Dầu Nga lần đầu vượt 'lằn ranh đỏ', đòn trừng phạt của phương Tây đã thể hiện 'sức nặng' hay chỉ là gặp may?

Một thùng dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức gần 64 USD - vượt mức giá trần mà phương Tây áp đặt. Các thương nhân có niềm tin ngày càng tăng rằng, phương Tây khó có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng dầu mỏ của Moscow.

Dầu Nga vẫn 'phủ sóng' khắp thế giới, dù bị phương Tây trừng phạt. (Nguồn: Energy Intelligence)

Dầu Nga vẫn 'phủ sóng' khắp thế giới, dù bị phương Tây trừng phạt. (Nguồn: Energy Intelligence)

Dầu Nga vượt giá trần

Theo dữ liệu từ Công ty Argus Media, ngày 13/7, giá chuẩn của dầu thô Urals của Nga đã vượt mức 60 USD/thùng - "lằn ranh đỏ" mà phương Tây áp dụng với Nga từ tháng 12/2022.

Vụ vi phạm xảy ra 8 tháng sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mức trần, ngăn cản các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và các dịch vụ khác cần thiết để xuất khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Giá chuẩn của dầu Nga đưa ra thị trường được tính dựa trên giá trung bình do người mua, người bán và nhà môi giới đưa ra.

Trong khi G7 và EU cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Moscow, thì các quốc gia khác ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu giá rẻ từ đất nước này.

Hầu hết các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển đều có trụ sở tại châu Âu, nên mức giá trần nhằm mục đích làm giảm doanh thu của Nga, trong khi vẫn cho phép dầu của nước này chảy ra thị trường toàn cầu.

Nhận định về việc dầu Nga vượt giá trần, ông Matthew Wright, nhà phân tích vận chuyển hàng hóa cấp cao tại Kpler nói: “Đây là phép thử đầu tiên đối với các biện pháp trừng phạt của G7 và EU.

Kể từ khi giới hạn giá được đưa ra vào tháng 12/2022, phương Tây không cần phải thực thi các quy tắc vì dầu thô của Nga luôn được giao dịch dưới 60 USD/thùng.

Lãi suất cao, hoạt động kinh tế suy giảm ở Trung Quốc và nguy cơ suy thoái ở phương Tây đã làm giảm giá dầu trên toàn cầu. Nhưng hiện tại, giá đang tăng lên, không rõ chính quyền phương Tây sẽ có thể thực thi giới hạn ở mức độ nào".

Dầu Nga "phủ sóng" khắp thế giới

Trong nỗ lực hỗ trợ giá, các nhà sản xuất dầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi là OPEC+) đã cắt giảm sản lượng trong những tháng gần đây, thắt chặt nguồn cung. Theo dữ liệu của Argus Media, giá của cả dầu thô Urals và Brent, chuẩn dầu toàn cầu, đã tăng lần lượt 23% và 10% trong hai tuần qua.

Khoảng cách giữa hai mức giá cũng đã được thu hẹp. Điều này cho thấy dầu của Nga giảm giá ít hơn.

Một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức 38 USD vào ngày 20/3, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cùng thời điển đó, dầu Brent giao dịch ở mức 71 USD/thùng dầu Brent.

Nhưng đến ngày 13/7, một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức gần 64 USD so với 81 USD của dầu Brent. Khoảng cách giữa hai mức giá đã giảm 48%.

Ông Richard Bronze, đồng sáng lập và trưởng bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects khẳng định, khoảng cách của dầu thô Urals và dầu Brent nhỏ hơn đang chứng minh rằng, giới hạn giá G7 “có tác động giảm dần đối với doanh thu từ dầu mỏ của Nga”.

Ngoài việc thu hẹp mức chiết khấu, ông Bronze cho biết, các thương nhân có niềm tin ngày càng tăng rằng, các quốc gia phương Tây khó có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng dầu mỏ của Moscow. Việc mở rộng “đội tàu ngầm” và sự gia tăng trong số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và bảo hiểm hàng hải ngoài phương Tây đang giúp dầu Nga "phủ sóng" khắp thế giới.

Nhà phân tích Matthew Wright nhận định: "Bất chấp giá dầu tăng, những 'khách sộp' như Ấn Độ khó có thể quay lưng lại với dầu của Nga. Số liệu từ OPEC cung cấp cho rằng, Moscow là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho quốc gia Nam Á này trong tháng 5/2023, chiếm 46% lượng nhập khẩu".

Thay vào đó, theo ông Wright, thị trường sẽ thấy nhiều tàu thuộc sở hữu bên ngoài EU vận chuyển dầu thô của Nga. "Có quá nhiều lý do giữ cho dầu thô của Nga được vận chuyển đến khách hàng", nhà phân tích này nhấn mạnh.

Một tàu chở dầu ở Novorossiysk, Nga, vào tháng 10/2022. (Nguồn: New York Times)

Một tàu chở dầu ở Novorossiysk, Nga, vào tháng 10/2022. (Nguồn: New York Times)

Nga chủ động thực hiện trừng phạt?

Dầu mỏ là trụ cột trung tâm của nền kinh tế Nga. Trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, doanh thu từ thuế và thuế xuất khẩu đối với lĩnh vực dầu khí chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga.

Theo ước tính do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 13/7, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong tháng 6/2023 đã giảm tới 600.000 thùng/ngày và xuống còn 7,3 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6 đã giảm 1,5 tỷ USD xuống còn 11,8 tỷ USD, chỉ tương đương một nửa doanh thu nhận được cùng kỳ một năm trước đó.

Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy, thu ngân sách của Nga từ dầu khí trong tháng 6 đã giảm xuống còn 5,8 tỷ USD (528,6 tỷ Ruble), thấp hơn 26,4% so với cùng tháng năm ngoái.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nêu quan điểm, chỉ trong vòng 6 tháng, mức trần giá đã góp phần làm giảm đáng kể doanh thu của Nga tại một thời điểm rất quan trọng của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ngoài giới hạn giá, các quốc gia đồng minh đã "tấn công" nền kinh tế Nga bằng hàng ngàn biện pháp trừng phạt trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch quân sự. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các giao dịch ngân hàng-tài chính, nhập khẩu công nghệ, sản xuất và những người Nga có quan hệ với chính phủ.

Ông khẳng định: “Việc giới hạn giá dầu sẽ hạn chế các công ty dầu mỏ của Nga trong tương lai, khiến họ có ít tiền hơn để đầu tư vào thăm dò và sản xuất. Từ đó, sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ Nga".

Tuy nhiên, trang Oilprice nhận thấy, khi phương Tây áp dụng trừng phạt, Nga dễ dàng tìm thấy thị trường mới. Do đó, doanh thu dầu Nga sụt giảm không hẳn là do các biện pháp trừng phạt phát huy tác dụng.

Để thâm nhập và có chỗ đứng tại một thị trường mới, Moscow đã chủ động giảm giá dầu tương đối nhiều, thậm chí thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới.

Oilprice bình luận: "Mức giá trần được Nga duy trì, không phải vì 'sức nặng' của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây mà do Moscow buộc phải chủ động áp dụng".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-nga-lan-dau-vuot-lan-ranh-do-don-trung-phat-cua-phuong-tay-da-the-hien-suc-nang-hay-chi-la-gap-may-234515.html