Đầu năm, chọn du Xuân ở đâu?
Sau Tết Nguyên đán các điểm di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa lại thu hút một lượng lớn du khách hành hương, cầu bình an cho một năm mới. Vì vậy loại hình du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng có sức hấp dẫn du khách.
Doanh nghiệp đồng loạt khởi động tour
"Đến hẹn lại lên", sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân thường chọn các điểm du lịch tâm linh để du Xuân. Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho biết, để đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh đầu năm, công ty đã tổ chức tour đưa du khách đến tham quan, lễ Phật tại quần thể chùa Yên Tử, đi - về trong ngày với giá khoảng 750.000 đồng/khách.
Không chịu thua kém, Công ty du lịch Đất Việt tổ chức tour du lịch tâm linh miền Bắc trong 4 ngày 3 đêm với giá 2,7 triệu đồng/khách. Đại diện công ty cho biết, trong 4 ngày tham gia tour du lịch tâm linh, du khách có cơ hội tham quan chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam, chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
Tương tự, Công ty Du lịch Hà Nội cũng đang chào bán tourHà Nội - Yên Tử - Hạ Long - Bắc Ninh - Đền Đô - Ninh Bình - chùa Bái Đính - Tràng An - SaPa - Chinh phục đỉnh Fansipan, trong 6 ngày 5 đêm với giá 6 triệu đồng/khách.
Thực tế cho thấy, hiện các công ty du lịch đang chào bán tour du lịch tâm linh với mức giá khá rẻ, cụ thể tour Yên Tử - chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh); tour chùa Bái Đính - Tràng An (tỉnh Ninh Bình) đi về trong ngày 790.000 đồng/khách; tour chùa Tam Chúc - Bà Đanh (tỉnh Hà Nam), tour 1 ngày đi lễ đền ông Hoàng Bẩy - đền Mẫu (tỉnh Lào Cai) có giá 790.000 đồng/khách.
Những ngày đầu năm, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đang là điểm đến hành hương lễ Phật của nhiều du khách. Thông tin từ Ban tổ chức cho thấy, trung bình lễ hội chùa Hương đón khoảng hơn 1 vạn du khách/ngày. Để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành đang chào bán tour chùa Hương đi về trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm với giá 700.000 - 1,3 triệu đồng/khách (bao gồm vé thắng cảnh, thuê đò, bảo hiểm, ăn nghỉ...).
Những ngày này doanh nghiệp du lịch không chỉ tổ chức tour du lịch tâm linh trong nước mà còn tổ chức tour quốc tế. Giám đốc Công ty Du lịch Mỹ Phúc Happy Travel Trần Thị Hạnh cho biết, sau khi nhiều nước khu vực Đông Nam Á và Bắc Á mở cửa đón du khách, nhiều tín đồ Phật giáo Việt sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để mua tour quốc tế vãn cảnh, lễ chùa.
Hiện tour Thái Lan thu hút nhiều khách mua bởi giá tương đối tiết kiệm, khách chỉ phải bỏ ra gần 7 triệu đồng là đã có cơ hội đi Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm thưởng ngoạn kiến trúc Núi Phật Vàng (Khao Chee Chan) ở Pattaya, chiêm bái Bức Tượng Phật 4 mặt - được coi là linh hồn của Phật Giáo Thái Lan tại Thủ đô Bangkok.
Tương tự, Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng thông tin, sau khi hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines mở hàng chục đường bay quốc tế Việt Nam - Ấn Độ đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở tour du lịch tham quan Ấn Độ - nơi khởi nguồn đạo Phật - với nhiều điểm thánh tích linh thiêng trong 6 ngày 5 đêm, mức giá hơn 20 triệu đồng/khách.
“Hiện tour Ấn Độ đang thu hút nhiều du khách, nguyên nhân không chỉ bởi sức hấp dẫn của đền, đài, mà còn bởi thủ tục visa chỉ gồm hộ chiếu, ảnh, tờ khai visa, không phải chứng minh tài chính” - bà Dương Thanh Hằng nêu rõ.
Du lịch tâm linh chưa “hút” khách ngoại
Thực tế cho thấy, mặc dù tour du lịch tâm linh thu hút một lượng lớn du khách tham gia trong những ngày đầu năm nhưng chủ yếu là khách nội địa, vắng bóng khách quốc tế.
Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, với những lợi thế lớn về danh lam, thắng cảnh, nền văn hóa lâu đời cùng nhiều di tích có giá trị, nhiều tín ngưỡng bản địa đặc trưng… Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành điểm đến lý tưởng của loại hình du lịch tâm linh. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp lữ hành cũng rất khó khăn để bán tour du lịch tâm linh cho khách nước ngoài, nguyên nhân là do sự phối hợp, quy hoạch của địa phương trong xúc tiến quảng bá các điểm du lịch tâm linh đến du khách còn rất yếu.
"Để du lịch hành hương, du lịch tâm linh tìm được chỗ đứng trong lòng du khách ngoại, các địa phương cần xây dựng bảng sự kiện lễ hội tâm linh tiêu biểu. Đồng thời các địa phương cần có sự thống nhất trong việc tạo nên sản phẩm du lịch tâm linh thực sự có sức hấp dẫn" - ông Nguyễn Minh Mẫn đưa ra gợi ý.
Đồng tình với ý kiến này, Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long phân tích, hiện nay ở Việt Nam, du lịch tâm linh còn mang nặng tính thời vụ, thường tập trung vào dịp cuối năm, đầu năm âm lịch. Việc tổ chức theo thời vụ khiến lượng khách nước ngoài đặt tour du lịch hành hương, tâm linh khá khiêm tốn.
Để thu hút khách quốc tế đến với sản phẩm du lịch tâm linh, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, trước hết cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu du khách. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch lễ hội một cách thường xuyên và có hiệu quả.
Ngoài ra công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên nhằm truyền tải nội dung và ý nghĩa của các lễ hội đến du khách, đặc biệt là du khách quốc tế phải được quan tâm. Đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch tâm linh.
“Vừa qua du lịch Hà Nội đã phối hợp với tỉnh Hà Nam - Ninh Bình phát triển trục du lịch tâm linh 3 tỉnh thành phố, qua đó giúp doanh nghiệp tạo được sản phẩm thế mạnh trong mùa lễ hội năm 2023” - bà Đặng Hương Giang nêu ví dụ.
Rõ ràng, để du lịch tâm linh tìm được chỗ đứng trong lòng du khách nước ngoài vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-nam-chon-du-xuan-o-dau.html