Đậu mùa khỉ tấn công đến trẻ em, WHO 'cảnh báo nóng'
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đậu mùa khỉ có khả năng trở thành dịch bệnh lan truyền lâu dài chứ không đơn thuần là một đợt bùng phát nữa.
Trong tuyên bố hôm 29-6, WHO cho biết họ đang điều tra các báo cáo về trẻ em bị nhiễm bệnh, bao gồm 2 trường hợp ở Anh, cũng như theo dõi các báo cáo ở Tây Ban Nha và Pháp. Không có trường hợp nào ở trẻ em bị bệnh nặng, theo Reuters.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Tôi lo ngại về khả năng lây truyền lâu dài vì nó có thể cho thấy virus đang tự thiết lập và có thể di chuyển vào các nhóm nguy cơ cao bao gồm trẻ em, phụ nữ bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai".
Theo báo cáo dịch tễ mới nhất tính đến ngày 22-6 và được WHO gửi đến các cơ quan truyền thông ngày 27-6, số ca đậu mùa khỉ được xét nghiệm khẳng định trên toàn thế giới hiện là 3.413 ca, ghi nhận ở 50 quốc gia, tức tăng 8 quốc gia so với tuần trước. Con số này chưa bao gồm khoảng 1.500 ca nghi nhiễm ở các quốc gia chưa đủ năng lực xét nghiệm.
Tuần trước, Ủy ban khẩn cấp về Quy định y tế Quốc tế (IHR) liên quan đến đậu mùa khỉ do WHO triệu tập đã phán quyết rằng đợt bùng phát chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, mức báo động cao nhất của tổ chức này.
Tuy nhiên, ông Tedros nói thêm rằng WHO đang theo dõi sát sự bùng phát và sẽ triệu tập lại ủy ban "càng sớm càng tốt" để đánh giá lại tình hình.
WHO cũng nhìn nhận gốc rễ của đợt bùng phát đến từ việc đậu mùa khỉ chưa được quan tâm đúng mức khi nó lưu hành thường xuyên và gây tử vong ở một số quốc gia châu Phi nhiều năm qua.
Một số nghiên cứu quốc tế cho thấy virus đậu mùa khỉ đã chọn con người làm vật chủ từ vài năm qua, tức lây lan từ người sang người đã phổ biến từ lâu chứ không phải chủ yếu lây từ động vật sang người nữa.