Đầu năm 2024, kinh tế tỉnh có nhiều điểm sáng, tạo động lực phát triển
(Ông Nguyễn Văn Toàn - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tỉnh Đồng Tháp đề ra các mục tiêu về kinh tế của năm 2024 trong bối cảnh như thế nào và tỉnh cần tập trung những nhiệm vụ, giải pháp nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Tỉnh Đồng Tháp bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, nhiều diễn biến khó lường, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm... Bên cạnh những khó khăn đó, tỉnh cũng có những thuận lợi, đó là bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2023 có nhiều điểm sáng như: tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính tăng 5,66%, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước năm 2023 ước tính tăng 5,05%); kinh tế của tỉnh bước vào tầm thế mới với qui mô GRDP của tỉnh tính theo giá thực tế đạt mức 110 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 29 cả nước và thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, GRDP bình quân đầu người đạt 68,37 triệu đồng/người, tính theo đồng đôla Mỹ đạt 2.873 USD/người; cơ cấu GRDP năm 2023 tính theo giá thực tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, đó là giảm dần khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2 năm còn lại của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và của cả nhiệm kỳ, năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8% so với năm 2023, trong đó khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,68% và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 10,43%.
Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt hiệu quả cao nhất, ngành Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:
Các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả Quyết định số 46/QĐ-UBND-HC ngày 17/1/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI năm 2024 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 105 nhiệm vụ cụ thể.
Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) tích cực hưởng ứng để tham gia sản xuất, kinh doanh, tạo động lực góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng.
Phân khai nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Thu hút đầu tư tư nhân cũng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ các DN, nhất là DN xuất khẩu tiếp cận các nguồn vốn.
Phát huy tối đa lợi thế về vùng trồng và giá tiêu thụ để tăng cường xuất khẩu lương thực, trái cây nhằm thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển; nâng cao chuỗi giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường sự chỉ đạo điều hành, phân cấp phân quyền mạnh mẽ gắn với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ cương, kỷ luật, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện triệt để cải cách hành chính để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...
PV: Ông điểm lại một số kết quả, tín hiệu khả quan của bức tranh kinh tế tỉnh nhà trong tháng đầu năm 2024, qua đó tạo tiền đề gì cho những tháng tiếp theo?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Trong tháng đầu năm 2024, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm khởi sắc, có chỉ số tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, là tín hiệu tích cực tạo động lực cho phát triển kinh tế trong các tháng tiếp theo, cụ thể:
Trong sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân năm 2023 - 2024, toàn tỉnh đã xuống giống được 187 nghìn ha lúa, 10,6 nghìn ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày; sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 43 nghìn tấn, tăng 2,47% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 42 nghìn tấn, tăng 2,45% so cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm có chỉ số tăng trưởng khá cao. So với tháng 12/2023 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,25%. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước cũng có mức tăng khá mạnh: cát khai thác tăng 49,38%; cá philê đông lạnh tăng tăng 11,68%; gạo xay xát, lau bóng tăng 53,21%; thức ăn thủy sản tăng 0,22%; các bộ phận của giày dép bằng da tăng 112,74%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính đạt 10.788 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng ổn định trở lại, cán cân thương mại thực hiện trong tháng 1/2024 của tỉnh ước tính xuất siêu 53 triệu USD. Cụ thể, ước tính kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 139 triệu USD, tăng 31,08% so với tháng cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 86 triệu USD, tăng 31,87% so với cùng kỳ năm trước.
PV: Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, theo ông, các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh cần quyết tâm vào những “mũi nhọn” nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Năm 2024, tỉnh đã đề ra kế hoạch với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong điều kiện quy mô nền kinh tế đã khá lớn so với các tỉnh trong vùng, đây là nhiệm vụ khá nặng nề đối với các ngành và địa phương. Do đó, để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh cần quyết tâm trong lãnh đạo điều hành theo từng ngành, lĩnh vực, cụ thể:
Hiện nay, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh. Ngoài phát triển nội tại của ngành, nông nghiệp còn có vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ, du lịch nên cần tập trung lãnh đạo thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm các mặt hàng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh (lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen); hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của tỉnh nhằm tăng thu nhập người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.
Đối với sản xuất công nghiệp - xây dựng, tập trung hỗ trợ, kịp thời cùng với các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN ổn định sản xuất và phát triển, đặc biệt là các DN ngành chế biến, chế tạo là những địa chỉ giúp cho tỉnh có sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế năm 2024; tập trung triển khai các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN triển khai các dự án đã được phê duyệt, hỗ trợ DN khởi nghiệp; quyết liệt trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh đầu tư công để thu hút đầu tư khu vực ngoài nhà nước... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Về hoạt động thương mại - dịch vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh và thành phố lớn trong nước; giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh với các thị trường ngoài tỉnh, đưa sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh vào hệ thống siêu thị bán lẻ; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa; tăng cường giới thiệu, quảng bá thu hút khách du lịch đến với tỉnh Đồng Tháp thông qua các chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình quảng bá du lịch; đẩy mạnh phát triển về quy mô và chất lượng các lễ hội đã được tổ chức có hiệu quả trong thời gian qua như: Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, Lễ hội cá tra, Lễ hội Hoa - Kiểng Sa Đéc, Giải Marathon Đất Sen Hồng...
Chỉ đạo thực hiện quyết liệt về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải thực sự là người đồng hành cùng DN và Nhân dân để cùng chung tay phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV: Ông đề xuất tập trung các nhiệm vụ gì để thúc đẩy tăng trưởng những tháng tiếp theo?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Với kết quả khả quan của tháng đầu năm, các nhiệm vụ để đẩy mạnh phát triển kinh tế các tháng tiếp theo, đó là:
Vụ đông xuân 2023 - 2024 là vụ sản xuất chính trong năm, do đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ Nhân dân theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi để cảnh báo, phòng trị và tổ chức sản xuất bảo đảm thu hoạch thắng lợi; chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho xuống giống vụ hè thu 2024; hỗ trợ người dân trong kỹ thuật nuôi trồng thủy sản (cá tra) trong điều kiện có sự cạnh tranh bởi một số quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong nuôi trồng cá tra như: Bangladet, Mexico, Ấn Độ... tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Trong sản xuất công nghiệp - xây dựng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm ổn định sản xuất; vận động và hỗ trợ DN bắt tay ngay vào sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động.
Hoàn thành phân khai nguồn vốn đầu tư công năm 2024, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; thu hút đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công...
Về thương mại - dịch vụ, du lịch và đời sống dân cư, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, trước mắt là khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán; tổ chức tốt các chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao để thu hút khách du lịch...
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)