Đầu nguồn 'khát lũ'
Ông bà xưa có câu 'Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ' để nói về mùa nước nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên năm nay dù đã đến trung tuần tháng 7 âm lịch song con nước vẫn biệt tăm, người dân đầu nguồn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản 'đứng ngồi không yên' ngóng nước về.
Hiện tại, huyện đầu nguồn Hồng Ngự có hơn 9.000ha đất sản xuất lúa đang chờ xả lũ, thế nhưng hiện mức nước tại các tuyến kênh đầu nguồn vẫn còn khá thấp, nước lũ còn chưa “bò” tới mé ruộng, đừng nói chi là tràn đồng.
Mực nước tại các sông đầu nguồn thấp hơn khoảng 1m so với cùng kỳ những năm trước. Ảnh: Lê Thành Trí
Cứ như thông lệ hằng năm, khi làm xong vụ lúa hè thu là bà con vùng đầu nguồn lại chuẩn bị câu lưới đón con nước về. Để chuẩn bị đánh bắt cho mùa nước năm nay, ông Võ Văn Sậy ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chuẩn bị trên 200 chiếc lọp đặt tôm càng xanh. Song, đã rằm tháng 7 âm lịch nhưng lọp tôm của ông Sậy vẫn còn chất đống trong nhà.
“Những năm trước, khoảng rằm tháng 6 âm lịch nước đã tràn đồng, đến đầu tháng 7 thì mực nước lên được khoảng 1,5m. Nước về sớm và nhiều chừng nào thì cá tôm trù phú chừng ấy. Những năm gần đây, nước về muộn và cũng ít hơn, nguồn lợi thủy sản cũng ít đi. Dù vậy nhưng trung bình mỗi ngày gia đình tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn từ nghề câu lưới. Còn năm nay coi như thua rồi, rằm tháng 7 nhưng nước trên ruộng vẫn chưa có giọt nào, mực nước dưới các tuyến kênh thì vẫn còn thấp nên cũng chưa thể xuống lọp” - ông Sậy ngậm ngùi nói.
Theo nhiều nông dân vùng đầu nguồn, trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây, năm 2019 là năm đầu tiên bà con chứng kiến hiện tượng cả cánh đồng đầu nguồn khô cạn nước vào ngay mùa nước. Với người dân vùng đầu nguồn nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, mùa nước nổi không phải là một hiện tượng thiên nhiên cực đoan mà chính là nguồn sống giúp vùng châu thổ này tái tạo và màu mỡ hơn.
Bà Phạm Thị Nhuộm ở xã Thường Phước 1 lo lắng: “Nước về không chỉ mang lại nhiều cá tôm cho cư dân vùng đầu nguồn mà còn mang theo lượng phù sa dồi dào, giúp ruộng đồng bổ sung chất dinh dưỡng và rửa độc sau 1 năm dài sản xuất. Năm nay dù đã rằm tháng 7 nhưng trên đồng vẫn chưa thấy nước về. Không có phù sa, đất sẽ không thể tái tạo, vụ mùa tới chắc chắn sẽ phải tốn nhiều chi phí sản xuất hơn”.
Ông Phạm Hồng Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, tính đến hết tháng 7, mực nước tại khu vực xã Thường Phước 1 thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1,5m. Lũ nhỏ khiến cho việc sản xuất lúa trong vụ đông xuân tới của bà con gặp nhiều khó khăn hơn. Do không mang lại phù sa, dịch bệnh không được cách ly sẽ gây áp lực lớn cho vụ mùa tới. Hiện trên địa bàn xã có trên 300 hộ dân sống bằng nghề câu lưới trong mùa nước nổi, song với tình trạng nước thấp như năm nay thì sẽ gây ra khó khăn rất nhiều cho bà con.
Hiện nay, toàn huyện Hồng Ngự có khoảng 9.000ha đất sản xuất lúa của bà con nông dân đang chờ xả lũ, tập trung tại các xã: Thường Phước 1, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Khánh... song do mực nước tại các sông hiện nay còn khá thấp nên nước vẫn chưa thể tràn đồng.
Không riêng ở huyện Hồng Ngự, các địa bàn lân cận như TX.Hồng Ngự, huyện Tân Hồng cũng rơi vào tình trạng “khát lũ” tương tự, nhiều cánh đồng cỏ đã lên xanh um nhưng con nước vẫn còn “ì ạch” mãi chưa tràn lên đồng.
Ông Trần Phước Lộc - Trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết: “Ngoài việc bị động trong vấn đề xả lũ cho đất lúa nghỉ ngơi thì các mô hình sinh kế trong mùa lũ của địa phương cũng phải chịu cảnh “phá sản”. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, phát triển sinh kế bền vững trong mùa nước nổi năm 2019, địa phương dự kiến triển khai một số mô hình sinh kế như nuôi giữ cá tự nhiên, nuôi tôm càng xanh... song do lũ thấp và về muộn nên các mô hình này gần như không thể triển khai”.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 7 dương lịch, do mực nước tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kong vẫn ở mức rất thấp, nên mực nước các nơi trong tỉnh vẫn chịu ảnh hưởng chính của thủy triều biển Đông và ở mức rất thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 1m. Theo dự báo, nhiều khả năng đỉnh lũ năm nay chỉ ở mức báo động 1 và báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ năm 2018 và cùng kỳ nhiều năm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch.
Từ bao đời nay, người dân vùng đầu nguồn nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đã thích nghi và quen với cảnh “sống chung với lũ”. Song, tình trạng ngay mùa lũ nhưng đồng bằng lại “khát nước” đã không còn là viễn cảnh mà nó đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất và sinh kế của người dân. Theo các chuyên gia, lũ năm 2019 được dự báo thấp so với cùng kỳ nhiều năm là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, song nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do các đập ở đầu nguồn giữ nước để làm thủy điện. Sẽ ra sao khi ĐBSCL thiếu nước, trong khi chờ các nhà khoa học và ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp thì việc cần làm bây giờ là tìm kiếm các mô hình sản xuất phù hợp, nhằm thích ứng với một đồng bằng nhiều khả năng nước ngọt không còn dư dã như xưa.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/dau-nguon-khat-lu--86066.aspx