Đầu năm và câu chuyện tâm linh

Hầu như năm nào cũng vậy, thường vào dịp đầu năm tính từ Tết Nguyên đán, tức tháng Giêng hằng năm là khoảng thời gian người Việt lại có nhu cầu hướng về đời sống tâm linh nhiều nhất với rất nhiều lễ hội chùa chiền cầu xin may mắn cho cả năm. Tuy nhiên, tâm linh và mê tín lại là một sợi dây vô hình mỏng manh. Một ranh giới để không phải những ai có trí tuệ đều có thể nhận ra, để không bị vướng vào những trò lừa bịp của kẻ xấu.

Những câu chuyện giải hạn mất vài trăm triệu. Những trò cúng đồ lễ vật tế thần linh để mong thoát khỏi hạn xui sao xấu, hay những món đồ phong thủy có giá trên trời để mong xua đuổi vận hạn xấu. Và đặc biệt là những khoản tiền khổng lồ từ các khu du lịch tâm linh của người dân bỏ vào mỗi khi đi đến lễ, vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Mang tiếng là hòm công đức, là tiền trả lễ, nhưng thật ra số tiền đó thế giới tâm linh đâu có nhu cầu để hưởng và để trả ơn cho người cúng lễ, rồi mang tới tài lộc may mắn cho họ?

Có lần người viết bài này đặt chân ra Côn Đảo đúng vào dịp rằm tháng giêng âm lịch. Cũng đi tới tất cả các nơi có khu tâm linh trên mảnh đất linh thiêng ấy và chứng kiến cảnh du khách rải tiền khắp nơi. Mệnh giá từ mười ngàn đến năm mươi ngàn đồng. Họ rải hết miếu này đến miếu khác, có những thực khách đã mang theo những cọc tiền với mệnh giá hai mươi, năm mươi ngàn… Vừa rải vừa khấn vái liên tục.

Còn bản thân người viết vừa nhìn họ vừa tiếc nuối với dòng suy nghĩ trong đầu rằng, giá như những xấp tiền kia được mang vào bệnh viện thì có thể góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh. Giá như những xấp tiền kia đem đi xây trường học vùng nghèo khó, xây dựng thư viện cộng đồng ở vùng nông thôn, để làm thay đổi biết bao số phận cơ cực và thiếu thốn kiến thức thì hay biết mấy.

Nếu như làm được điều này thì theo cách nói của thiền sư Minh Niệm, tài khoản phước đức của mình sẽ ngày một gia tăng thêm, được vũ trụ ghi nhận thì dẫu có trải qua bao nhiêu nghịch cảnh gì cũng được bình an mà chuyển hóa nghiệp dữ thành nghiệp lành. Có hay không thế giới tâm linh đang được chứng minh. Tuy nhiên, với những ai đã từng đọc các cuốn sách của tác giả Nguyên Phong mới vỡ lẽ ra rằng, ở thế giới tâm linh người ta không hề có các nhu cầu đòi hỏi về vật chất. Họ cũng không còn phải bon chen tranh giành, bởi tất cả đều phải trải qua hệ quy chiếu của luật nhân quả.

Những trò bói toán mê tín, cúng tế tiền bạc vật chất để mong mình thoát khỏi vận hạn trong năm tất cả chỉ phục vụ nhu cầu lòng tham của con người, chứ Chúa hay Phật, hoặc thế giới tâm linh họ không hề có nhu cầu đòi hỏi bất cứ vật chất gì. Và tất nhiên đọc đến đây chắc hẳn sẽ có không ít người hồ nghi tự hỏi: “Vậy đâu là ranh giới giữa thế giới tâm linh và sự mê tín sai trái?”. Cách phân biệt vô cùng đơn giản là khi thế giới tâm linh đòi hỏi một đức tin mãnh liệt rằng, nếu ta sống tốt và có khả năng đương đầu với nghịch cảnh, biết yêu thương, luôn bày tỏ lòng biết ơn, quản trị được những cơn cảm xúc tiêu cực, thì tự khắc sẽ chuyển được chuyện dữ hóa chuyện lành.

Còn ngược lại nếu ta tin vào việc “hối lộ” thần linh để thoát khỏi vận hạn đen đủi, thì nó là sự vô minh trong thế giới mê tín dị đoan với đủ các chiêu trò moi tiền. Để rồi khi tiền mất, tật mang sẽ quay sang đổ lỗi cho số phận mình thiếu may mắn.

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/141447/dau-nam-va-cau-chuyen-tam-linh