Đầu tàu đổi mới
Trong dịp tổng kết 4 năm thực hiện mô hình trường điển hình tiên tiến ở Cần Thơ, lãnh đạo ngành GD-ĐT TP đã khẳng định vai trò bước đệm quan trọng của mô hình trong thực hiện Chương trình GDPT mới.
Theo đó, nhờ chú trọng đổi mới về phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhanh chóng nhập cuộc khi triển khai chương trình mới.
Thực tế này được nhiều cán bộ cốt cán đứng lớp tập huấn cho đội ngũ thực hiện SGK mới chia sẻ. Có nơi, không ít giáo viên còn cảm thấy bỡ ngỡ và bối rối khi lần đầu tiếp cận môn học, hoạt động giáo dục mới trong chương trình. Trong khi đó, tình hình lại khác hoàn toàn ở các trường áp dụng mô hình giáo dục đổi mới. Bởi với thầy cô dạy học ở đơn vị này, chuyện giáo dục qua các hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học hay dạy học tích hợp liên môn ở THCS không phải là điều quá xa lạ.
Các mô hình như: Trường học chất lượng cao (Hà Nội), trường tiên tiến (TPHCM) hay trường điển hình tiên tiến (Cần Thơ)… là những tên gọi khác nhau của mô hình trường công lập tổ chức dạy học đổi mới. Những mô hình này đang là “đầu tàu” trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Tại Cần Thơ, triển khai từ năm học 2016 - 2017, đến nay, sau 4 năm thực hiện, mô hình trường điển hình tiên tiến có sức lan tỏa mạnh, tạo ra làn gió mới trong dạy học theo định hướng đổi mới và sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình GDPT mới.
Ở TPHCM, mô hình trường tiên tiến hội nhập phát triển tối ưu nguồn lực sẵn có của các trường công lập, kết hợp thêm sự đóng góp của phụ huynh, tạo ra môi trường học tập mới, hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các chuẩn kỹ năng và kiến thức tiên tiến. Tại Hà Nội, các trường chất lượng cao đều là đơn vị tiêu biểu xuất sắc, có nhiều thành tích, luôn đổi mới sáng tạo và đi đầu trong công cuộc đổi mới.
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà các mô hình trường học tiên tiến/ chất lượng cao/ điển hình đổi mới mang lại. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, để phát triển rộng hơn không phải dễ. Cần Thơ có tốc độ nhân rộng mô hình trường điển hình tiên tiến khá nhanh, từ 4 trường năm đầu tiên, sau 4 năm lên 53 và dự kiến tới đây sẽ triển khai đại trà. Học phí như trường bình thường nhưng được tạo các điều kiện về cơ sở vật chất và xã hội hóa đó là bí quyết đi nhanh của thành phố này. Dù thế, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cho biết, nếu không có sự chung sức đồng thuận, hỗ trợ của phụ huynh, rất khó đạt được mục tiêu.
Mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao ở Hà Nội, TPHCM có những đặc thù riêng về học phí, lại càng khó khăn hơn khi đối diện với áp lực dân số. Như tại TPHCM, Đề án xây dựng trường tiên tiến hội nhập xây dựng từ năm 2014, TP định hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình này, nhưng đến nay nhiều quận, huyện vẫn chưa làm được, đặc biệt ở cấp tiểu học. Đáp ứng cả hai tiêu chí “tinh về chất, gọn về lượng” là bài toán khó.
Hay ở Hà Nội, mặc dù có thuận lợi về mặt pháp lý nhưng bài toán cân đối thu chi lại khá đau đầu với các trường chất lượng cao. Mô hình chất lượng cao mang lại hiệu quả tốt về đổi mới dạy học nhưng nếu tự chủ hoàn toàn, nguy cơ thu không đủ bù chi là có thật. Trong khi đó, việc tăng mức thu học phí sẽ gây khó khăn cho phụ huynh học sinh…
“Đo ni đóng giày” kịp thời một cơ chế chuẩn cho những mô hình giáo dục mới là việc khó khả thi. Nhưng để các mô hình này đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc đổi mới, hội nhập, đồng thời có điều kiện nhân rộng, phát triển, ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi đơn vị, chắc chắn rất cần sự điều chỉnh cơ chế, phù hợp với đặc thù địa phương.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/dau-tau-doi-moi-Q0DG9vuGg.html