Đầu tàu kinh tế phía Nam nâng cấp thu hút FDI
Các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu nâng cấp thu hút FDI bằng việc chọn lọc dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.
Định hướng thu hút chọn lọc dự án FDI
Nếu như trước kia, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có khuynh hướng thu hút FDI chạy theo số lượng mà “quên” đi chất lượng, dẫn tới dự án sử dụng nhiều đất, thâm dụng lao động và gây ô nhiễm môi trường, thì thời gian gầy đây, tình hình đã thay đổi. Đặc biệt, năm 2023, các tỉnh, thành phố trong Vùng như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đều cùng nâng cấp thu hút FDI với định hướng chọn lọc dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào các tỉnh, thành phố phía Nam rất quan tâm đến định hướng thu hút đầu tư mới của các địa phương này. Mới đây nhất, ngày 10/5, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn SMC (Nhật Bản), doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nắm bắt những chính sách thu hút đầu tư mới của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới để phục vụ kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất tại đây.
Thông tin đến nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, định hướng thu hút đầu tư trong những năm tới của tỉnh là chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển hướng thu hút công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động.
Tập đoàn SMC đang đầu tư sản xuất thiết bị khí nén để cung cấp sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp tự động hóa, phù hợp với ngành nghề và định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh Đồng Nai đã đề ra.
Giống như Đồng Nai, TP.HCM cũng đang hướng đến thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Thành phố còn xây dựng Đề án Thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong Dự thảo Đề án đang được lấy ý kiến, Thành phố đặt ra các tiêu chí đầu tư và mục tiêu rất rõ ràng.
Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Thành phố. Một mục tiêu quan trọng nữa được đặt ra là tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%/năm.
Các ngành thương mại điện tử, logistics, bán lẻ cùng các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot... sẽ là những ngành được TP.HCM trải “thảm đỏ” mời gọi đầu tư.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhấn mạnh: “Thời gian tới, TP.HCM không lấy ưu đãi thuế là một lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI, mà hướng đến cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, làm sao để nhà đầu tư không gặp trở ngại về pháp lý”.
Các dự án công nghệ cao tăng dần
Định hướng thu hút đầu tư chọn lọc, thu hút dự án công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động của các tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được nhiều tập đoàn lớn ủng hộ, với những kế hoạch đầu tư lớn.
Ông Rajib Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, các tỉnh, thành phố phía Nam là điểm đến hấp dẫn, nên nhiều công ty Ấn Độ đã thiết lập sự hiện diện ở đây và dự kiến thu hút nhiều công ty khác cùng đến đầu tư. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư tại khu vực phía Nam là công nghệ thông tin, dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
“Các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn Chính phủ Việt Nam ưu đãi về thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện hạ tầng”, ông Rajib Gupta thay mặt các doanh nghiệp Ấn Độ nêu kiến nghị.
Không chỉ có các nhà đầu châu Á, các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng rất ủng hộ định hướng thu hút đầu tư mới của các tỉnh, thành phố phía Nam vì phù hợp với “khẩu vị” của họ. Minh chứng là, một số dự án công nghệ cao quy mô lớn nhanh chóng được nhà đầu tư châu Âu rót vốn.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Dự án Nhà máy Sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego của Đan Mạch tại tỉnh Bình Dương. Dự án này có vốn đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD, được định hướng xây dựng thành nhà máy bền vững nhất của Tập đoàn Lego trên thế giới về mặt thiết kế và xây dựng, với trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, nhà máy sẽ vận hành bằng năng lượng mặt trời.
Một dự án khác cũng vừa được cấp phép tại Bình Dương là Nhà máy Sản xuất trang sức và phụ kiện trang sức với tổng vốn đầu tư 163 triệu USD của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch). Dự án này cũng sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Để tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao, Bình Dương rất chú trọng xây dựng các khu công nghiệp “xanh”. Đầu tháng 2/2023, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Công ty Sembcorp Development Ltd (Singapore) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác để phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, trong đó, có một số khu công nghiệp tại Bình Dương.
Giữa tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Gia Định (Việt Nam) và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác để thực hiện xây dựng cụm công nghiệp “Net Zero” tại huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Cụm công nghiệp này sẽ sử dụng năng lượng mặt trời và sử dụng công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp.
Tỉnh Đồng Nai cũng đang thu hút được các dự án công nghệ cao. Đầu tháng 4/2023, Tập đoàn Tripod (Đài Loan) đã hoàn tất thương vụ nhận chuyển nhượng Công ty TNHH FICT Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Sau khi tiếp nhận nhà máy của FICT Việt Nam, Tập đoàn Tripod dự kiến đầu tư thêm khoảng 200 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử nhằm cung ứng sản phẩm cho thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện các dự án đầu tư mới vào tỉnh chủ yếu sử dụng công nghệ tiên tiến, đa phần thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo... Trong quý I/2023, Đồng Nai thu hút được 7 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, với vốn đầu tư đăng ký là 30,46 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới.
“Do chọn lọc thu hút đầu tư, nên có những giai đoạn, Đồng Nai không nằm trong top các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng bù lại, đã có những kết quả nhất định thể hiện sự thành công đối với định hướng thu hút đầu tư FDI thế hệ mới” ông Nguyên nhấn mạnh.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Đảm bảo xu hướng chuyển dịch sang các ngành sản xuất công nghệ cao”
- Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM
Điều quan trọng đối với sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam là phải đảm bảo xu hướng chuyển dịch sang các ngành sản xuất công nghệ cao. Việt Nam chắc chắn đang thu hút sự quan tâm cao như là một điểm đến đầu tư tốt không chỉ từ Nhật Bản, mà còn từ nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, nhìn vào thực chất các dự án đã đầu tư, có thể thấy, phần lớn mới chỉ là các công đoạn gia công lắp ráp đơn giản, hoặc kiểm tra, đóng gói, sử dụng nhiều nhân lực.
Trong một cuộc khảo sát của JETRO về sự sẵn sàng của các công ty Nhật Bản đối với việc mở rộng hoạt động trong năm 2021 và 2022, nhiều dự án vẫn là các quy trình sử dụng nhiều lao động. Điều này có thể do thủ tục hành chính không hiệu quả, không minh bạch và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện.
Ngoài chi phí lao động tăng cao, yêu cầu phải xin nhiều giấy phép và phê duyệt khác nhau khi mở rộng sang các thị trường mới cũng là một vấn đề. Các thủ tục phức tạp và kém hiệu quả liên quan đến việc xin các giấy phép và phê duyệt khiến việc kinh doanh trở nên tốn kém và mất thời gian hơn dự kiến.
Trong khảo sát của JETRO, nhiều công ty Nhật Bản cho biết, họ muốn chuyển mua phụ tùng và nguyên liệu thô từ Trung Quốc và Nhật Bản sang mua tại Việt Nam, nhưng thực tế, họ đều gặp khó khăn do các vấn đề nêu trên.
JETRO đã trao đổi với các bên liên quan và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm hướng tới mục tiêu minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có thời gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Ngoài ra, chúng tôi đang hợp tác với các công ty Nhật Bản thông qua các kênh kết nối kinh doanh và các biện pháp khác để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ; làm việc với các công ty Nhật Bản có nhiều lợi thế như công nghệ tiên tiến, kiểm soát chất lượng tốt và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Việt Nam cần có thêm nhiều nỗ lực cải thiện mạng lưới giao thông”
- Ông Patrick Lenain, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Kinh tế
Dòng vốn FDI và thương mại tự do đã mang lại nhiều lợi ích. Các công ty đa quốc gia tạo ra các công việc được trả lương cao, mang lại phúc lợi và cung cấp đào tạo kỹ thuật cho người lao động địa phương. Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tạo ra tác động lan tỏa, như cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương tìm hiểu về công nghệ mới và chuyên môn quản lý.
Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra dưới hình thức sản xuất tại địa phương cũng như đầu tư vốn cổ phần và các công ty con. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI cũng giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp, thông qua việc thực thi thông lệ kinh doanh mới như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tính bền vững môi trường.
Để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần có thêm nhiều nỗ lực cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã triển khai một số dự án hạ tầng lớn, như nâng cấp hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cải tạo hệ thống đường sắt Bắc - Nam và xây dựng sân bay quốc tế Long Thành… Những dự án này sẽ không chỉ cải thiện khả năng kết nối trong nước, mà còn tăng cường liên kết với các nước láng giềng và khu vực rộng lớn hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tau-kinh-te-phia-nam-nang-cap-thu-hut-fdi-d189626.html