Đầu năm, nói chuyện 'vực' niềm tin của nhà đầu tư
Thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, là nơi cung ứng nguồn vốn trung, dài hạn và là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc vực dậy niềm tin, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023.
Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch
Thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, quy mô, sản phẩm và thanh khoản, góp phần huy động được nguồn lực tài chính hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, đạt 134,5% GDP vào cuối năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025 đạt mục tiêu: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu, đảm bảo an toàn hệ thống.
Phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Vũ Như Thăng đánh giá thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; khung khổ pháp lý được hoàn thiện; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để phát triển bền vững hơn. Triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu tính ổn định; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường; nguy cơ bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới chưa có, nhiều kiến thức về thị trường chứng khoán; nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...
Chỉ ra những hạn chế của thị trường vốn tại Việt Nam, ThS.Nghiêm Anh Thư - Đại học Ngoại thương cho rằng, dù có nền tảng khá tốt và nhiều điểm sáng, song thị trường vốn nước ta còn có không ít hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Trong đó có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thao túng thị trường, làm giá và thao túng giá cổ phiếu; huy động trái phiếu sử dụng sai mục đích; vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường...
Củng cố nền tảng để phát triển bền vững
TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của BIDV dự báo thanh khoản của thị trường tái phiếu DN và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ và thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu của giai đoạn 2023 - 2024. Vì vậy, Chính phủ nên cho phép sửa đổi quy định pháp luật với mức độ cân bằng, phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh. Cùng với đó, sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, qua đó khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đưa ra giải pháp phát triển thị trường vốn hiệu quả và bền vững, ThS.Nghiêm Anh Thư đưa ra khuyến nghị, cần triển khai đồng bộ và chú ý tính hai mặt của các chính sách. Trước hết cần tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 153/NĐ-CP và Nghị định 155/NĐ-CP bảo đảm sự nhất quán, ổn định và chặt chẽ. Qua đó, minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư.
Phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ; tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp.
Mặt khác, cần phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nhân lực quản lý thị trường đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, nhưng kịp thời tổ chức điều tra, xử lý nghiêm khắc các biểu hiện vi phạm, nhất là các hành vi thao túng, làm giá, đưa tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Còn theo Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Vũ Như Thăng, cần phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và những chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường quản lý thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích.
Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định các rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Cùng với đó, triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-nam-noi-chuyen-vuc-niem-tin-cua-nha-dau-tu.html