Đầu năm học, áp lực lớn nhất với GV chủ nhiệm là phải thu các khoản đóng góp

Thầy cô giáo chủ nhiệm luôn mong phụ huynh đóng góp các khoản theo quy định một cách đầy đủ. Vì đó là chung tay giúp đỡ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Thu tiền đầu năm luôn là bài toán nan giải đối với giáo viên, với nhà trường, kể cả đối với những địa phương thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi cuộc họp phụ huynh đầu năm là cuộc họp “tiền đâu”. Bởi, gần như tất cả các khoản đóng góp trong năm đều được triển khai ở cuộc họp này.

Vì thế, cứ đến buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhiều thầy cô giáo lại cảm thấy lo lắng và đầy áp lực về việc phổ biến và vận động các khoản thu. Dù đó là những khoản thu theo quy định, những khoản thu học sinh phải nộp để phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của các em.

 Giáo viên chủ nhiệm chịu áp lực về những khoản thu đầu năm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Giáo viên chủ nhiệm chịu áp lực về những khoản thu đầu năm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Giáo viên lo lắng vì không biết phải triển khai đến phụ huynh thế nào về những khoản thu trong nhà trường để nhận được sự đồng tình, chung tay từ phụ huynh. Và nếu không nhận được sự ủng hộ thì bản thân những thầy cô giáo ấy cũng sẽ gặp khó khăn với nhà trường khi bị quy trách nhiệm “làm công tác chủ nhiệm chưa tốt”.

Giáo viên có phải chịu trách nhiệm khi lớp không hoàn thành về một số khoản thu theo quy định?

Có lẽ đã quá quen với những buổi họp phụ huynh đầu năm, chủ yếu chỉ là triển khai công tác thu chi trong năm học, thế nên có những phụ huynh đã trốn họp. Số khác lại nhắn tin kiểu nhà có việc bận, đóng góp khoản gì thầy (cô) ghi giấy gửi về phụ huynh biết.

Trong thực tế, những phụ huynh tham gia cuộc họp thường thực hiện việc đóng góp hoặc ủng hộ các loại quỹ khá đầy đủ trong tâm thế đồng tình. Vì, họ đã hiểu rõ những khoản phải đóng theo quy định hoặc những khoản ủng hộ mang lại quyền lợi trực tiếp cho con cháu mình.

Ví dụ như khoản bảo hiểm y tế, học bạ điện tử, tiền học phí…hoặc tiền hội phí (kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh).

Những phụ huynh không đi họp thường là không đóng, hoặc là đóng khá chậm trễ sau khi giáo viên chủ nhiệm đã phải gặp gỡ nhiều lần.

Một lớp dù chỉ khoảng vài em không đóng tiền (đó là những khoản tiền chính đáng, thu theo quy định) thì tùy vào trường học, tùy vào hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ gặp rắc rối. Nhẹ thì thầy cô ấy bị nhắc nhở, nặng sẽ bị xem xét vào xếp loại thi đua.

Một giáo viên ở miền Tây nhắn tin hỏi người viết: “Việc thu tiền bảo hiểm y tế học sinh, có công văn nào bắt giáo viên chủ nhiệm phải thu? Nếu thu không đạt sẽ bị hạ một bậc thi đua có đúng không?”.

Hỏi rồi, giáo viên này cho biết, những năm học trước, có thầy cô thu không đạt 100% tiền bảo hiểm y tế đã bị nhà trường hạ một bậc thi đua dù trong năm học đó, thầy cô giáo ấy đã giảng dạy và tham gia các phong trào của trường rất tốt.

Một giáo viên ở vùng Tây Nguyên cũng chia sẻ về khoản tiền hội phí. Theo quy định, đây là khoản tiền ủng hộ tự nguyện từ phụ huynh. Do lớp có quá nhiều phụ huynh không ủng hộ nên không có kinh phí tổ chức hoạt động, dẫn đến nhiều phong trào của lớp tham gia không đạt chất lượng.

Giáo viên chủ nhiệm dù có giảng dạy tốt, có nhiệt tình trong mọi hoạt động nhưng lớp chủ nhiệm luôn xếp cuối bảng thi đua thì phần xếp loại chủ nhiệm của những thầy cô giáo này cũng không thể không bị ảnh hưởng.

Chia sẻ câu chuyện này, một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Từ trước đến nay, trong ngành giáo dục chưa có một văn bản nào quy định giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm khi để lớp xảy ra tình trạng thất thu.

Những hình thức kỷ luật giáo viên như hạ một bậc thi đua hoặc nhắc nhở nhiều lần trước hội đồng là do hiệu trưởng mỗi trường học tự đề ra để ép giáo viên phải tìm mọi cách thu đủ".

Rất cần sự chung tay từ phụ huynh

Việc thu các khoản đầu năm thì giáo viên chủ nhiệm là người chịu áp lực nhiều nhất. Thầy cô không chỉ vận động phụ huynh đóng đủ, đóng đúng thời gian mà còn phải chịu trách nhiệm với nhà trường.

Những khoản thu học sinh phải nộp theo quy định như bảo hiểm y tế hoặc tiền ăn bán trú (đối với những trường bán trú)..., phụ huynh cần đóng đủ tránh gây áp lực lên giáo viên.

Khi áp lực thu bị đè nặng thì ít nhiều thầy cô ấy cũng bị sao nhãng trong giảng dạy. Có thầy cô bước vào lớp, việc đầu tiên không phải dạy mà là “đòi tiền” học sinh. Một số giáo viên còn truyền nhau “bí kíp”, “đòi tiền” học sinh sẽ hiệu quả hơn nhiều khi nói chuyện với phụ huynh.

Không phải ngẫu nhiên mà một học sinh lớp 3 khi viết về cô giáo thế này: “Cô giáo em bước vào lớp. Cô mặc bộ đồ dài rất đẹp. Cô đặt chiếc cặp lên bàn và hỏi: Hôm nay lớp ta, có ai đóng tiền không?”.

Một số thầy cô tâm sự, cũng không muốn dùng hạ sách nhắc nhở học sinh đóng tiền trên lớp mỗi ngày. Thế nhưng, không làm thế thì bản thân mình cũng gặp bao phiền toái.

Vì thế, giáo viên nào cũng luôn mong muốn phụ huynh đóng góp các khoản theo quy định một đầy đủ, đúng thời gian là đã chung tay và giúp đỡ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu phụ huynh thấy những khoản yêu cầu đóng góp là bất minh, là vô lý trái với quy định thì phụ huynh cần đồng lòng, mạnh dạn có ý kiến hoặc gửi đơn lên nhà trường yêu cầu làm rõ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dau-nam-hoc-ap-luc-lon-nhat-voi-gv-chu-nhiem-la-phai-thu-cac-khoan-dong-gop-post245546.gd