Dấu son trong thực hiện Đề án 06 và sự hài lòng của người dân
Quận Gò Vấp có số lượng người dân đông đứng thứ 2 của thành phố (chỉ sau TP.Thủ Đức), với thành phần đa dạng, trình độ dân trí không đồng đều. Xác định rõ việc triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có đạt được hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào nhận thức, trình độ công nghệ thông tin của công dân, cũng như việc chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất về thiết bị cho công dân trong quá trình đăng ký DVCTT, Công an Q.Gò Vấp đã xây dựng, triển khai mô hình 'Điểm hỗ trợ DVCTT theo Đề án 06'.
Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại chung cư
Ngay từ khi mới triển khai "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06), Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Q.Gò Vấp đã chỉ đạo UBND các phường cấp kinh phí, trang bị máy tính để hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ qua cổng DVCTT; phân công cán bộ hướng dẫn công dân lập tài khoản, thực hiện các bước hồ sơ. Cạnh đó, để công dân được tiếp cận trực tiếp với việc đăng ký, nộp hồ sơ qua cổng DVCTT, Công an quận còn bố trí ôtô lưu động tuyên truyền về thực hiện Đề án 06 và hỗ trợ công dân thực hiện DVCTT tại các địa điểm công cộng. Kết quả, ngày đầu tiên thực hiện đã có hơn 2.000 người dân tham gia. Điều đó cho thấy mô hình đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với đông đảo quần chúng.
Một sáng đầu tuần tháng 11-2022, Tổ cán bộ hướng dẫn giải quyết đăng ký DVCTT có mặt từ rất sớm tại chung cư Felix Home (P6Q.Gò Vấp), gồm các lực lượng: Công an phường, cảnh sát khu vực và 4 nhân viên thuộc Ban quản lý chung cư. Mọi người đều vui vẻ, nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn, giúp người dân thao tác đăng ký tài khoản định danh điện tử hoặc đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin trực tuyến của chính quyền địa phương.
Chị Trần Thị Thanh (cư dân chung cư Felix Home) chia sẻ: "Việc đăng ký tạm trú qua cổng DVCTT rất hiệu quả, tiện lợi, mình đỡ mất thời gian để đi lại bổ sung giấy tờ nhiều lần, khỏi phiền hà và tốn kém. Mình chỉ cần làm các thao tác đơn giản trên điện thoại, rồi mang các giấy tờ cần thiết đến nộp cho Công an phường đối chiếu, xác nhận...". Anh Lê Đình Chung (SN 1984) cảm nhận được sự nhanh chóng, tiện lợi về việc đăng ký làm thẻ CCCD điện tử qua cổng DVCTT. Điển hình trường hợp mẹ ruột anh là bà Lê Thị Điều (SN 1952, ngụ chung cư Felix Home). Bà Điều đã được Công an phường hỗ trợ làm thẻ CCCD điện tử chỉ trong vòng 10 ngày. Theo anh Chung, đây là cách làm hay và thiết thực, cần nhân rộng.
Trung tá Vũ Quốc Thành (Trưởng công an phường 6, Q.Gò Vấp) chia sẻ: "Sau khi phường này được chọn để thực hiện thí điểm mô hình "Điểm DVCTT", từ ngày 01-6-2022, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc đăng ký quản lý cư trú, như: thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng... Theo đó, Công an phường tham mưu cho UBND phường thành lập 6 tổ thực hiện Đề án 06 ở các khu phố. Ngoài việc yêu cầu bắt buộc 100% cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức phải tiên phong tạo tài khoản DVCTT, mỗi người đều phải thao tác nhuần nhuyễn các bước đăng ký tài khoản DVCTT thì mới có thể hướng dẫn giúp người dân đăng ký”.
Đặc biệt, Công an phường 6 luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, chủ động tích hợp mã "QR code" vào các nhóm (group) của các khu phố và cảnh sát khu vực. Trong đó, có hướng dẫn thao tác các bước tự đăng ký tài khoản DVCTT cụ thể. Tại địa bàn phường hiện có 2 điểm mô hình "Điểm DVCTT", một điểm ở chung cư Felix Home và một điểm tại chung cư Splendor. Phường đã tiếp nhận hơn 7.100 hồ sơ, trong đó đã xử lý gần 6.000 hồ sơ, số còn lại chủ yếu thuộc các trường hợp người chết nhưng chưa được cập nhật dữ liệu báo tử, một số trường hợp khác do người dân đi khỏi địa phương đến nơi khác sinh sống, không rõ địa chỉ liên lạc... Theo Trung tá Thành, tại chung cư Splendor, Công an quận đã giải quyết cho khoảng 75% dân cư được cấp thẻ CCCD điện tử.
Từ khi triển khai thực hiện Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắp chíp đến nay, Công an Q.Gò Vấp đã thu nhận 504.530 hồ sơ CCCD gắp chíp; hoàn thiện, truyền lên Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH 504.425 hồ sơ; nhận 393.453 CCCD gắp chíp trả cho công dân theo quy định.
Kết quả thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, trên địa bàn Q.Gò Vấp có hơn 98% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại 36 cơ quan, đơn vị, UBND các phường trên địa bàn quận đã đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh mức 01 và hơn 90% tham gia mức 02. Các "Điểm hỗ trợ DVCTT" tại 23 chung cư đã hướng dẫn 2.069 công dân cài đặt tài khoản DVCTT, 594 công dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Đến ngày 07-11-2022, thông qua công tác thu nhận hồ sơ CCCD điện tử, Công an Q.Gò Vấp đã thu nhận 151.488 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02.
Đơn vị điểm về số hóa tàng thư hộ khẩu
Về những thành quả đạt được hơn cả sự mong đợi của tập thể chính quyền và nhân dân Q.Gò Vấp đã gặt hái được, Trung tá Nguyễn Thị Mỹ An (Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - Công an Q.Gò Vấp) nói: "Hiện nay, trên địa bàn quận đã bố trí 35 máy tính tại các trụ sở UBND phường, Công an quận và Công an các phường; 23 máy tính tại các khu chung cư và 1 ôtô lưu động để hỗ trợ công dân nộp hồ sơ qua cổng DVCTT. Công an quận sử dụng đường truyền của Trung tâm Giám sát camera tại trụ sở Công an phường để kết nối máy tính, qua đó góp phần giảm chi phí trong quá trình thực hiện. Công an quận còn chú trọng bố trí treo panô tuyên truyền trực quan tại điểm hỗ trợ để giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận".
Việc bố trí máy tính, phân công cán bộ hỗ trợ người dân nộp hồ sơ qua cổng DVCTT đã phát huy hiệu quả thiết thực. Công dân được hướng dẫn kỹ càng nên thao tác thực hiện các thủ tục nhanh gọn, chính xác, không phải thực hiện nhiều lần. Đối với những công dân không thành thạo công nghệ thông tin, cán bộ tận tình hướng dẫn, hỏi thông tin và trực tiếp thao tác tạo tài khoản, thực hiện quy trình nộp hồ sơ giúp công dân.
Công an Q.Gò Vấp đã được Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM chọn là đơn vị làm điểm số hóa tàng thư hộ khẩu, nhân rộng việc thực hiện "làm sạch" dữ liệu dân cư, phục vụ Đề án 06 trên địa bàn thành phố. Công an Q.Gò Vấp đã trang bị 23 máy tính, 12 máy scan, 2 máy in (trong đó, được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - Bộ Công an hỗ trợ 10 máy tính, 10 máy scan); bố trí 40 cán bộ của Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH và Công an các phường để thực hiện công tác số hóa tàng thư hộ khẩu.
Công an Q.Gò Vấp thành lập 20 tổ công tác, mỗi tổ gồm 2 đồng chí, phụ trách thực hiện công tác số hóa tàng thư hộ khẩu theo địa bàn từng phường. Các tổ công tác sử dụng máy tính luân phiên từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 (14 giờ) hằng ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật; giao chỉ tiêu thực hiện tối thiểu 200 hồ sơ/máy/ngày. Đến ngày 12-10-2022, Công an Q.Gò Vấp đã hoàn thành việc số hóa tàng thư hộ khẩu (sớm hơn 3 ngày so với chỉ tiêu do Công an TPHCM giao), với 118.296 hộ và 478.168 nhân khẩu. Thông qua công tác số hóa tàng thư hộ khẩu, đã thu thập mới thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 3.414 nhân khẩu; cập nhật, điều chỉnh thông tin đối với 2.232 nhân khẩu.
Ngoài ra, quá trình triển khai các phương án thu nhận hồ sơ cấp CCCD điện tử, Công an Q.Gò Vấp đã chỉ đạo xây dựng nhiều phương án thu nhận hồ sơ CCCD phù hợp với từng địa bàn. Bố trí 9 điểm cấp CCCD điện tử (1 điểm cố định tại Công an quận, 8 điểm lưu động tại cụm Công an các phường), với 31 máy tính, 10 máy in, 10 máy thu nhận vân tay. Trong đó, lựa chọn, bố trí 101 cán bộ của Công an quận, với chủ trương tăng cường tối đa cán bộ, ưu tiên số cán bộ đã được đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH hoặc số cán bộ đã tham gia cấp CCCD gắn chíp trước đây để thực hiện thao tác thu nhận hồ sơ.
Công an Q.Gò Vấp đã chỉ đạo Công an các phường rà soát, điều tra cơ bản đối tượng cấp CCCD gắp chíp, đồng thời tiến hành cập nhật, bổ sung thông tin đối với những trường hợp trên lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.