mù u

Kết quả khả quan

Đề tài được ký kết hợp đồng giữa Sở KH&CN tỉnh và Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa), thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2021 đến 7/2023). Tổng kinh phí thực hiện 4,292 tỉ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách khoa học 1,23 tỉ đồng, kinh phí vốn đối ứng từ doanh nghiệp 3,062 tỉ đồng. Với nhiệm vụ này, Cty nghiên cứu hoàn thiện 2 quy trình tương ứng với 2 dây chuyền thiết bị chuyên dùng để tạo ra sản phẩm dầu mù u kết hợp tinh dầu tràm và cream mù u đạt chuẩn mỹ phẩm.

Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải cho biết: Đề tài nghiên cứu khoa học này nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, phục vụ nhu cầu hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da có nguồn gốc từ cây mù u. Yêu cầu của đề tài là nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chiết xuất dầu mù u tinh chất, hoàn thiện công nghệ bào chế sản phẩm cream mù u và dầu mù u kết hợp dầu tràm. Qua đó, phân tích, đánh giá khả năng kháng khuẩn, làm lành vết thương và độc tính cấp của các sản phẩm từ cây mù u và dầu mù u kết hợp dầu tràm; đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn vận hành dây chuyền và bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm được hình thành.

Theo Giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười - dược sĩ Bùi Đắc Thắng, dầu mù u được sử dụng từ rất lâu trong điều trị các bệnh lý về da, giúp lành vết thương và sử dụng trong điều trị bỏng; tinh dầu tràm trà và tràm gió đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Cty kết hợp tinh dầu tràm trà, tràm gió với dầu mù u trong sản phẩm cream mù u, giúp làm lành nhanh vết thương và tăng khả năng kháng khuẩn.

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu hướng đến khảo sát tỷ lệ của tinh dầu tràm trà và tràm gió với dầu mù u để có hoạt tính kháng khuẩn tốt nhất. Sau đó, tiến hành tối ưu hóa tá dược sử dụng để bào chế bằng phương pháp đáp ứng bề mặt để hình thành nên công thức cho cream mù u. Đơn vị chủ trì cũng nghiên cứu quy trình công nghệ và thiết bị để sản xuất sản phẩm cream mù u theo công thức được nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc phối hợp dầu mù u 28%, tinh dầu tràm trà 1% và tràm gió 9% cho hoạt tính kháng khuẩn tốt. Kết quả nghiên cứu quy trình công nghệ đã hình thành nên một tổ hợp các thiết bị và máy có thể đáp ứng được các tiêu chí mà công thức đề ra, tạo ra sản phẩm dạng mỹ phẩm, được Sở Y tế tỉnh Long An cấp công bố. Cả 2 sản phẩm đều đã qua thử nghiệm trên mẫu thử và cho kết quả như mong muốn.

Theo kết quả nghiên cứu và thử nghiệm, Cty xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất lô hàng đầu tiên, sản xuất thử nghiệm 2.000 sản phẩm cream mù u, 1.000 sản phẩm tinh dầu mù u kết hợp dầu tràm.

Hoàn thiện công nghệ sản xuất

Sản phẩm cream mù u và dầu mù u có tác dụng liền sẹo

Sản phẩm cream mù u và dầu mù u có tác dụng liền sẹo

Tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mỹ Linh - giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Ủy viên phản biện đề tài, cho rằng, ý tưởng đề tài tốt, sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Đề tài này, trước đây, Trường Đại học Y Dược TP.HCM từng nghiên cứu, thực hiện và trên thế giới, tinh dầu mù u hay cream mù u vẫn được sử dụng làm thuốc. Ưu điểm của đề tài này là thực hiện ở miền Tây Nam bộ - nơi có vùng nguyên liệu dồi dào, tính thiết yếu cao và có sự kết hợp với tinh dầu tràm. Cty cần tính đến phương án khả thi cho việc phối trộn thêm hương liệu vào sản phẩm; đồng thời, phối hợp đào tạo học viên vì Cty có vị trí xa các cơ sở đào tạo ngành Y, Dược.

Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải đánh giá cao đề tài nghiên cứu khoa học và yêu cầu Cty tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm một cách tốt nhất. Cty cũng cần đánh giá những hạn chế của sản phẩm để đề xuất tiếp hướng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hoặc thương mại hóa sản phẩm. 2 sản phẩm này sẽ là cơ sở để Cty nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên là dược liệu. Cty cần chú trọng việc trồng cây mù u trên diện tích đất trong khu bảo tồn đang quản lý nhằm chủ động nguồn nguyên liệu. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, tạo sức lan tỏa ra các khu vực lân cận, tạo được việc làm cho khu vực Đồng Tháp Mười./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dau-mu-u-som-duoc-hoan-thien-quy-trinh-san-xuat-thuong-mai-hoa-a160808.html