Đau nhức vùng trán là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Đau nhức vùng trán có thể gây khó chịu, đau đớn và mất tập trung, ảnh hưởng tới các sinh hoạt hàng ngày.

1. Các loại đau nhức vùng trán và triệu chứng có thể gặp

Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân gây đau nhức vùng trán, bạn cần nắm được một số loại đau trán và triệu chứng của từng loại. Cụ thể:

-Đau nhức nhối (throbbing pain)

Là dạng đau cảm nhận rõ nhịp đập cùng với nhịp tim mỗi khi cơn đau xuất hiện từng đợt thường có vẻ "nặng nề” và cảm nhận rõ áp lực lớn lên vùng trán. Loại đau nhức vùng trán này thường có thể do chứng đau nửa đầu, say xỉn, căng thẳng gây ra.

-Đau như bị đâm (Piercing pain)

Đau xuyên thấu như bị đâm là những cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có mức độ nghiêm trọng cao. Khi cơn đau xảy ra, não dường như có cảm giác đóng băng, đặc biệt khi bạn vừa ăn hoặc uống thứ gì đó quá lạnh. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới cơn đau loại này có thể kể đến như chứng phình động mạch, dù hiếm gặp.

Có nhiều loại đau nhức vùng trán khác nhau (Ảnh: Internet)

Có nhiều loại đau nhức vùng trán khác nhau (Ảnh: Internet)

- Đau như bị điện giật(Shooting pain)

Cơn đau dạng này thường lan tỏa và diễn ra nhanh như khiến bạn có cảm giác chúng "bắn ra" từ trán. Loại đau này thường gặp ở các tình trạng như tăng huyết áp và nhiễm trùng.

Các triệu chứng khác có thể đi kèm với cơn đau nhức vùng trán có thể kể đến như yếu ớt, mệt mỏi, nghẹt mũi, sốt, ớn lạnh, chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy, áp lực trong tai, đau ở cổ, đau ở hàm, đau tê rần ở da đầu hoặc đau mắt.

Khi cơn đau vùng trán bắt đầu xảy ra, hãy chú ý tới bất kì triệu chứng hoặc thay đổi nào khác của cơ thể mà bạn có thể gặp phải, điều này sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức vùng trán thuận lợi hơn.

2. Nguyên nhân gây đau nhức vùng trán

Đau nhức vùng trán thường là triệu chứng của các vấn đề phổ biến như cảm lạnh hoặc đau đầu. Những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra đau trán, bao gồm:

- Nhiễm trùng, viêm

Viêm xoang có triệu chứng đau cấp tính phổ biến nhất là đau nhức quanh vùng trán hoặc quanh hốc mắt. Những cơn đau này tương đối đặc trưng nên dễ nhận biết, mức độ đau tăng lên dần cho tới khi áp lực trong xoang trán giảm đi thì cơn đau mới dịu dần xuống.

Các triệu chứng khác của viêm xoang trán có thể kể đến như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, giảm khứu giác, hơi thở có mùi hôi, có thể sốt trên 38,5 độ C, mệt mỏi, đau nhức khắp người.

Các nhiễm trùng khác như cảm lạnh hoặc cúm cũng có thể gây ra triệu chứng này. Cơn đau thường diễn ra âm ỉ và nặng như bị đè. Đôi khi người bệnh cũng có thể cảm thấy cơn đau trán theo từng cơn kèm theo cảm giác căng tức.

Ngoài ra, sưng và viêm nhiễm có thể làm tăng áp lực xung quanh trán và thái dương của bạn. Điều này có thể được gây ra bởi bệnh tật hoặc lượng dịch tăng lên trong các mô mềm ở đầu và cổ.

Sưng và viêm nhiễm có thể làm tăng áp lực xung quanh trán và thái dương của bạn (Ảnh: Internet)

Sưng và viêm nhiễm có thể làm tăng áp lực xung quanh trán và thái dương của bạn (Ảnh: Internet)

- Đau đầu

Đau nửa đầu, đau đầu từng cơn, đau đầu do căng thẳng, đau đầu vùng trán - tất cả đều có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm cả đau nhức vùng trán.

Cảm giác đau có thể là đau âm ỉ, đau như bị đập hoặc đau nhói từng cơn tùy thuộc vào loại đau đầu mà bạn gặp phải.

Chẳng hạn, với cơn đau đầu vùng trán có thể hình thành do một số bệnh lý như bệnh mạch máu não, khối u chèn ép não, các viêm nhiễm ở vùng đầu cổ, rối loạn thần kin chức năng hay đơn giản.

- Thay đổi nội tiết tố

Hormone ảnh hưởng đến rất nhiều sức khỏe của chúng ta. Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là trong các giai đoạn như chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, mãn kinh, có thể gây ra cảm giác đau nhức ở trán do ảnh hưởng đến cân bằng hóa học trong cơ thể. Cảm giác đau này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đau âm ỉ đến đau nhức mạnh.

- Mỏi mắt

Đọc sách, sử dụng máy tính hoặc chơi trên một màn hình điện tử cỡ nhỏ trong thời gian dài đều có thể dẫn đến sự khó chịu đau nhức ở trán.

- Cai rượu, cai caffeine

Bỏ cafeeine, rượu, hoặc các chất khác có thể gây ra nhiều triệu chứng hậu cai nghiện, bao gồm cả đau nhức vùng trán.

- Viêm màng não

Viêm màng não là một nhiễm trùng nghiêm trọng hơn diễn ra ở lớp mô quanh não bộ và tủy sống. Bệnh có thể gây ra cảm giác đau đầu nghiêm trọng, bao gồm cả đau nhức vùng trán. Viêm màng não được định nghĩa là một tình trạng nguy kịch và cần chăm sóc y tế khẩn cấp ngay lập tức.

Cơn đau đầu do viêm màng não rất nghiêm trọng và dữ dội kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao đột ngột trên 39 độ C, buồn nôn và nôn mửa, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, buồn ngủ, lừ đừ hoặc có thể hôn mê.

Viêm màng não là một nhiễm trùng nghiêm trọng cần chăm sóc y tế ngay lập tức (Ảnh: Internet)

Viêm màng não là một nhiễm trùng nghiêm trọng cần chăm sóc y tế ngay lập tức (Ảnh: Internet)

- Phình mạch máu não

Một ổ phình mạch máu não có thể gây ra các triệu chứng ở vùng đầu. Phần phình to lên không vỡ nhưng có thể bị rò rỉ một lượng máu nhất định ra bên ngoài, từ đó có thể gây áp lực lên các mô mềm và dẫn đến đau đầu kéo dài.

Một khi túi phình vỡ ra, cơn đau đầu sẽ đột ngột và đặc biệt nghiêm trọng. Các triệu chứng cần thăm khám ngay lập tức bao gồm: Hoa mắt, buồn nôn hoặc nôn mửa, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, mất ý thức, thị lực thay đổi, liệt một bên mặt, giãn đồng tử, đau ở phía trên và sau mắt, sụp mi đột ngột...

- Đột quỵ

Trong những trường hợp hiếm hoi, một cơn đau nhức vùng trán đột ngột, sắc nhọn có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

Các triệu chứng nghiêm trọng cần chăm sóc y tế khẩn cấp bao gồm: Yếu hoặc tê cứng, đặc biệt là ở một bên cơ thể; thay đổi mức độ tỉnh táo hoặc ý thức, chẳng hạn như ngất xỉu hoặc mất ý thức; nói lắp bắp hoặc không thể nói; thay đổi đột ngột trong thị lực, như mất thị lực hoàn toàn hoặc đau ở một mắt; thay đổi trạng thái tinh thần, chẳng hạn như sự khởi phát đột ngột của sự rối loạn, ảo tưởng hoặc ảo giác.

3. Cách giảm đau nhức vùng trán

Tùy từng nguyên nhân gây ra cơn đau nhức vùng trán là gì mà điều trị cũng có sự khác biệt. Theo Healthline, các điều trị cơ bản để giảm đau trán có thể bao gồm:

- Thuốc không kê đơn (OTC)

Aspirin hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau trán cho đến khi các vấn đề cơ bản được giải quyết. Nếu đau nhức vùng trán là do viêm xoang hay cảm lạnh, thuốc giảm nghẹt mũi có thể làm giảm nhẹ tình trạng này. Tuy nhiên lưu ý rằng thuốc thông mũi chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.

- Thuốc kê đơn

Nếu bạn có tiền sử mắc bệnh đau nửa đầu hoặc một số loại đau đầu nhất định, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm các triệu chứng của những cơn đau đầu này.

- Nghỉ ngơi

Một khi cơn đau nhức trán xảy ra, điều quan trọng là cần phải nghỉ ngơi đầy đủ. Đặc biệt nếu nguyên nhân gây đau nhức vùng trán là do đau nửa đầu. Bạn có thể sử dụng thêm một túi chườm đá để chườm lên trán giúp giảm nhẹ cơn đau trong khi nghỉ ngơi ở phòng đủ tối giúp thần kinh được thư giãn tốt hơn.

Nghỉ ngơi là một cách cần thiết để giảm cơn đau nhức vùng trán do đau đầu (Ảnh: Internet)

Nghỉ ngơi là một cách cần thiết để giảm cơn đau nhức vùng trán do đau đầu (Ảnh: Internet)

- Botox

Tiêm botox có thể là lựa chọn hữu ích đối với các trường hợp đau nửa đầu do tác dụng giúp ngăn chặn chất dẫn truyền thần kinh mang theo tín hiệu đau từ não.

- Châm cứu, massage

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng liệu pháp thay thế như châm cứu, massage có thể giúp thư giãn cơ bắp đã co cứng ở vùng trán do căng thẳng hoặc stress gây ra, từ đó giúp giảm nhẹ tình trạng đau nhức vùng trán.

- Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết trong trường hợp bệnh nhân bị đau nhức vùng trán do phình động mạch máu não.

4. Đau nhức vùng trán có phòng ngừa được không?

Dựa vào các nguyên nhân gây bệnh mà cơn đau nhức vùng trán có thể được phòng ngừa hiệu quả hơn. Đó có thể là:

- Quản lý căng thẳng bằng các biện pháp giúp thư giãn tâm trí như yoga, các bài tập hít thở sâu, thiền...

- Ăn uống đều đặn:Nếu bạn duy trì một lịch trình ăn uống đều đặn với những bữa ăn lành mạnh, đủ chất, bạn sẽ không phải lo lắng về đau đầu do hạ đường huyết và đói.

Ăn uống lành mạnh, tránh hạ đường huyết do đói gây đau nhức đầu và trán (Ảnh: Internet)

Ăn uống lành mạnh, tránh hạ đường huyết do đói gây đau nhức đầu và trán (Ảnh: Internet)

- Tránh các hoạt động nhất định có thể kích hoạt cơn đau: Nếu bạn thấy đau đầu tăng khi chơi điện tử, khi ngồi ghế sau xe hơi hoặc đọc sách trong ánh sáng yếu, hãy cố gắng tránh những hoạt động này.

- Theo dõi huyết áp của bạn: Đau đầu do cao huyết áp có thể rất đau đớn và cần được kiểm soát đúng cách. Người bị cao huyết áp cần giữ huyết áp ở mức ổn định bằng một lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc ổn định huyết áp nếu có và theo dõi huyết áp thường xuyên.

Cuối cùng, trong nhiều trường hợp, cơn đau nhức vùng trán có thể tự khỏi khi các vấn đề sức khỏe cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài dai dẳng, gây cản trở tới sinh hoạt và công việc thường ngày hay khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ như đã nói ở trên, bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được can thiệp đúng.

Nguồn: Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dau-nhuc-vung-tran-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-20240621104030777.htm